Đúng 15 giờ, tàu hải quân 264 nhổ neo rời bến cảng. Thời tiết không thuận lợi vì sóng giật mạnh cấp 5, cấp 6 nhưng theo kế hoạch, con tàu vẫn hiên ngang vượt sóng tiến thẳng ra biển cả mang hàng, quà đến từng nhà giàn.
Hiên ngang nhà giàn DK1
Trên hành trình ra biển, những phóng viên chúng tôi được hiểu thêm về nhà giàn DK1 thuộc thềm lục địa phía Nam. DK1 chính là Cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ kỹ thuật được thành lập, xây dựng từ năm 1989. Từ đó đến nay, những nhà giàn DK1 chính là những cột mốc giữa trùng khơi; nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ ở mọi miền đất nước ra đây làm nhiệm vụ.
Chuyển hàng, quà tết từ tàu lên nhà giàn DK1 bằng dây kéo ròng rọc
Dù có lúc nhiều khó khăn, gian khổ, thiếu thốn và cả nguy hiểm nhưng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, cứu hộ cứu nạn và bảo vệ, giúp đỡ ngư dân... Để bây giờ, nói đến nhà giàn DK1, mọi trái tim Việt đều xúc động xen lẫn tự hào.
Sau một hành trình dài khoảng 240 hải lý, đến đầu giờ chiều ngày hôm sau chúng tôi nghe các thủy thủ thông báo gần đến nhà giàn DK1/15. Dù nhiều phóng viên đang “vật vã” vì say sóng nhưng cũng cố gắng ra phía trước tàu quan sát. Từ phía xa nhà giàn DK1/15 hiện ra cao khoảng gần 30m, có 4 cột lớn chằng nhau sơn màu vàng rực rỡ, ở trên có 3 tầng và đấu nối với nhà giàn cũ thành một nhà giàn lớn nằm sát bên và có thể đi qua lại với nhau đứng hiên ngang giữa trùng khơi.
Nhìn thấy nhà giàn, lá cờ tổ quốc tung bay trên nóc giữa biển cả, tâm trạng phóng viên cũng háo hức. “Dù sóng biển vẫn làm con tàu lắc lư mạnh nhưng cảm giác cơn say sóng cũng nhẹ dần”, một phóng viên nữ đến từ Đài phát thanh truyền hình Hậu Giang nói.
Một thủy thủ cho biết, trải qua thời gian các nhà giàn DK1 cũ có dấu hiệu xuống cấp nên hiện nay được xây dựng mới. DK1/15 là 1 trong những nhà giàn lớn nhất bởi còn lại chỉ hai tầng. Tuy nhiên, trong cơn bão số 16 vừa qua, nhà giàn này bị thiệt hại nặng nhất. Thế nhưng tác động đó không ảnh hưởng đến tâm lý, công việc của cán bộ, chiến sĩ, hiện những thiệt hại được khắc phục.
Cứ thế, con tàu giảm tốc độ di chuyển từ từ để tiếp cận gần với nhà giàn, đồng thời các thuyền viên cũng thông báo qua loa để đội ngũ nhân viên trên tàu chuẩn bị đưa hàng lên.
Thuyền trưởng Lê Đức Anh cho biết “di chuyển tàu vào gần nhà giàn phải rất cẩn thận, giữ được khoảng cách an toàn, nhất là khi có sóng lớn, tàu bị chập chềnh, nghiêng mạn. Theo đó, các bộ phận (từ lái tàu đến cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn) phải có sự phối hợp nhịp nhàng với nhau để tránh va vào cột nhà giàn”.
Hàng theo dây, người theo cẩu, chúc tết qua bộ đàm
Đại tá Nguyễn Quốc Văn - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Trưởng đoàn công tác nói: “Có 2 phương án đưa đoàn lên nhà giàn, một là lên bằng cẩu, một là bằng ca nô. Tuy nhiên, để đưa người lên nhà giàn cũng không phải đơn giản vì nếu sóng biển mạnh cấp 5, cấp 6 thế này thì rất nguy hiểm. Sau khi cân nhắc tôi quyết định, sau khi đưa hàng lên, chỉ mình tôi lên bằng cẩu để chúc tết anh, em, còn các phóng viên ở tại tàu”.
Các phóng viên lên thăm nhà giàn DK1 bằng cẩn cẩu
Tàu áp sát nhà giàn, những thùng hàng, quà tết được nhân viên tàu bọc kín trong túi nilon lớn để tránh bị ướt bởi nước biển được khẩn trương đưa ra mui tàu. Sau đó, trên nhà giàn DK1/15 cố định một ròng rọc rồi thả dây thừng, có buộc chặt bao tải xuống để nhân viên ở tàu bỏ hàng vào và các cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn sẽ dùng sức kéo lên (mỗi lần cân nặng 50 đến 60kg).
Cứ thế, 6 đợt kéo, hàng hóa, quà tết phân bổ cho nhà giàn DK1/15 mới được chuyển lên hết. Ngoài kéo bằng ròng rọc thì phương thức khác vận chuyển hàng khác là cần cẩu.
Cũng vì sóng to, gió lớn nên sáng ngày 24, đoàn phóng viên cũng không lên được nhà giàn DK1/19. Với những phóng viên theo tàu đều mong muốn lên được hết tất cả 11 nhà giàn với tổng cộng hành trình trên 1.000 hải lý trong chuyến hành trình này nhưng khi nghe vị đại tá Hải quân nhiều kinh nghiệm, hiểu biển cả thông tin vậy, nhiều phóng viên cũng cảm thấy nôn nao.
