Tiếng Việt | English

15/12/2020 - 15:19

Việt Nam và mục tiêu trở thành trung tâm chế tạo lớn ở châu Á

Theo Báo cáo Chỉ số cạnh tranh công nghiệp (CIP) 2020, Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) ghi nhận, năm 2018, Việt Nam tăng 2 bậc trong xếp hạng CIP.


Sản xuất linh kiện cơ khí tại Công ty Misumi Việt Nam - Khu chế xuất Linh Trung, Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Trang mạng futureiot.tech của Singapore mới đây đăng bài viết cho rằng trong 15 năm qua, Việt Nam nổi lên là “trung tâm chế tạo lớn” ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo Báo cáo Chỉ số cạnh tranh công nghiệp (CIP) 2020, Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) ghi nhận, năm 2018, Việt Nam tăng 2 bậc trong xếp hạng CIP, xếp thứ 38 trong năm 2018 trong thang chỉ số toàn cầu gồm 152 quốc gia, so với vị trí thứ 41 trong năm 2017.

Báo cáo cho rằng, từ năm 1990, Việt Nam trên đà tăng hạng chỉ số CIP. Việt Nam gần vượt lên trên mức trung bình của thế giới, trong đó 2 chỉ số quan trọng về khả năng cạnh tranh, đặc biệt khi hàng hóa sản xuất của Việt Nam chiếm gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, vượt trên mức trung bình toàn cầu là 60%.

Tuy nhiên, xét về tỷ trọng các hoạt động công nghệ vừa và cao trong lĩnh vực chế tạo, thứ hạng của Việt Nam có dấu hiệu đi xuống, giảm một bậc khi xếp thứ 40 trong năm 2018.

Xét về tỷ trọng hoạt động công nghệ vừa và cao trong chỉ số giá trị gia tăng toàn ngành chế tạo, thứ hạng của Việt Nam chỉ tăng một bậc, xếp thứ 31 trong năm 2018.

Tiếp tục công nghiệp hóa

Tháng 9/2020, Chính phủ Việt Nam ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 23/NQ/TW, định hướng xây dựng chính sách công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kế hoạch hành động được xây dựng nhằm đưa Việt Nam vào nhóm ba nền kinh tế công nghiệp hàng đầu của ASEAN. Một số mục tiêu đề ra, gồm đến năm 2030, ngành công nghiệp sẽ chiếm trên 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 30% và riêng công nghiệp chế tạo chiếm trên 20%.

Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp bình quân hàng năm đạt trên 8,5%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 10%.

Trong ngành công nghiệp, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm dự kiến đạt 7,5%.

Tỷ trọng lao động trong ngành công nghiệp và dịch vụ tăng trên 70%, sẽ xây dựng một số cụm công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn, đa quốc gia, có sức cạnh tranh toàn cầu.

Kế hoạch hành động quy định việc đưa ra các chính sách phát triển những ngành công nghiệp ưu tiên cũng như tạo môi trường thuận lợi cho các cơ hội kinh doanh và đào tạo nhân tài - sử dụng khoa học và công nghệ để thúc đẩy công nghiệp hóa; đồng thời chú ý đến bảo vệ môi trường và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tập trung vào Công nghiệp 4.0

Việt Nam hiện đang tiến hành những bước đầu tiên của “cuộc cách mạng kỹ thuật số”.
Các chính sách phát triển cơ sở hạ tầng hiệu quả, năng lực sáng tạo, nguồn nhân lực, các lĩnh vực và công nghệ ưu tiên đã được triển khai nhằm đạt được tham vọng trở thành một trong số các nước Đông Nam Á hàng đầu trong thang xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII).

Năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã ban hành dự thảo chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0 và xây dựng chương trình quốc gia nhằm biến Việt Nam trở thành xã hội số vào thập kỷ tới.

Năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Ngày chuyển đổi số Việt Nam (DX Day Vietnam 2020) với mục đích hưởng ứng và đồng hành với Chính phủ thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. DX Day Vietnam 2020 diễn ra trong hai ngày 14-15/12 với chủ đề "Chuyển đổi số quốc gia: Đổi mới phương thức vận hành toàn xã hội."

DX Day Vietnam sẽ là hoạt động thường niên trọng điểm kể từ năm 2020, là nơi gặp gỡ, trao đổi, thảo luận, chia sẻ phương thức, kinh nghiệm, đồng thời giới thiệu các giải pháp, kết nối cung cầu chuyển đổi số hiệu quả, nhằm mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, và toàn nền kinh tế Việt Nam./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết