Cần có chế độ ăn uống lành mạnh và đa dạng các thành phần dinh dưỡng
Theo đó, để bảo đảm an toàn thực phẩm, người dân nên sử dụng găng tay, khẩu trang khi đi mua thực phẩm; tránh xa khu vực chứa chất thải và nước thải trong chợ; tuyệt đối không tiếp xúc, sử dụng thịt động vật chết do bị bệnh vì đây là những nguồn gây bệnh nguy hiểm. Sau khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm và các loại thịt sống phải rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn có cồn để tránh mang mầm bệnh về nhà.
Khi chế biến các sản phẩm thịt, trứng gia cầm nên sử dụng tạp dề, găng tay, khẩu trang; sử dụng dao và thớt riêng khi nấu ăn để tránh nhiễm chéo từ thực phẩm sống vào đồ ăn chín; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để loại bỏ các mầm bệnh sau khi tiếp xúc với thực phẩm sống hoặc trước khi tiếp xúc với thực phẩm chín. Nấu chín các loại thịt, trứng gia cầm trước khi ăn để bảo đảm tiêu diệt các mầm bệnh (như virus, vi khuẩn,...). Việc ăn uống phải bảo đảm vệ sinh; luôn ăn chín, uống chín nhằm hạn chế nguy cơ lây bệnh qua thực phẩm; không sử dụng muỗng, đũa cá nhân để lấy các món ăn chung; không uống chung ly nước hoặc đồ đựng các loại thức uống với người khác. Người dân cần thực hiện dinh dưỡng hợp lý để tăng cường miễn dịch cho cơ thể như cung cấp đủ chất đạm (protein), vitamin A, C, D, E và khoáng chất cần thiết như sắt, kẽm, selen, beta-caroten; đồng thời, sử dụng một số thực phẩm/gia vị chứa các hoạt chất đặc biệt giúp tăng cường miễn dịch như tỏi, hành, nghệ, sả, nấm, tảo biển,…
Uống nước đúng cách cũng góp phần phòng ngừa dịch bệnh. Hàng ngày, cơ thể cần khoảng 2-2,5 lít nước từ thực phẩm và đồ uống để bù lại lượng nước mất qua các con đường khác nhau. Cần uống nước sạch, nước đun sôi để nguội, uống chậm, uống từng ngụm nhỏ và chia đều trong ngày ngay cả khi không khát.Không uống nước đun lại nhiều lần; không uống nhiều nước trước khi đi ngủ; không nên uống nước ngọt thay cho nước lọc.
Đối với người cao tuổi, đặc biệt lưu ý ăn đủ các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt bò, thịt gà, trứng, lưu ý đến khẩu vị, sở thích để có thể ăn đủ số lượng. Nếu ăn không đủ, nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng, từ 1-2 ly/ngày.
Đối với trẻ em, cần cho trẻ dưới 6 tháng tuổi bú sữa mẹ hoàn toàn vì đây là biện pháp phòng ngừa lây nhiễm tốt nhất với trẻ nhỏ; tiếp tục bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi và cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng. Trẻ mẫu giáo và học sinh cần ăn uống điều độ, đủ số lượng, nên ăn nhiều quả chín, rau xanh, uống nước ngụm nhỏ thường xuyên để giữ ẩm cổ họng, ngăn ngừa sự xâm nhập của virus, vi khuẩn.
Những người đang mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, Parkinson,... cần uống thuốc điều trị bệnh thường xuyên, đầy đủ và thực hiện chế độ dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện vệ sinh nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh như không dùng chung đồ dùng cá nhân; tránh để tay tiếp xúc với mặt, mắt, miệng; cẩn thận khi chạm vào các đồ vật; rửa tay ngay sau khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng; sau khi rửa tay, tránh tiếp xúc vào khóa vòi nước, tay nắm cửa. Tại gia đình, cần chú ý giữ gìn vệ sinh và thường xuyên lau sạch các vật dụng như bàn phím máy tính, điện thoại để bàn, điện thoại di động, đồ chơi, laptop,…/.
Quang Nguyên - Thúy Minh