Đừng để phổ cập bơi trên… “giấy”!
Trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn thường xuyên cảnh báo về tai nạn đuối nước, nhưng tai nạn này vẫn không hề giảm. Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em được tiến hành nhưng chưa thường xuyên, liên lục. Điều đó cho thấy, chúng ta chỉ nặng về hình thức tuyên truyền và phổ cập bơi trên “giấy” mà chưa có giải pháp thực tế hữu hiệu nào để hạn chế tai nạn đuối nước đối với trẻ em - chủ nhân tương lai của đất nước.
Thời gian qua, một số đơn vị đã vận động các mạnh thường quân và một số hồ bơi tư nhân ra đời để tổ chức dạy bơi cho các em, vừa giúp các em rèn luyện kỹ năng bơi lội vừa nâng cao sức khỏe. Điển hình như hồ bơi tư nhân của anh Hồ Văn Mỹ, hiện là giáo viên Trường Thể dục Thể thao Long An; Công viên nước Biển Đông vừa là nơi vui chơi, giải trí vừa là nơi dạy bơi cho trẻ. Hay việc vận động mạnh thường quân tổ chức dạy bơi cho trẻ ở Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Long An.
Một số hồ bơi tư nhân ra đời chỉ là một trong những giải pháp “cứu cánh” tạm thời, góp phần giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ
Theo thầy Hồ Văn Mỹ, học bơi sẽ giúp trẻ biết bơi đúng kỹ thuật và nâng cao sức khỏe. Khi biết bơi đúng kỹ thuật sẽ giúp trẻ xử lý được các tình huống xấu khi chẳng may rơi xuống sông, nước, ao hồ mà bị vọp bẻ, lún sình,… Trung bình mỗi em học từ 5 đến 10 buổi sẽ biết được kỹ thuật bơi ếch (đối với trẻ từ 7 tuổi trở lên). Riêng đối với trẻ từ 3 đến 5 tuổi, bình quân khoảng 17 tuần, mỗi tuần học 1 buổi thì sẽ biết bơi.
Đầu tư hoàn chỉnh 1 bể bơi mini dành cho trẻ em có cả nhà tắm kinh phí chỉ từ 120 đến 150 triệu đồng. Tuy nhiên, trước khó khăn về kinh phí như hiện nay thì nên chăng, các điểm trường tiểu học cần thực hiện công tác xã hội hóa bằng cách dùng đất nhà nước để khuyến khích tư nhân đầu tư hồ bơi và dạy bơi cho trẻ?
Cần có giải pháp hiệu quả
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An (LĐ-TB & XH) - Nguyễn Thị Bạch Huệ chia sẻ: Việc thực hiện Quyết định số 2158/QĐ-TTg ngày 11-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2013-2015 đã góp phần hạn chế tai nạn đuối nước ở trẻ. Sở LĐ-TB & XH phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) xây dựng tài liệu hướng dẫn công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ, hướng dẫn dạy bơi và kỹ năng tự cứu bản thân cho trẻ khi rơi xuống nước và kỹ năng an toàn khi ở trong môi trường nước. Tổ chức các lớp dạy bơi và kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em ở vùng sông nước mỗi năm ở 5 xã của 5 huyện có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao. Kiểm tra các bể bơi theo Thông tư quy định về điều kiện hoạt động bơi, lặn của Bộ VH-TT&DL ban hành.
Đồng thời, các địa phương tổ chức được 84 điểm giữ trẻ mùa lũ (năm 2013 do lũ lớn nên các huyện vùng Đồng Tháp Mười có xây dựng điểm giữ trẻ mùa lũ); cấp 3.500 cặp phao cứu sinh cho học sinh ở các huyện vùng sông nước phải đi học bằng xuồng, đò qua sông. Mỗi năm, có khoảng 200 trẻ em trong độ tuổi từ 9 đến 12 tuổi được dạy bơi và kỹ năng phòng, chống đuối nước (theo kế hoạch, 800 – 1.000 em/3 năm). Ngoài ra, các địa phương còn thành lập mô hình “Ngôi nhà an toàn” để phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Sở LĐ-TB & XH, hiện nay toàn tỉnh có 367.427 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm tỷ lệ 24,72%/tổng dân số; trong đó, trẻ em dưới 6 tuổi là 142.014 trẻ. Theo chúng tôi, với những kết quả làm được trong phổ cập kỹ năng bơi lội trên địa bàn trong thời gian qua giống như đem “muối bỏ biển”, chẳng đáng là bao so với nhu cầu thực tế. Vì vậy, nhiều trẻ em, ngay cả trẻ em ở vùng sông nước vẫn chưa có cơ hội được học bơi, nên tai nạn đuối nước còn xảy ra trong suốt thời gian qua mà chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả là điều không thể tránh khỏi.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Bạch Huệ, nhằm kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước, Sở LĐ-TB & XH sẽ phối hợp Sở VH – TT& DL tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em, giai đoạn 2016-2020. Theo đó, sở sẽ phối hợp xây dựng thí điểm, đánh giá và nhân rộng mô hình phòng, chống đuối nước ở trẻ em; kiện toàn và phát triển mạng lưới dịch vụ bảo đảm an toàn cho trẻ em trong môi trường nước; triển khai chương trình bơi an toàn cho trẻ em.
Mặt khác, ngành sẽ phối hợp rà soát, hoàn thiện các quy định về an toàn giao thông đường thủy và an toàn trong môi trường nước cho trẻ em; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định an toàn giao thông đường thủy và an toàn trong môi trường nước cho trẻ em. Phấn đấu đến năm 2020 giảm 2% tổng số trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước so với năm 2015 (năm 2015 là 22 trường hợp).
Ngoài giải pháp của ngành LĐ-TB&XH rất cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi người về phòng, chống tai nạn đuối nước. Mọi người trong cộng đồng cần tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật sơ cứu đuối nước để khi xảy ra trường hợp đuối nước áp dụng kịp thời.
Nỗi đau mất mát do tai nạn thương tích, do đuối nước mãi mãi là nỗi ám ảnh, là nỗi đau khó có thể xoa dịu theo thời gian và không có gì bù đắp được. Để không phải chứng kiến những vụ tai nạn sông nước thương tâm đối với trẻ em thì cần sự chung tay của toàn xã hội. Riêng các bậc cha mẹ không nên chủ quan mà cần sớm cho con em mình đi học bơi để trang bị cho các em kỹ năng tự vệ trước những bất trắc có thể xảy ra, bởi ông cha ta đã từng dạy “Có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con biết trèo”./.
Ngọc Mận-Hùng Anh