Tiếng Việt | English

03/03/2018 - 08:10

Bảo đảm an ninh, trật tự Lễ hội Làm Chay

Lễ hội Làm Chay được đánh giá là một trong những lễ hội không quá xô bồ, không xảy ra tình trạng chen lấn, giẫm đạp lên nhau tranh giành vật phẩm cúng tế, cầu may hoặc gây mất trật tự. Để vừa giữ được nét đẹp truyền thống của lễ hội, vừa bảo đảm an toàn, văn minh, lành mạnh, đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều người.

Để bảo đảm an toàn giao thông, các phương tiện theo đoàn chiêu u, “đánh động” đều phải đăng ký trước với Đội Chiêu u, có thành viên của đội theo sát trong quá trình diễu hành (Trong ảnh: Thầy trò Đường Tăng chuẩn bị lên đường đi “đánh động”)

Xin lộc trong vui vẻ

Những ngày này, không khí ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An rộn ràng như tết, người người, nhà nhà chuẩn bị cho Lễ hội Làm Chay. Người góp công, người góp của để lễ hội diễn ra thành công tốt đẹp, mang lại niềm vui, phấn khởi cho mọi người. Công tác chuẩn bị được thực hiện khẩn trương nhằm bảo đảm lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, ý nghĩa.

Phó Trưởng ban Quản trị đình Tân Xuân - Ngô Minh Đa cho biết: Lễ hội Làm Chay là lễ hội được người dân địa phương tổ chức hàng năm nhằm cúng tế các nghĩa sĩ hy sinh trong phong trào chống Pháp nửa cuối thế kỷ XIX, cầu quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa, người dân làm ăn thuận lợi. Đây cũng là lễ hội dân gian mang bản sắc của người dân địa phương. Những năm gần đây, khi đời sống ngày càng phát triển, nhất là từ khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, Lễ hội Làm Chay được tổ chức quy mô hơn với số lượng tham gia lên đến hàng ngàn người.

Tham gia lễ hội, xin lộc là tín ngưỡng tâm linh không thể bỏ được của nhiều người. Trong Lễ hội Làm Chay, xô giàn đốt ông Tiêu (Tiêu diện Đại sĩ), phát bánh, kẹo, vật phẩm cúng tế cho người tham gia lễ hội được xem là nghi thức chính, quan trọng nhất nên dễ xảy ra chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp nhau. Chính vì vậy, an ninh, trật tự (ANTT) được siết chặt trong suốt quá trình lễ hội diễn ra.

Ông Đa nói: “Lễ hội là để vui, cầu bình an nên ngay từ đầu, Ban Tổ chức xác định, không để xảy ra tình trạng chen lấn, giành giật trong lễ hội. Năm nào cũng vậy, khi gần đến nghi thức đốt ông Tiêu, chúng tôi thường chủ động chuyền vật phẩm đến đám đông bên dưới để mọi người chia nhau, ai cũng có phần, vui vẻ, thoải mái, hạn chế việc tung, rải vật phẩm, bánh, kẹo khi xô giàn, dễ dẫn đến chen lấn, giành giật”.

Nếu xã nào không bảo đảm an ninh, trật tự tại “động” thì đoàn sẽ không ghé “đánh động” (Trong ảnh: “Yêu quái” đợi thầy trò Đường Tăng đến “đánh động”)

Chiêu u trong trật tự

Để bảo đảm ANTT, Ban Tổ chức Lễ hội Làm Chay thường thay đổi giờ xô giàn, không báo trước; chuyền bánh, kẹo, vật phẩm xuống trước khi xô giàn và đặc biệt là có đội trật tự hòa vào dòng người dự lễ nhằm kịp thời kiềm chế sự quá khích của đám đông.

Để hiểu thêm về đội trật tự, chúng tôi gặp ông Nguyễn Trung An - người nhiều năm làm đội trưởng đội Chiêu u của Lễ hội Làm Chay. Theo ông An, Đội Chiêu u của ông có khoảng 20 “lính”, đều là những thanh niên tự nguyện phục vụ lễ hội. Ngày diễn ra lễ Chiêu u, các thành viên trong đội chia nhau theo các xe để kiềm chế các phần tử quá khích, bảo đảm chiêu u diễn ra an toàn, trật tự. Theo phong tục, đoàn xe đi “đánh động” đi qua một số tuyến đường, ghé lại các “động” định sẵn để “đánh động”, “bắt” ma quỷ nên trong quá trình di chuyển, nhiều người dân đi theo đoàn, hò hét, đánh trống,... Để bảo đảm an toàn giao thông, các phương tiện theo đoàn Chiêu u đều phải đăng ký trước với đội, có thành viên theo sát trong quá trình diễu hành.

Những người phụ trách tại các “động” không được tổ chức uống rượu, gây rối và chính quyền địa phương trực tiếp chịu trách nhiệm bảo đảm ANTT tại các “động”. Việc “đánh động” cũng được theo dõi sát, bảo đảm chỉ mang tính ước lệ, không xảy ra xô xát. Phó Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Làm Chay - Đoàn Công Tập cho biết: “Chúng tôi quy định trước, nếu xã nào không bảo đảm ANTT tại “động” thì đoàn sẽ không ghé “đánh động”. Không chỉ vậy, lực lượng công an, dân phòng, quân sự luôn túc trực, sẵn sàng bảo vệ ANTT cho lễ hội. Nhiều năm nay, Lễ hội Làm Chay giảm tình trạng cướp, giật trong thời gian diễn ra lễ hội vì mục đích cuối cùng là cầu bình an, hạnh phúc cho người dân”.

Gần đến ngày Lễ hội Làm Chay, người dân “tứ phương”, nhất là những người con của quê hương Châu Thành bắt đầu nôn nao, hướng về lễ hội. Với sự chuẩn bị chu đáo, mong rằng, người dân Tầm Vu nói riêng và người dân Long An nói chung sẽ có thêm một mùa lễ hội thật vui tươi, ý nghĩa, an toàn để khởi đầu năm mới hanh thông, thuận lợi./.

Hoàng Thúy - Thanh Hằng

Chia sẻ bài viết