Thường trực HĐND tỉnh tổ chức chương trình Đối thoại để tìm giải pháp hiệu quả cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm
Người dân chưa thật sự an tâm với hàng hóa, thực phẩm trên thị trường
Thông tin từ HĐND tỉnh, thời gian qua, UBND tỉnh, các ngành, địa phương có sự quan tâm, tập trung thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về ATTP. Trong đó, các ngành, địa phương đã cụ thể hóa, triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản, quy định về ATTP trên địa bàn tỉnh; tập huấn, hướng dẫn, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP.
Riêng trong năm 2023, cấp giấy chứng nhận liên quan đến ATTP đạt 91,77%/88% kế hoạch; đến hết tháng 9/2024 đạt 90,6%/89% kế hoạch;… Đồng thời, các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các cơ sở cung cấp, kinh doanh thực phẩm. Qua đó, góp phần phòng, chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Tuy nhiên, thực tế vấn đề ATTP luôn nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri trong tỉnh. Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh, nhiều ý kiến cử tri phản ánh việc quản lý ATTP, nhất là đối với các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ, loại hình kinh doanh thức ăn đường phố, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thực phẩm online, nhóm dịch vụ phục vụ ăn uống lưu động còn bất cập, khó kiểm soát. Một số cơ sở kinh doanh tại các chợ truyền thống vẫn chưa bảo đảm ATTP, khó kiểm soát chất lượng thực phẩm được bày bán,...
Ngoài ra, hiện nay, việc quản lý ATTP tại bếp ăn tập thể trong các doanh nghiệp, xí nghiệp còn bất cập do loại hình này không thuộc diện cấp giấy chứng nhận theo quy định trong khi quy mô phục vụ thường lớn, dễ xảy ra tình trạng không bảo đảm ATTP,...
Theo ông Mai Văn Nhiều, qua ý kiến phản ánh của cử tri cũng như thực tế tại chương trình Đối thoại về giải pháp bảo đảm ATTP cho thấy, công tác bảo đảm ATTP còn hạn chế nhất định. Trong đó có nguyên nhân được chỉ ra hiện nay là công tác phối hợp quản lý giữa các cấp, các ngành còn chồng chéo, chưa đồng bộ và toàn diện. Bộ máy quản lý nhà nước về ATTP còn thiếu về nhân lực và hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là ở tuyến cơ sở. Công tác tuyên truyền tuy được quan tâm thực hiện nhưng chưa sâu, rộng, thường xuyên. Điều này dẫn đến một bộ phận người dân chưa đủ điều kiện tiếp cận, sử dụng thực phẩm chất lượng cao nên phải chấp nhận sử dụng thực phẩm trôi nổi, chưa rõ nguồn gốc với giá rẻ; một số cơ sở nuôi trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, chỉ quan tâm đến lợi nhuận, lợi ích kinh tế,... Điều này dẫn đến tâm lý người dân chưa thật sự an tâm, tin tưởng sử dụng các loại hàng hóa thực phẩm trên thị trường.
Các ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, hậu kiểm, lấy mẫu hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm
Bảo đảm an toàn thực phẩm bằng cả lương tâm và trách nhiệm
Ông Mai Văn Nhiều cho rằng, công tác quản lý nhà nước về bảo đảm ATTP là nhiệm vụ rất quan trọng, không chỉ bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn tăng cường nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển KT-XH. “Đây không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan mà là của tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trong đó, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP đóng vai trò nòng cốt; cộng đồng, toàn xã hội phải nêu cao trách nhiệm, đạo đức; mỗi người dân cần chung tay với vai trò vừa là người tiêu dùng, vừa là người cung cấp thực phẩm để bảo đảm ATTP cho bản thân cũng như cả cộng đồng” - ông Mai Văn Nhiều khẳng định.
Để làm được điều này, ông Mai Văn Nhiều cho rằng, trước hết, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của từng thành viên trong công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động và thực hiện đầy đủ, hiệu lực, hiệu quả việc chỉ đạo, điều hành, phối hợp thực hiện nhiệm vụ; phát huy vai trò của nhân dân trong việc phát hiện các vi phạm về ATTP, kịp thời xử lý các vụ việc nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, bệnh lây truyền qua thực phẩm và phải đặt sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng lên trên hết.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần có cơ chế phù hợp bảo đảm kiểm soát tốt ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm, kiểm soát các cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
Đặc biệt, đối với các quy định về ATTP, các ngành, địa phương khi tuyên truyền cần cụ thể hóa thành các quy chuẩn, tiêu chí, hình ảnh dễ hiểu, dễ nhớ, dễ nhận diện, dễ thực hiện, dễ đối chiếu nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát trong cộng đồng.
Đối với các vướng mắc, hạn chế hiện nay, HĐND tỉnh cũng yêu cầu các ngành, địa phương chủ động xây dựng các giải pháp khắc phục, nhất là trong việc cấp các loại giấy chứng nhận liên quan đến ATTP theo quy định; quản lý chặt chẽ các sàn thương mại điện tử, kinh doanh đa cấp về thực phẩm cũng như quản lý ATTP tại các chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích và các cơ sở thuộc hệ thống dự trữ, phân phối hàng hóa thực phẩm.
Cùng với đó, các ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, hậu kiểm, lấy mẫu hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm tại các cơ sở có dấu hiệu vi phạm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, nhóm dịch vụ phục vụ ăn uống lưu động, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm và công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng và ngay tại địa điểm xảy ra vi phạm theo quy định của pháp luật nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa trong bảo đảm ATTP.
“Vì sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của xã hội, Thường trực HĐND tỉnh kêu gọi mọi người hãy sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm bằng cả lương tâm và trách nhiệm!” - ông Mai Văn Nhiều nhấn mạnh./.
Kiên Định