Tiếng Việt | English

07/06/2016 - 12:18

Tai nạn đuối nước

Bài 2: Hạn chế đuối nước - Cần có giải pháp quyết liệt, đồng bộ

Tai nạn đuối nước vẫn là mối hiểm nguy luôn rình rập, đe dọa tính mạng trẻ thơ. Làm thế nào để hạn chế thấp nhất tai nạn đuối nước cho trẻ? Làm thế nào để việc phổ cập bơi cho trẻ mang lại hiệu quả thiết thực?... Rất nhiều câu hỏi được đặt ra, đòi hỏi có câu trả lời để nhanh chóng chấm dứt tai nạn thương tâm này!

Nối tiếp những tai nạn thương tâm…!

Gần một tháng trôi qua nhưng vụ tai nạn đuối nước thương tâm dẫn đến cái chết của 3 em học sinh Nguyễn Minh Kh và cặp song sinh Nguyễn Phú Th, Nguyễn Quốc Th - cùng học lớp 1B Trường Tiểu học Tân Tây, huyện Thạnh Hóa vẫn chưa thể nguôi ngoai, để lại bao nỗi xót xa cho gia đình, người thân và những người dân sinh sống trong khu vực.

Học sinh vùng sâu, biên giới cần được huấn luyện bơi sẽ hạn chế rủi ro khi đi học, nhất là vào mùa nước lũ

Ngày 6-5-2016, sau khi đi thi về cả 3 em rủ nhau đi chơi. Đến 14 giờ vẫn không thấy các em về, gia đình nhốn nháo đi tìm thì phát hiện xe đạp và quần áo của các em bên bờ kênh Nam Lộ ấp 1. Mọi người tá hỏa mò tìm dưới kênh thì phát hiện 3 em đã tử vong do đuối nước.

Trước đó, vào tháng 1-2015, vụ tai nạn đuối nước xảy ra tại ấp Đá Biên, xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh là mất mát lớn cho gia đình anh Võ Văn S. Bé Võ Gia Ng, 6 tuổi xin ba mẹ sang nhà người cô ở cạnh nhà để vui chơi. Do không có người theo sát nhắc nhở, bé Ng chạy ra bờ kênh chơi rồi không may bị ngã xuống nước. Em ra đi trong sự bàng hoàng, đau đớn của cha mẹ, gia đình và những người xung quanh.

Chủ động phổ cập bơi hiệu quả đến đâu?

Vài năm trở lại đây, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) các địa phương trong tỉnh nỗ lực thực hiện chủ trương phổ cập bơi cho học sinh bậc tiểu học nhằm hạn chế tối đa những tai nạn đuối nước. Tại huyện Mộc Hóa, học sinh của thầy Lê Ngọc Vượng, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Dinh được phổ cập bơi bằng cách đưa xuống một khoảng sông rộng từ 50-100m2, bên ngoài có bao lưới, bên trong thầy tận dụng thùng nhựa làm phao, từng bước cho các em làm quen với sông nước.

Một buổi học như thế, thầy Vượng phải nhờ thêm các phụ huynh biết bơi để hỗ trợ như bao quát phía ngoài lưới, người kiểm tra trong lưới, người thành thạo thì truyền đạt những động tác cơ bản, sau khi học sinh biết chút ít kỹ năng thì tập dần cho các em ra sông bơi. Tuy nhiên, cách này chỉ gỡ rối một phần cho một bộ phận nhỏ các em học sinh ở nơi thường xuyên sống chung với lũ chứ cũng không phải là giải pháp lâu bền.

Theo ghi nhận của chúng tôi, để chuẩn bị cho công tác phổ cập kỹ năng bơi cho học sinh ở các cấp, nhiều giáo viên đã được tập huấn về bơi, kỹ năng dạy và cứu đuối. Nhưng đa số các lực lượng này vẫn không phát huy được tác dụng trong thực tế.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT - Huỳnh Thị Huệ cho biết: Việc phổ cập bơi cho học sinh tiểu học và THCS là rất cần thiết và cấp bách; tuy nhiên, từ nhiều năm qua, chủ trương này gặp nhiều khó khăn nên không thể triển khai rộng rãi được. Để phòng tránh tai nạn đuối nước cho các em học sinh, Sở GD &ĐT ban hành các công văn gửi đến Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố để tuyên truyền, giáo dục và triển khai các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho các em học sinh, sinh viên.

Theo đó, công văn yêu cầu thủ trưởng các đơn vị tham mưu với UBND địa phương có biện pháp đối với các chủ phương tiện phà, đò đưa rước hành khách tại địa phương phải thường xuyên kiểm tra, tu sửa phương tiện của mình, trang bị phao cứu sinh và áo phao nhằm bảo đảm an toàn cho phương tiện và tính mạng của hành khách, đặc biệt là các em học sinh.

Riêng các bậc cha mẹ học sinh cần phối hợp nhà trường quản lý chặt chẽ con em mình, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng học sinh trốn học hoặc lợi dụng giờ nghỉ, ngày nghỉ hoặc kỳ nghỉ hè để đi tắm ao, hồ, sông, rạch, hay tìm đến những địa điểm vui chơi không an toàn mà không có người lớn đi cùng. Các địa phương cần có những cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực dễ gây tai nạn do đuối nước cho trẻ em.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT cũng đề nghị thủ trưởng các đơn vị có kế hoạch phối hợp với ngành Văn hóa - Thể thao của địa phương trong việc khai thác sử dụng có hiệu quả các công trình thể thao trên địa bàn, trong đó có các bể bơi và có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để học sinh học bơi, vận động cha mẹ học sinh cho con em tham dự các lớp học bơi trong dịp hè. Đồng thời, tham mưu các cấp lãnh đạo bố trí nguồn kinh phí hợp lý và tăng cường công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội để tổ chức dạy bơi cho học sinh.

Chính những khó khăn, bất cập trên khiến nhiều trường chỉ chú trọng công tác tuyên truyền còn việc thực hành bơi thì gặp không ít khó khăn nên đành chọn cách phổ cập bơi cho học sinh... “trên giấy”. Nếu việc phổ cập bơi cho các em không được triển khai hiệu quả, thực chất thì việc hạn chế thấp nhất tai nạn đuối nước cho trẻ trong thời gian tới vẫn là một thách thức lớn đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các ngành chức năng từ tỉnh đến địa phương./.

Hùng Anh-Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết