Tiếng Việt | English

11/12/2020 - 14:37

Anh và EU lên kịch bản cho một viễn cảnh không thỏa thuận

Cụm từ “Anh ra khỏi Liên minh châu Âu không thỏa thuận” luôn là điều hai bên lo ngại nhất trong quá trình đàm phán trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài gần 1 năm qua.

Và ngay trước thời hạn chót 31/12 tới, khả năng này lại càng cao hơn với việc cả Anh và Liên minh châu Âu đều đang chuẩn bị những biện pháp để tránh tình trạng lộn xộn xảy ra, khi hai bên kết thúc thời kỳ chuyển tiếp mà không có thỏa thuận thương mại.


  Ảnh minh họa: Europa.

Sau nhiều ngày đàm phán với các cuộc điện đàm khẩn và cả cuộc gặp trực tiếp, Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm qua (10/12) phải thừa nhận "nhiều khả năng" nước Anh sẽ giao dịch với EU theo “giải pháp Australia” – cách ông gọi một Brexit không thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, ông cam kết sẽ làm hết sức mình để ngăn chặn tình trạng lộn xộn có thể xảy ra khi hai bên kết thúc thời kỳ chuyển tiếp vào ngày 31/12 tới.

“Hiện có khả năng rất lớn là chúng ta sẽ phải có một giải pháp giống như mối quan hệ của Australia với EU hơn là mối quan hệ giữa Canada với EU. Điều này cũng không phải là không tốt. Có nhiều cách như tôi nói chúng ta có thể biến những điều đó thành lợi thế. Tuy nhiên các doanh nghiệp hiện vẫn phải chuẩn bị cho ngày 1/1/2021 bởi tôi tin rằng sẽ có sự thay đổi theo cách nào đó”, ông Boris Johnson nói.

Mặc dù hai bên đặt ra thời hạn 13/12 tới để đưa ra quyết định cuối cùng cho Thỏa thuận hậu Brexit, nhưng khả năng đạt được đột phá là rất thấp, do Nội các Anh coi dự thảo thỏa thuận mới nhất mà EU đưa ra là “không thể chấp nhận được”. Hiện hai bên vẫn bất đồng về 3 nội dung cốt lõi về quyền đánh bắt cá, sân chơi bình đẳng và giải quyết tranh chấp.

Trong dự thảo mới nhất, EU muốn hai bên tiếp tục vào đánh bắt cá trong vùng biển của nhau trong 12 tháng, bắt đầu từ ngày 1/1/2021 và duy trì dịch vụ đường không, đường bộ, vận chuyển hàng hóa trong vòng 6 tháng cũng từ thời hạn trên. Tuy nhiên, phía Anh không chấp nhận. Trước khả năng này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố đã đề ra các biện pháp ứng phó trong trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại.

“Chúng tôi sẵn sàng trao quyền tiếp cận thị trường cho phía Anh. EU là thị trường đơn lẻ lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên điều kiện phải công bằng, phải công bằng đối với người lao động, đối với doanh nghiệp của EU. Điều này đã không được thực hiện gần đây. Các cuộc đàm phán vẫn diễn ra và chúng tôi sẽ đưa ra quyết định vào ngày 13/12 tới”, ông Ursula von der Leyen nói.

Ba vấn đề còn tồn đọng cũng là những rào cản lớn trong các cuộc đàm phán thương mại song phương bấy lâu nay. Không chỉ là các lợi ích, những vấn đề được đề cập đều khá nhạy cảm, mang tính biểu tượng. Ví dụ như vấn đề đánh bắt cá, theo cách như Thủ tướng Anh tuyên bố thì yêu cầu của EU sẽ khiến “Anh là quốc gia duy nhất trên thế giới không có quyền kiểm soát chủ quyền đối với các vùng biển đánh bắt cá của mình”. Vấn đề đánh bắt cá theo chính sách của EU cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy cử tri Anh lựa chọn "dứt áo ra đi" vào năm 2016.

Mặc dù khá tự tin tuyên bố nước Anh sẽ thịnh vượng kể cả khi có hay không có thỏa thuận, giới chức Anh vẫn hiểu rõ những hậu quả khi phải ra đi theo kiểu “Australia”. Bởi khi đó, cũng như Australia, Anh không có một thỏa thuận thương mại toàn diện với EU nên phần lớn hoạt động giao thương đều bị áp thuế. Điểm mấu chốt là giá trị trao đổi thương mại giữa EU với Anh lớn hơn nhiều với Australia. Vì thế, để không bỏ lỡ cơ hội cuối cùng, Thủ tướng Johnson khẳng định sẵn sàng đến Đức, Pháp và Bỉ để thương thuyết với mong muốn hai bên sẽ đạt được thỏa thuận./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết