Thời điểm nhạy cảm
Reuters ngày 7/9 đưa tin, Bộ Quốc phòng Philippines đã cho phát hành một số hình ảnh cho thấy các tàu của Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều gần bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham ở Biển Đông, chỉ vài giờ trước cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 ở thủ đô Vientiane, Lào.
Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham là tâm điểm tranh cãi giữa Trung Quốc và Philippines. (Ảnh: wikipedia.org)
Không có bất kỳ lời giải thích nào lời giải thích nào cho thời điểm công bố những bức ảnh nói trên nhưng nó được phát hành chỉ 2 ngày sau khi Philippines bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước việc gia tăng số lượng các tàu Trung Quốc quanh bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham và yêu cầu một lời giải thích từ Đại sứ Trung Quốc tại Philippines.
Một quan chức Philippines cho biết, việc cho phát hình những hình ảnh liên quan đến sự xuất hiện ngày càng nhiều của các tàu trung quốc quanh bãi cạn tranh chấp được thực hiện theo lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines – người đang có mặt tại Vientiane, Lào.
10 tấm ảnh và bản đồ liên quan đã được gửi qua email cho các nhà báo và nhiều người trong số họ đang có mặt để đưa tin về Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 ở Lào.
Động thái này của Philippines được đưa ra ngay sau sự cố ngoại giao giữa Philippines và Mỹ liên quan đến tuyên bố xúc phạm ông Obama của Tổng thống Duterte.
Trung Quốc nhiều lần đổ lỗi cho Mỹ là thủ phạm khuấy động những rắc rối ở Biển Đông – tuyến đường hàng hải quan trọng bậc nhất trên thế giới. Trong khi đó, Mỹ không ít lần khẳng định không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông nhưng có trách nhiệm duy trì tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Mặc dù bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham chỉ gồm một số đá nhô trên mặt nước biển nhưng nó có ý nghĩa quan trọng với nước này trong việc khẳng định chủ quyền ở vùng biển được đánh giá là giàu tài nguyên thủy hải sản.
Trung Quốc đã ngăn không cho ngư dân tiếp cận Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham kể từ khi Bắc Kinh giành được quyền kiểm soát bãi cạn này hồi năm 2012. Đây được cho là một trong những nguyên nhân khiến Philippines quyết định khởi kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài Quốc tế.
Ngày 12/7, Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) đã ra phán quyết cho rằng, Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để tuyên bố “quyền lịch sử” đối với những tài nguyên biển trong cái gọi là “đường lưỡi bò” do Bắc Kinh đơn phương vẽ ra ở Biển Đông.
Philippines tiếp cận thận trọng
Ngoại trưởng Yasay tại một phiên điều trần của Quốc hội Philippines đã cảnh báo: “Chúng tôi đang cố gắng để làm cho Trung Quốc hiểu rằng, nếu họ không tôn trọng và công nhận Tòa trọng tài Quốc tế thì họ sẽ là kẻ thua cuộc trong vấn đề này”.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng cho biết, ông hy vọng các cuộc đàm phán với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông có thể được bắt đầu trong vòng 1 năm tới. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dù tuyên bố muốn Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế nhưng cam kết không nêu vấn đề này tại cuộc họp của các quan chức cấp cao ASEAN tại Lào.
Để dọn đường cho các cuộc đàm phán song phương trong tương lai, ông Duterte đã cử cựu Tổng thống Fidel Ramos làm đặc phái viên để gặp gỡ vào trao đổi với phía Trung Quốc về những bất đồng liên quan giữa hai bên.
Phóng viên Reuters đưa tin về Hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào cho biết, bản dự thảo thông cáo của Hội nghị liệt kê 8 điểm liên quan đến vấn đề Biển Đông nhưng không hề đề cập đến phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982.
Trong khi đó, trên thực địa, Trung Quốc tiếp tục có các hoạt động nhằm khẳng định yêu sách của nước này ở Biển Đông.
Trước Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28-29, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tiết lộ, lực lượng không quân nước này đã phát hiện số lượng tàu thuyền nhiều bất thường trong đội tàu mà Bắc Kinh duy trì tại bãi cạn Scarbourough/Hoàng Nham.
Ông Lorenzana cho biết, có 4 tàu hải cảnh của Trung Quốc và 6 tàu khác, bao gồm cả các sà lan màu xanh xung quanh bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.
Theo ông Lorenzana, sự hiện diện của lượng tàu thuyền không thuộc lực lượng hải cảnh tại đây là “mối quan ngại sâu sắc” và cũng chính là nguyên nhân khiến ngư dân Philippines không thể tới đây đánh bắt dù Tòa trọng tài đã ra phán quyết cho rằng, Scarborough/Hoàng Nham là ngư trường “mở” cho tất cả cùng khai thác.
Reuters dẫn lời một quan chức Philippines giấu tên nói: “Chúng tôi đã thắng trong vụ kiện trọng tài nhưng chúng tôi không thể thực thi nó, làm thế nào để chúng tôi có thể giải thích điều này với ngư dân của mình?
Vì vậy, chúng tôi muốn trao đổi với Trung Quốc và giải quyết vấn đề này, nhưng với tình hình như hiện nay, mọi việc đang trở nên khó khăn hơn. Tổng thống sẽ yêu cầu Trung Quốc giải thích ý định của họ trong khu vực”./.
Hùng Cường/VOV