Dịch vụ nấu ăn lưu động phục vụ tiệc hiếu, hỷ được nhiều gia đình lựa chọn bởi tiện lợi, đơn giản
Tiện lợi, đơn giản
Từ khi dịch vụ nấu ăn lưu động phục vụ tiệc hiếu, hỷ ra đời, nhiều gia đình không còn lo lắng, tất bật đi chợ mua thức ăn, chuẩn bị nấu nướng từ sớm. Giá cả của loại dịch vụ này cũng khá cạnh tranh, tùy theo túi tiền của khách hàng. Qua tìm hiểu thực tế, khách hàng có thể lựa chọn giữa nấu tại chỗ hoặc nấu sẵn tại các cơ sở chế biến. Hình thức được phần đông người dân lựa chọn là các cơ sở chế biến thức ăn xong rồi mang đến, sau khi kết thúc sẽ có người thu dọn. Cũng chính vì sự tiện lợi, quy trình đặt tiệc đơn giản nên dịch vụ nấu ăn lưu động được nhiều gia đình lựa chọn. Nhiều người mạnh dạn kinh doanh dịch vụ này bởi đầu tư ban đầu khá đơn giản, không cần mặt bằng kinh doanh nhưng mang lại hiệu quả kinh tế.
Hơn 3 giờ, Cơ sở nấu ăn Ba Á (xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) khá nhộn nhịp. Các nhân viên ở đây có mặt đông đủ để bắt đầu công việc. Với kinh nghiệm hơn 10 năm hoạt động, khu vực chế biến của cơ sở này được đầu tư khá bài bản. Khu vực sơ chế rau, củ tách biệt với khu vực sơ chế thịt, cá tươi sống. Bà Nguyễn Thị Bé - chủ Cơ sở nấu ăn Ba Á, chia sẻ: “Tùy theo tiệc lớn, nhỏ mà chúng tôi huy động lực lượng phục vụ nhiều hay ít. Để tạo được uy tín với khách hàng, chúng tôi đặc biệt chú trọng vấn đề bảo đảm ATTP và chất lượng các món ăn. Nguyên liệu đầu vào phải tươi ngon, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Các loại thực phẩm khô, gia vị phải có nhãn mác, thương hiệu”.
Tuy nhiên, có không ít nhóm nấu ăn nhỏ, lẻ đứng ra nhận nấu ăn; phần lớn thành lập theo mùa tiệc nên các cơ quan chức năng khó quản lý, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP. Nhiều cơ sở phục vụ chưa bảo đảm ATTP, các loại nguyên liệu thực phẩm sử dụng không truy xuất được nguồn gốc rõ ràng như không có chứng từ, hóa đơn, hợp đồng. Khu vực chế biến không được thiết kế theo nguyên tắc một chiều, các khu vực sơ chế, chế biến không tách biệt với khu vực sinh hoạt. Việc thu gom rác thải và xử lý chất thải trong ngày thực hiện chưa đúng quy định. Đa số cơ sở trang bị dụng cụ nấu nướng, chế biến, ăn uống phục vụ tiệc hiếu, hỷ chưa bảo đảm ATTP. Các phương tiện vận chuyển thực phẩm chín chưa tách biệt với phương tiện vận chuyển thực phẩm sống và chưa trang bị phương tiện chuyên dụng, còn dùng phương tiện thô sơ, chưa bảo đảm ngăn cách với môi trường xung quanh, tránh sự xâm nhập của bụi, côn trùng và động vật gây hại. Chưa xem trọng việc lưu mẫu thức ăn khi phục vụ cùng lúc 30 người. Bên cạnh đó, nhiều nhân viên chưa được trang bị kiến thức về ATTP, bảo hộ lao động, thực hành về vệ sinh cá nhân, chưa khám sức khỏe định kỳ,... theo quy định.
