Tiếng Việt | English

19/07/2016 - 11:49

Bạn có biết cây di sản quốc gia?

Đến tham quan Bảo tàng Quang Trung(Bình Định), trên khuôn viên rộng lớn rợp bóng cây xanh và cây phong cảnh, du khách vẫn thích thú đến với cây me đại cổ thụ có tấm bia dựng dưới gốc: “Cây di sản quốc gia”(DSQG). Do coi đây là “cây thiêng” nên ai cũng chỉ đứng xa ngắm chứ không dám tới gần sờ, hái một trái nào của “cụ” me trên 300 năm tuổi mà anh em nhà Tây Sơn thuở nhỏ vẫn hay leo trèo hái trái ấy.


Cây Trôm cổ thụ trên 300 năm tuổi (cao hơn 30m, chu vi gốc khoảng 6m ở Khánh Hậu (TP.Tân An, tỉnh Long An) gắn với lịch sử vùng đất Ba Giồng từ thời “mở cõi” đất phương Nam

Mới đây, tại huyện miền núi Tây Giang (tỉnh Quảng Ngãi) phát hiện quần thể 725 cây Pơ mu đường kính từ 1,5m trở lên, độ tuổi từ 300-1000 năm; cây to nhất đường kính gần 3m, cao 22m. Đặc biệt có 2 “cụ” đa, sộp đều trên 700 năm tuổi, đường kính hơn 4m, cùng được gắn bảng cây DSQG. Pơ mu họ huỳnh đàn không chỉ có giá trị sinh thái, tâm linh đối với người dân tộc thiểu số mà còn là danh mộc được dùng trong chế tác hàng mỹ nghệ và gia dụng vì gỗ quý, vân đẹp, có mùi thơm đặc trưng, không bị mối mọt.

Trên thế giới, nhiều nước đều có Cây di sản (Heritage Trees) thường là danh mộc cổ thụ được bảo vệ không chỉ có giá trị văn hóa, giáo dục, lịch sử, xã hội mà còn có giá trị sinh thái và du lịch, nên rất được quan tâm. Ngay như Singapore là đảo quốc nhỏ bé mà họ rất trân quý Cây di sản (CDS)và có quỹ đặc biệt bảo vệ CDS.

Ở nước ta, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường là cơ quan xét công nhận Cây DSQG. Tiêu chí:

A.Cây tự nhiên: Là cây phải sống trên 200 năm. Cây phải cao 40m trở lên, chu vi 6m đối với cây gỗ đơn thân. Đối với cây Đa, Si thuộc chi Ficus, phải cao trên 25m, chu vi 15m.

B. Cây trồng: Là cây sống trên 100 năm, dáng hùng vĩ, cao trên 30m, chu vi 3,5m đối với cây gỗ đơn thân. Đối với cây Đa, Si phải cao trên 20m, chu vi 10m. Cây cần có hình dáng đặc sắc; ưu tiên các loài có giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử. Đối với cây có giá trị đặc biệt về khoa học hoặc văn hóa, lịch sử, hoặc mỹ quan, độc đáo, vẫn được công nhận CDS. Như cây Bạch mai ở đình Phú Tự (TP.Bến Tre), dù chỉ là những nhánh cây con của cây mai gốc, người dân địa phương vẫn coi đây là “cây thiêng” và gọi “Thần Mai” vì tin “cha” của chùm mai con này có từ thời khẩn hoang- hơn 300 năm trước.

Theo truyền thuyết, nguyên thủy “Thần Mai” quá to, nặng, bị gió xô ngã nằm dài trên mặt đất, người ta đã phải xây trụ chống đỡ cành nhánh. Hằng năm, vào độ Tết cổ truyền là Bạch mai trổ bông trắng, nhị vàng phủ kín thân; về đêm hương hoa thơm ngát và người ta hái lấy hoa ấy ủ trà để có mùi thơm đặc trưng rất quyến rủ. Do gốc gác như vậy nên chùm cây con Bạch mai ở đình Phú Tự (Bến Tre) được Nhà nước công nhận Cây DSQG từ năm 2014, và đây là một trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn của xứ dừa.

Trở lại cây Trôm trước chùa Diêu Quang, Khánh Hậu (TP.Tân An, Long An). Trong một lần đi với người viết đến đây, cố nhà Nam bộ học - nhà văn Sơn Nam ngắm cây hồi lâu, nói “Cây Trôm này có trước khi tổ tiên Nguyễn Huỳnh Đức vào đây lập nghiệp, tức phải từ 300-350 năm tuổi trở lên”. Với tiêu chí trên đây, cây Trôm Khánh Hậu dư sức để được công nhận là Cây DSQG. Hy vọng Hội SVC Long An làm hồ sơ đề nghị, sẽ được Nhà nước sớm công nhận, để Long An cũng có cây DSQG./.

Quế Hương

Chia sẻ bài viết