“Tôi hiểu mong muốn của các bạn nhưng chúng ta phải luôn đặt sự an toàn lên trên. Tuy nhiên đừng lo, hành trình còn dài, biết đâu biển êm, chúng ta sẽ lên hết tất cả các nhà giàn còn lại. Nếu vẫn không thuận lợi, chúng tôi sẽ cố gắng, có phương án sắp xếp để các bạn có thể lên được nhà giàn để có thông tin, hình ảnh, bài viết chuyển tải về đất liền những tâm tư, tình cảm, cuộc sống và đặc biệt là chuyện vui xuân, đón tết, thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn” - Đại tá Nguyễn Quốc Văn nói.
Trong suốt hành trình gần 15 ngày trên biển, phóng viên chỉ lên được ba nhà giàn DK1/8 và DK1/21 và DK1/9 bằng đường cần cẩu sau khi cân nhắc đi bằng xuồng nhỏ nhưng thấy không hợp, vì sóng còn mạnh, khó khăn khi lên xuống và dễ bị lật. Theo đó, mỗi chuyến 5 đến 6 người ngồi trong một cái rọ được thiết kế bằng dây dù, kết nối chặt với cần cẩu và được một người trên nhà dàn điều khiển kéo lên an toàn.
Những phóng viên, nhà báo chúng tôi gọi phương thức lên nhà giàn này là lên bằng đường hàng không. Lúc đầu ngồi trong rọ, lắc qua lắc lại trên mặt nước biển, chúng tôi có cảm giác khá sợ nhưng cảm giác đó qua nhanh vì được lên thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn.
Mai vàng đưa ra nhà giàn DK1
Theo các thủy thủ, điều khiển cần cẩu phải rất khéo léo nếu không những người trong rọ sẽ rất dễ bị va đập với thành tàu, hoặc lắc lư mạnh thì người ngồi trong dễ bị rơi xuống biển. Những nơi lên được, chỉ huy nhà giàn tổ chức buổi gặp mặt nho nhỏ để nghe Trưởng đoàn công tác - Đại tá Nguyễn Quốc Văn chúc tết cán bộ, chiến sĩ.
Riêng 8 nhà giàn còn lại DK1/19, DK1/20, DK1/15, DK1/7, DK1/18, DK1/16, DK1/17, DK1/2, chúng tôi chỉ đứng dưới tàu nhìn lên và quan sát nhân viên tàu chuyển hàng, quà tết bằng cẩu, ròng rọc. Với những nơi vì điều kiện không lên được, Đại tá Nguyễn Quốc Văn sử dụng bộ đàm chúc tết. Vẫn giọng nói ấm áp, truyền cảm “Các anh em quý mến, vì điều kiện sóng to gió lớn nên đoàn không lên được nhà giàn, chúc anh em mạnh khỏe, hạnh phúc, có một cái tết vui vẻ, đầm ấm, thắm tình đồng chí, đồng đội. Tôi tin tưởng rằng, các đồng chí sẽ vượt qua những khó khăn, trở ngại để tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước”.
Thượng úy Trần Ngọc Bích - Chính trị viên nhà giàn DKI/17 đáp từ “Chúng em nghe rõ những lời chúc của thủ trưởng. Chúc thủ trưởng, các thành viên trong chuyến công tác an toàn, thành công và đón một mùa xuân ấm áp, vui tươi. Chúng em xin hứa sẽ cống hiến, làm việc xứng đáng với niềm tin yêu của đồng bào cả nước… ”.
Dù đã chúc tết xong nhưng chúng tôi cũng cảm nhận được một chút tâm sự, trong đó có chút buồn. “Cách chân nhà giàn vài mét nữa mà không lên được với các anh, em trên đó mình buồn lắm” - Đại tá Văn xúc động nói với phóng viên chúng tôi.
Tâm sự tận đáy lòng của vị đại tá, chúng tôi tin rằng, cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn cũng hiểu rõ. Như lời bạn Nguyễn Quốc Tuấn (23 tuổi, quê Nghệ An), nhân viên cơ điện tàu 264 và cũng là người từng sống, làm việc trên nhà giàn lại càng làm cho chúng tôi cảm động và hiểu hơn tâm trạng này của đại tá.
Tuấn nói: “Mỗi lần nghe có đoàn từ đất liền ra thăm, các cán bộ, chiến sĩ ở nhà giànđều rất háo hức và ngóng chờ. Cảm giác như chờ đợi người thân, ruột thịt của mình vậy”. Lần này, có dịp theo tàu 264 làm nhiệm vụ, Tuấn cũng háo hức được gặp lại những người đồng đội cũ ở nhà giàn DK1/20 - nơi anh từng gắn bó 6 tháng.
Tuy nhiên, vì điều kiện sóng to, gió lớn không lên thăm được, Tuấn gửi một món quà nhỏ thông qua dây cáp kéo bằng ròng rọc và kèm theo miếng giấy nhỏ với vài dòng viết vội trên mũi tàu “chúc các chú, các anh, các bạn của tôi mạnh khỏe, đón mùa xuân trên nhà giàn ấm áp, vui tươi và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhớ nhiều. Hẹn gặp lại!”./.
Lê Đức (từ tàu Hải quân 264)
Kỳ 3: Bám Biển, hy sinh trên Biển