Theo thói quen, khách hàng và người kinh doanh chỉ thỏa thuận số lượng bàn tiệc, chất lượng món ăn và giá cả mà ít quan tâm đến khâu bảo đảm ATTP. Chính vì thế, việc bảo đảm ATTP cần được quan tâm hàng đầu để những bữa tiệc được trọn vẹn. Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Cần Giuộc - Đỗ Hiếu Trung cho biết: “Trên địa bàn huyện hiện có 38 cơ sở nấu ăn nhưng chỉ có 22 cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. UBND huyện thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, lập biên bản xử phạt những trường hợp vi phạm quy định. Tuy nhiên, qua kiểm tra còn một số khó khăn trong công tác quản lý do các cơ sở không nấu ăn thường xuyên. Tại thời điểm kiểm tra thì đạt nhưng quá trình vận chuyển thức ăn chưa bảo đảm ATTP. Thời gian tới, chúng tôi tăng cường công tác thanh, kiểm tra tại các cơ sở nấu ăn, nhất là vào mùa tiệc”.
Siết chặt quản lý
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ hiếu, hỷ có 2 dạng: Cơ sở sơ chế, chế biến nấu ăn tại nơi phục vụ hiếu, hỷ; cơ sở sơ chế, chế biến tại nhà sau đó vận chuyển đến nơi đám tiệc và phân chia ra bàn để phục vụ. Đa số cơ sở dịch vụ ăn uống phục vụ hiếu, hỷ thực hiện theo thời vụ, không ổn định. Đến nay, toàn tỉnh có 211 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ hiếu, hỷ, trong đó có 60 cơ sở có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
Công tác quản lý các cơ sở dịch vụ ăn uống phục vụ hiếu, hỷ trên địa bàn tỉnh thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế và được ngành chức năng quan tâm thực hiện. Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh - Đoàn Thanh Chiến cho biết: “Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Quyết định số 31/2019/QĐ-UBND, ngày 17/7/2019 của UBND tỉnh và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2019”. Theo quyết định này, UBND cấp huyện có thẩm quyền: Tổ chức cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP và quản lý đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh do cơ quan đăng lý kinh doanh cấp huyện cấp (không bao gồm cơ sở chế biến suất ăn sẵn). Đồng thời, cấp huyện có thẩm quyền quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (phục vụ đám tiệc, hiếu, hỷ) không được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cấp trở lên thì cơ sở này do cấp trên chịu trách nhiệm quản lý.
Khó khăn của cơ quan quản lý nhà nước là đa số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ hiếu, hỷ thực hiện theo thời vụ, không ổn định. Qua kiểm tra, giám sát hoạt động của loại hình này, còn một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ hiếu, hỷ chưa bảo đảm các điều kiện về ATTP. Cụ thể, diện tích mặt bằng chật hẹp nên việc bố trí các khu sơ chế, chế biến chưa tách biệt; khu vực sơ chế, chế biến còn ứ đọng nước, không bảo đảm khô ráo, sạch sẽ; nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm chưa rõ ràng về hóa đơn, chứng từ nên khó trong việc truy xuất nguồn gốc. Điều kiện, thiết bị bảo quản nguyên liệu thực phẩm chưa bảo đảm. Việc phòng, chống côn trùng, động vật tại khu vực chế biến chưa bảo đảm.
Nguồn nước sử dụng để chế biến chưa phù hợp theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 01:2009/BYT về chất lượng nước ăn uống. Phương tiện vận chuyển còn thô sơ và thiết bị bảo quản thực phẩm đến nơi cung cấp chưa bảo đảm an toàn. Thời gian vận chuyển xa nên không bảo đảm thời gian an toàn từ khi chế biến đến khi ăn. Điều kiện về con người như khám sức khỏe, kiến thức về ATTP, thực hành vệ sinh cá nhân, trang bị bảo hộ lao động (khẩu trang, trùm tóc, găng tay sử dụng 1 lần) cho nhân viên trực tiếp chế biến chưa đầy đủ. Chưa thực hiện lưu mẫu thức ăn theo quy định khi phục vụ cùng lúc từ 30 người trở lên.
Bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Cũng theo ông Đoàn Thanh Chiến, thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường thanh, kiểm tra; đẩy mạnh công tác truyền thông; triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, kiến thức về ATTP cho chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến thực phẩm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ hiếu, hỷ.
Bảo đảm ATTP là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Để phòng, chống ngộ độc thực phẩm, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ hiếu, hỷ cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ và điều kiện về con người bảo đảm theo đúng quy định pháp luật./.
Để phòng, chống ngộ độc thực phẩm, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ hiếu, hỷ cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ và điều kiện về con người bảo đảm theo đúng quy định pháp luật”. |
Ngọc Mận - Huỳnh Hương