Để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng trong mùa Trung thu, Báo Long An có cuộc trò chuyện với Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - BS.CKII. Phạm Văn Luân về vấn đề này.
Người tiêu dùng nên mua bánh trung thu của các thương hiệu đáng tin cậy, có đăng ký tiêu chuẩn chất lượng ATTP với cơ quan Y tế
Phóng viên (PV): Người tiêu dùng cần lưu ý những điều gì khi chọn mua bánh trung thu, thưa ông?
Ông Phạm Văn Luân: Để bảo đảm ATTP trong việc chọn bánh trung thu, người tiêu dùng nên mua sản phẩm của các thương hiệu đáng tin cậy, có đăng ký tiêu chuẩn chất lượng ATTP với cơ quan Y tế.
Bao bì bánh phải còn nguyên vẹn, lớp vỏ kính không bị hư hỏng hoặc bị xì hơi để tránh không khí lọt vào làm giảm chất lượng bánh. Hình ảnh, logo nhà sản xuất trên bao bì phải sắc nét, không bị nhòe.
Nhãn sản phẩm phải đầy đủ nội dung: Tên sản phẩm, tên cơ sở, địa chỉ nơi sản xuất, trọng lượng, thành phần, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng và cách bảo quản thực phẩm. Điều quan trọng là trước khi mua bánh, cần xem kỹ hạn sử dụng.
PV: Trong quá trình kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu, những vi phạm thường thấy là gì và xử lý như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Văn Luân: Những vi phạm thường thấy như người trực tiếp sản xuất, kinh doanh chưa được trang bị bảo hộ lao động đầy đủ theo đúng quy định. Điều kiện bảo quản thực phẩm không bảo đảm ATTP. Một số ít cơ sở nuôi súc vật trong khu vực bảo quản thực phẩm.
Đối với những cơ sở vi phạm lần đầu, ít nghiêm trọng, đoàn kiểm tra chỉ nhắc nhở đối với cơ sở, lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng trong việc bảo đảm ATTP.
Người tiêu dùng nên lựa chọn bánh trung thu có bao bì còn nguyên vẹn, lớp vỏ kính không bị hư hỏng. Ảnh: Internet
PV: Thưa ông, để những chiếc bánh trung thu bảo đảm ATTP thì các cơ sở sản xuất bánh cần thực hiện những điều gì?
Ông Phạm Văn Luân: Đối với cơ sở sản xuất bánh trung thu thì có những yêu cầu về con người và những yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy trình sản xuất, ghi nhãn hàng hóa,...
Cụ thể, những yêu cầu về con người đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh là: Chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất phải được cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP. Chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất phải được khám sức khỏe, được cấp giấy xác nhận đủ sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế. Người trực tiếp sản xuất, kinh doanh phải mặc trang phục bảo hộ riêng, không hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực sản xuất, kinh doanh.
Đối với cơ sở sản xuất thì khu vực sản xuất không bị ngập nước, đọng nước; không bị ảnh hưởng bởi động vật, côn trùng, vi sinh vật gây hại; không bị ảnh hưởng từ các khu vực ô nhiễm bụi, hóa chất độc hại và các nguồn gây ô nhiễm khác.
Quy trình sản xuất thực phẩm theo nguyên tắc 1 chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng. Có đủ nước sử dụng để sản xuất thực phẩm và chất lượng vệ sinh nước được bảo đảm.
Nguyên liệu chế biến, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có hóa đơn, chứng từ nguồn gốc nguyên liệu như: Thịt sử dụng để chế biến phải có phiếu kiểm dịch thú y; phụ gia thực phẩm phải nằm trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm của Bộ Y tế; bao bì thực phẩm được công bố hợp quy, phải chắc chắn, an toàn, không nhiễm các chất độc hại, không bị ô nhiễm bởi các tác nhân ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Kho thực phẩm thông thoáng, dễ vệ sinh và phòng, chống được côn trùng, động vật gây hại xâm nhập và cư trú. Bảo quản ở vị trí cách nền tối thiểu 20cm, cách tường tối thiểu 30cm và cách trần tối thiểu 50cm.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Thanh Bình (thực hiện)