Tiếng Việt | English

25/02/2021 - 15:48

Australia lọt Top 10, Việt Nam được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu

Australia vừa được lọt vào danh sách 10 quốc gia có quyền lực mềm hàng đầu thế giới. Trong khi đó, vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng này cũng được cải thiện.

Theo Chỉ số đánh giá quyền lực mềm toàn cầu do Brand Finance, công ty tư vấn có trụ sở tại Anh vừa công bố, Australia được xếp thứ 10 trong danh sách các nước có quyền lực mềm hàng đầu thế giới. Trong bảng đánh giá năm nay, Mỹ bị tụt hạng từ vị trí thứ 1 xuống vị trí thứ 6 trong khi Đức lại vươn lên chiếm vị trí hàng đầu. Tiếp sau đó là Nhật Bản, Anh. Đáng chú ý, năm nay đã chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của New Zealand từ vị trí thứ 22 lên vị trí thứ 16 trong bảng xếp hạng.

Trong bảng xếp hạng năm nay, vị trí của Việt Nam cũng được cải thiện, nâng thêm 3 bậc, từ 50 lên 47. Ông Samir Dixit, một tác giả của báo cáo cho biết, Việt Nam “dường như đang kiểm soát tốt mọi khía cạnh”.


Việt Nam được nâng 3 hạng trong bảng xếp hạng Chỉ số quyền lực mềm toàn cầu

Ông Samir Dixit đánh giá cao việc Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với 187 trong tổng số 193 thành viên Liên Hợp Quốc và trở thành thành viên của CPTPP, xây dựng được Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu. Chương trình “Giá trị Việt Nam” nhằm xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam ở trong nước và quốc tế cũng được cho là một yếu tố giúp cho quyền lực mềm của Việt Nam được gia tăng.

Yếu tố chi phối chỉ số quyền lực mềm của các quốc gia trong năm nay đó là cách thức ứng phó với đại dịch Covid-19. Vì thế các quốc gia như Đức và New Zealand được đánh giá cao trong khi Mỹ lại bị sụt giảm tới 5 bậc.

Mặc dù Australia được đánh giá cao trong cuộc chiến chống Covid-19 song việc nước này đóng cửa biên giới với nước ngoài và việc đi lại giữa các bang cũng gặp nhiều khó khăn do các biện pháp kiểm dịch nên thứ hạng của Australia không được cải thiện nhiều. Tuy vậy, trong bảng xếp hạng này, Australia vẫn được đánh gia là quốc gia nhiều người muốn đến thăm.

Bảng đánh giá chỉ số quyền lực mực mềm toàn cầu được thực hiện dựa trên một cuộc thăm dò ý kiến đối với 55.000 người làm việc trong nhiều lĩnh vực tại 100 quốc gia trên thế giới. Các tiêu chí được mang ra lấy ý kiến gồm nhận thức, mức độ quen thuộc, tầm ảnh hưởng, danh tiếng toàn cầu và hiệu quả trong các lĩnh vực chính bao gồm thương mại, kinh doanh, quản trị, văn hóa, di sản, truyền thông, giáo dục, khoa học, con người và các giá trị./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết