Tiếng Việt | English

01/02/2021 - 11:25

Mùa xuân trên biển đảo Tây Nam

Bài 1: Hải trình đến với biển đảo Tây Nam

Thông lệ hàng năm, mỗi dịp tết đến, xuân về, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tổ chức đoàn công tác cùng các tỉnh, thành phía Nam đến các đảo thuộc vùng biển Tây Nam để thăm, chúc tết, động viên cán bộ, chiến sĩ và người dân đang ngày đêm bám trụ, canh giữ biên cương Tổ quốc. Những chuyến đi ấy không chỉ mang theo quà tết mà còn mang theo cả những tình cảm, lòng tin yêu của người dân đất liền, hậu phương gửi đến cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi tiền tiêu biên cương trên biển của Tổ quốc.

Đoàn công tác chia tay cán bộ, chiến sĩ tại cảng Lữ đoàn 127 lên đường đi thăm, chúc tết các đảo Tây Nam

Đoàn công tác chia tay cán bộ, chiến sĩ tại cảng Lữ đoàn 127 lên đường đi thăm, chúc tết các đảo Tây Nam

Chuyến hải trình thăm, chúc tết, động viên cán bộ, chiến sĩ (CBCS) và nhân dân trên các đảo vùng biển Tây Nam của Tổ quốc xuất phát lúc nửa đêm mang theo tình cảm, hơi ấm từ đất liền đến với biển đảo.

Hải trình lúc nửa đêm

Sau khi đến thăm, chúc tết Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Đoàn công tác tỉnh Long An cũng như các tỉnh, thành khác tại phía Nam dùng vội bữa cơm để chuẩn bị hành lý cho chuyến hải trình thăm các đảo vùng biển Tây Nam.

22 giờ, xe của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đón chúng tôi rời Hải đội 512 để đến điểm xuất phát. Cầu cảng Lữ đoàn 127 sáng rực ánh đèn. Hơn chục chiếc xe ôtô đã đưa các đoàn đến đây để chuẩn bị lên tàu. Chiếc cầu nhỏ được nối sẵn từ con tàu 627 với cầu cảng chờ sẵn. Lần lượt từng thành viên trong đoàn lên tàu dưới sự hướng dẫn của những CS hải quân. Hơn 22 giờ 30 phút, sau hồi còi chào tạm biệt, con tàu 627 rẽ sóng hướng thẳng về phía Nam. Có lẽ với rất nhiều người trong đoàn, đây là chuyến hải trình đặc biệt - chuyến hải trình lúc nửa đêm mang theo bao tình cảm, hơi ấm của đất liền đến với CBCS và nhân dân đang ngày đêm bám trụ bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Và đó còn là chuyến tàu chở theo cả sự háo hức, mong chờ của các thành viên trong đoàn khi lần đầu tiên được đặt chân đến với vùng biển Tây Nam.

Giữa màn đêm, con tàu 627 từ từ vươn ra biển lớn, bỏ lại ánh đèn phố thị, những chùm pháo hoa rực sáng trong đêm đảo ngọc Phú Quốc được công nhận là thành phố đảo đầu tiên trong cả nước. Khi con tàu ra khơi được vài hải lý, đảo ngọc đã lùi xa, dưới mạn tàu sóng vỗ nhè nhẹ, biển đêm mênh mông, êm đềm nhưng không vắng lặng. Những ánh đèn đêm của hàng trăm con tàu đánh bắt hải sản của ngư dân trên vùng biển Tây Nam vẫn hắt lên mặt biển như đồng hành cùng đoàn công tác. Đêm càng về khuya, gió càng thổi mạnh, con tàu cũng lắc mạnh hơn. Với những người quen đất liền thì hành trình ăn, ở, ngủ trên tàu giữa biển khơi quả thật không mấy dễ dàng nhưng với mỗi thành viên trong đoàn chúng tôi, dù chưa quen với điều kiện sinh hoạt nhưng đều có chung một mong muốn sớm được đặt chân lên các đảo - nơi có những CBCS và người dân đang ngày đêm bảo vệ, giữ gìn biển, đảo quê hương.

Bình yên trên đảo Thổ Chu

Sau 1 đêm vượt hơn 60 hải lý, tàu 627 thả neo cập cảng đảo Thổ Chu, xã Thổ Châu, TP.Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang để đến thăm các lực lượng đang làm nhiệm vụ và người dân trên đảo. Trước mắt chúng tôi, đảo Thổ Chu hiện lên với vẻ đẹp hùng vĩ được thiên nhiên ưu ái ban tặng.

