Tiếng Việt | English

14/09/2017 - 20:48

Bán đảo Triều Tiên căng như dây đàn: Mỹ-Nhật-Hàn tiếp tục gây sức ép

Đại diện Nhật Bản Yoshihide Suga hôm 14/9ã lên tiếng chỉ trích việc Triều Tiên mới đây đe dọa thả bom hạt nhân vào lãnh thổ của Nhật Bản.

Nhằm gây sức ép buộc Triều Tiên dừng chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này, cả Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều lên tiếng cảnh báo Triều Tiên về những hậu quả mà nước này sẽ phải đối mặt nếu tiếp tục chương trình này.

Binh sĩ Mỹ Nhật. Ảnh: NAN
Theo đánh giá của các chuyên gia, Triều Tiên đã đạt tiến triển trong chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân của nước này.

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, hôm nay (14/9) đã lên tiếng chỉ trích việc Triều Tiên mới đây đe dọa thả bom hạt nhân vào lãnh thổ của Nhật Bản trong bối cảnh tình hình khu vực đang căng thẳng sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 vừa qua của Triều Tiên.

Phát biểu trước báo giới, ông Suga cảnh báo, Triều Tiên sẽ phải đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt hơn, nếu tiếp tục các hành động gây hấn: “Tuyên bố trên là cực kỳ gây hấn và gây tổn thương, đồng thời làm gia tăng căng thẳng khu vực. Đây là điều không thể chấp nhận được.”

Trong khi đó, Hàn Quốc vẫn đang xúc tiến cuộc tập trận bắn đạn thật lần thứ 5 của nước này từ hôm 12/9 vừa qua như một cách để đối phó với chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, cuộc tập trận có sự huy động của các khí tài quân sự hiện đại như: các tên lửa đất đối không, tên lửa tầm xa Taurus.

Liên quan vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hôm 03/9 của Triều Tiên, Ủy ban An ninh và An toàn hạt nhân (NSSC) của Hàn Quốc hôm qua cho biết, máy dò khí xenon đặt trên đất liền tại khu vực miền Đông Bắc của nước này đã 9 lần phát hiện một lượng nhỏ chất đồng vị phóng xạ xenon-113 - vật liệu phóng xạ thường được sản sinh sau các phản ứng hạt nhân, có liên quan tới vụ thử hạt nhân của Triều Tiên hồi đầu tháng này.

Ngoài ra, thiết bị dò tìm di động ở ngoài khơi bờ biển miền Đông nước này đã 4 lần phát hiện chất đồng vị phóng xạ này. Xenon là khí không màu có trong tự nhiên và thường được sử dụng và sản xuất một số loại đèn. Tuy nhiên, khí xenon-133 là chất đồng vị phóng xạ không có trong tự nhiên.

Theo Ủy ban An ninh và An toàn hạt nhân Hàn Quốc, một lượng nhỏ khí xenon này không ảnh hưởng tới môi trường cũng như người dân Hàn Quốc.

Về phía Mỹ, Mỹ tuyên bố sẽ không từ bỏ việc sử dụng biện pháp ngoại giao nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của nước này. Tuyên bố trên được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert đưa ra trước báo giới hôm qua.

Theo bà Nauert, biện pháp ngoại giao vẫn là “cách tiếp cận ưu tiên và đầu tiên” của Mỹ. Tuy nhiên, nếu thất bại, Bộ Tài chính Mỹ có thể sử dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương. Tuyên bố trên một lần nữa được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhấn mạnh tại cuộc họp báo sau đó cùng ngày: “Chúng tôi không thể chấm dứt hợp tác với bất cứ quốc gia có làm ăn với Triều Tiên. Chúng tôi dự tính sẽ lên kế hoạch cẩn thận bằng các biện pháp khác. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã cam kết rằng, chúng tôi sẽ sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế để Triều Tiên buộc phải quay lại bàn đàm phán.”

Theo đánh giá của giới chuyên gia phân tích trang mạng 38 North – một trang mạng chuyên theo dõi về Triều Tiên, vụ thử tên lửa lần thứ 6 của Triều Tiên mới đây cho thấy nước này đã đạt tiến triển trong việc sản xuất vũ khí hạt nhân, gia tăng mối đe dọa từ chương trình tên lửa đạn đạo. Báo cáo phân tích của trang mạng này cho biết, vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên có thể đạt sức công phá lên tới 250 kiloton, mạnh hơn nhiều so với những ước tính chính thức, gần sát với mức tối đa mà bãi thử Punggye-ri ở miền Bắc của Triều Tiên có thể chịu được.

Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên tiếp tục gia tăng sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hôm 03/9. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết mới tăng cường trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân trên, theo đó cấm toàn bộ hàng xuất khẩu dệt may của Triều Tiên và giới hạn xuất khẩu dầu thô sang nước này. Ngoài ra, nghị quyết cũng hạn chế việc sử dụng lao động Triều Tiên ở nước ngoài. Đây là nghị quyết trừng phạt thứ 9 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên kể từ năm 2006.

Trong khi tình hình còn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt thì theo kênh truyền hình NBC tham chiếu 3 nguồn tin quân sự cấp cao Mỹ cho biết, tình báo nước này xác định Triều Tiên có thể chuẩn bị tiến hành vụ phóng thử tên lửa mới. Theo đó, trong 2 ngày gần đây Triều Tiên đã chuyển thiết bị phóng tên lửa và tiến hành công tác chuẩn bị các vị trí khởi động được bảo vệ./.

Hồng Nhung/VOV.VN
Tổng hợp 

Chia sẻ bài viết