Chấp nhận vượt tuyến
Rất nhiều bệnh nhân (BN) chấp nhận vượt tuyến để khám và điều trị bệnh bởi họ không có lòng tin ở tuyến YTCS.
Cơ sở vật chất nhiều nơi xuống cấp
Chị Lê Thị Loan, ngụ thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành chia sẻ: “Trước đây, tôi đau họng, đi khám ở tuyến YTCS, được bác sĩ (BS) chẩn đoán là bệnh bướu cổ và cho uống thuốc, điều trị một thời gian mà không khỏi. Sau đó, đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khám thì BS cho biết, tôi không phải bệnh bướu cổ mà chỉ viêm họng và uống thuốc thì khỏi bệnh. Từ đó, khi có bệnh thì tôi lên bệnh viện tuyến trên cho yên tâm - vì sức khỏe là quý nhất”.
Còn bà Phạm Thị Hò, ngụ xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng cho biết: “Nếu chất lượng YTCS được nâng lên thì người dân, nhất là người dân vùng biên giới không phải tốn nhiều chi phí, thời gian để vượt tuyến điều trị bệnh”.
Nhu cầu KCB của người dân rất lớn nhưng ở tuyến dưới chưa có những chuyên khoa, nguồn nhân lực chưa đáp ứng cũng như chưa được trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế nên chưa tạo được niềm tin đối với người dân. Dù nhiều năm nay, ngành Y tế địa phương luôn nỗ lực tìm cách giữ chân BN trong phạm vi chuyên môn kỹ thuật được phân cấp nhưng vẫn còn là vấn đề phải tiếp tục giải quyết.
Nâng chất lượng y tế cơ sở - giải pháp thu hút bệnh nhân
Ngành Y tế “tự khám bệnh” và “bắt mạch” được nhưng vì sao người dân không mặn mà với YTCS? Vấn đề quan trọng là mạnh dạn, khách quan trong nhìn nhận “triệu chứng” để tìm “liệu pháp điều trị”. Muốn giảm được quá tải bệnh viện thì các cơ sở y tế tuyến dưới cần đầu tư đúng chỗ, đồng bộ. Đây là giải pháp căn cơ nhưng phải thực hiện “dài hơi” chứ không thể “một sớm, một chiều” vì khó khăn nhất là nguồn nhân lực.
Cần Đước là 1 trong 3 huyện được chọn làm điểm thực hiện “Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới trạm y tế (TYT) xã”.
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cần Đước - BS Trương Văn Hoàng chia sẻ: “Toàn huyện có 17 TYT xã, thị trấn đều đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế. Qua khảo sát, tỉnh chọn xã Phước Vân làm điểm triển khai TYT khu vực và dự kiến triển khai vào đầu tháng 6/2017. Những năm tiếp theo, dự kiến nhân rộng tại xã Long Hựu Đông. Hiện nguồn nhân lực tại địa phương hạn chế, chỉ đạt 2,06 BS/vạn dân.
Điều mà tôi lo lắng khi thực hiện đề án là không đủ nhân lực. Nếu đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại mà nhân lực, tay nghề không đáp ứng sẽ không thu hút BN dẫn đến không phát huy hết công năng, gây lãng phí. Để nâng cao chất lượng YTCS, ngoài tổ chức các lớp tập huấn cập nhật kiến thức, chúng tôi sẽ cử BS của Trung tâm Y tế huyện về các TYT để vừa hỗ trợ KCB, vừa chuyển giao kỹ thuật chuyên môn cũng như chia sẻ kinh nghiệm cho đội ngũ y, BS tuyến YTCS”.
Trạm y tế đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế nhưng chỉ khám và điều trị các bệnh thông thường, chưa phát huy hết công năng
Chia sẻ những giải pháp nâng cao chất lượng YTCS, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Long An - Tiến sĩ Võ Thị Dễ cho biết: Sở Y tế đang trình UBND tỉnh “Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới TYT xã, giai đoạn 2017-2020”.
Mục tiêu của đề án là tăng cường đầu tư TYT theo hướng tập trung, đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới YTCS nhằm bảo đảm cung ứng đầy đủ dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, KCB cho người dân trên địa bàn; đồng thời, cung ứng dịch vụ theo hướng toàn diện, liên tục, phối hợp và lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị, giữa các cơ sở y tế trên địa bàn và với tuyến trên, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, bảo đảm công bằng, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Đặc biệt, giai đoạn từ nay đến năm 2020, ngành Y tế tiếp tục thực hiện Đề án đào tạo nguồn nhân lực ngành Y tế theo Quyết định số 27/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Việc đào tạo BS, dược sĩ theo địa chỉ góp phần rất lớn cho việc tháo gỡ khó khăn do thiếu hụt nguồn nhân lực. Phấn đấu năm 2017, đạt 6,7 BS/vạn dân và năm 2020, đạt 8 BS/vạn dân. Việc tăng số lượng và chất lượng đội ngũ y, BS từ tỉnh đến cơ sở cũng là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng KCB, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.
Ngoài ra, ngành Y tế sẽ tập trung nâng cấp, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trang thiết bị y tế, bố trí nhân lực cho một số TYT điểm với mô hình hoạt động TYT khu vực, đủ điều kiện KCB cho người dân trong khu vực, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, khu vực đông dân cư nhằm chăm sóc các bệnh
mãn tính, đặc biệt là bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường,...
Ngành Y tế sẽ thực hiện mô hình phòng khám vệ tinh tại TYT (đưa y, BS và trang thiết bị y tế huyện về tuyến xã) tại các TYT đông BN, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, từng bước phát triển mô hình BS gia đình, tập trung thực hiện lộ trình xây dựng xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế, đổi mới cơ chế tài chính cho YTCS, đề xuất chính sách thích hợp cho cán bộ y tế tại tuyến cơ sở,...
>> Xem thêm:
Bài 1: Y tế cơ sở chưa phát huy hết công năng Cập Nhật 29-05-2017 Nếu thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh ở tuyến cơ sở, người bệnh được chăm sóc sức khỏe ban đầu với chi phí thấp, tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, y tế cơ sở vẫn chưa phát huy hết công năng,... |
Nhằm tạo niềm tin của người dân đối với YTCS, ngoài việc thực hiện tốt quy tắc ứng xử, các chế độ, chính sách thu hút nguồn nhân lực, cần chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn,... Hiện tại, thu nhập của đội ngũ y, BS YTCS không bảo đảm cuộc sống. Vì vậy, để nâng cao chất lượng KCB tại các địa phương, ngoài đầu tư đồng bộ, hợp lý, đáp ứng yêu cầu của người dân thì rất cần có chính sách thu hút như nâng cao quyền lợi cho họ (kinh tế, học tập, khả năng tiến thân,...).
Có như vậy, cán bộ YTCS mới yên tâm bám trụ, thực sự dồn hết tâm huyết cho hoạt động KCB, cứu người. Nên chăng, YTCS cần thực hiện công tác phát hành quảng cáo, tự quảng cáo hoặc tuyên truyền nhằm nâng cao “thương hiệu” YTCS tương tự các phòng khám tư nhân.
Theo dự thảo Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới TYT xã, năm 2017, tỉnh chọn TYT Phước Vân, huyện Cần Đước; TYT Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ và TYT Tân Ninh, huyện Tân Thạnh làm điểm thực hiện. Những năm tiếp theo đến năm 2020, sẽ nhân rộng đạt 22 TYT khu vực trong tỉnh. Dự kiến, tổng kinh phí đầu tư thực hiện đề án là 126 tỉ đồng./. |
Ngọc Mận