Ở vị trí tiền tiêu phía Tây Nam của Tổ quốc, Thổ Chu là đảo lớn nhất trong 8 hòn đảo thuộc quần đảo Thổ Chu nằm cách đảo Phú Quốc khoảng gần 120km về phía Tây Bắc, cách Cà Mau 146km về phía Bắc; điểm cao nhất của đảo so với mực nước biển là 164m. Thổ Chu là đảo có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển KT-XH và xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh. Năm 1993, tỉnh Kiên Giang đưa 17 hộ dân đầu tiên ra đảo; đến nay, xã đảo đã có 635 hộ dân với hơn 2.051 nhân khẩu. Người dân trên đảo sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản và dịch vụ du lịch. Hiện nay, đảo Thổ Chu đang được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Ngoài cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của xã Thổ Châu, trên đảo có các đơn vị dân sự và quân đội đứng chân: Trạm ra đa của Vùng 5 Hải quân; Trạm hải đăng thuộc Bộ Giao thông Vận tải, Đài Khí tượng Thủy văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và lực lượng Quân khu 9, Đồn Biên phòng Thổ Châu thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang; Trạm Cảnh sát biển thuộc Vùng Cảnh sát biển 4.

Đảo Thổ Chu đẹp thơ mộng

Có một điều đặc biệt đối với chúng tôi là người dân trên đảo rất hiếu khách và luôn thường trực nụ cười trên môi. Thấy chúng tôi đến thăm đảo, anh Nguyễn Minh Sự đang làm nghề sửa chữa máy cười tươi. Năm nay là năm thứ 24, anh cùng gia đình gắn bó với đảo. Anh Sự cho biết: “Trước đây, cuộc sống trong đất liền khó khăn khi gia đình tôi không có ruộng đất làm ăn. Được mọi người rủ nên tôi cũng ra đảo, rồi cứ thế, tôi cùng gia đình gắn bó với mảnh đất này”. Theo người dân địa phương, những ngày ngư dân mới lên đảo định cư, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn. Hàng năm, người dân phải di chuyển nhà 2 lần, mùa gió Nam thì ở bãi Dông, còn mùa gió chướng thì chuyển sang bãi Ngự để tránh gió bão. Tuy nhiên, đến nay, đời sống người dân đã phần nào bớt khó khăn, vất vả khi nhận được sự quan tâm đầu tư về kết cấu hạ tầng. Hệ thống giao thông trên đảo đã được bêtông hóa, trường học, trạm xá được xây dựng, nhà cửa kiên cố, không còn cảnh “chạy nhà” như trước. Hiện nay, chính quyền, nhân dân xã đảo Thổ Châu nỗ lực, phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới. Nhịp sống trên đảo đang sinh sôi từng ngày.

Đổi lại cho bình yên trên đảo Thổ Chu hôm nay là cả máu và nước mắt. Cách đây hơn 45 năm, đúng 10 ngày sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, quân Khmer đỏ đã đổ bộ đánh chiếm đảo Thổ Chu. Khi thăm dò biết không có lực lượng của ta, chúng lừa gạt người dân là giúp đỡ đánh Mỹ - ngụy nhưng liền sau đó, chúng hạ cờ ta xuống và treo cờ chúng lên.

Dã man hơn là chúng dồn hơn 500 người dân xuống tàu đưa về Campuchia và tàn sát toàn bộ, gây bao đau thương, mất mát cho nhân dân. Với quyết tâm bằng mọi giá phải bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, từ ngày 23 đến 27/5/1975, các đơn vị Hải quân cùng Tiểu đoàn 410 thuộc Trung đoàn 95 Quân khu 9 đã thực hiện trận chiến đấu đổ bộ, giải phóng hoàn toàn quần đảo Thổ Chu.

Trên con đường bêtông xuyên qua cánh rừng nguyên sinh trên đảo đến thăm Trạm ra đa 610, Tiểu đoàn 551, Trạm Hải đăng Thổ Châu cùng các lực lượng, chúng tôi càng khâm phục hơn ý chí, quyết tâm của những người linh trẻ đang ngày đêm canh giữ biển trời quê hương. Thượng úy Hoàng Công Hiếu - Trạm trưởng Trạm ra đa 610, chia sẻ: “Dù điều kiện còn khó khăn nhưng chúng tôi cùng các lực lượng đứng chân trên đảo và chính quyền, người dân xã Thổ Châu luôn đoàn kết một lòng, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng nơi biển đảo Tây Nam của Tổ quốc”.

1 ngày trên đảo, được đến thăm đền thờ Thổ Châu, gặp gỡ CBCS đang làm nhiệm vụ và những người dân hiếu khách, chúng tôi cảm thấy thật gần gũi, thân quen giữa biển trời mênh mông sóng nước. Dù rằng vẫn còn đó những khó khăn, thiếu thốn so với đất liền nhưng người dân nơi đây luôn có khát vọng vươn lên, CBCS đang làm nhiệm vụ sẵn sàng cống hiến thanh xuân, tuổi trẻ, thậm chí dù phải hy sinh vì biển, đảo quê hương. 20 giờ 30 phút, tàu nhổ neo xuôi đảo Hòn Khoai!  

(còn tiếp)

Bài 2: Tết sớm trên đảo Hòn Khoai

Kiên Định

Chia sẻ bài viết