Tiếng Việt | English

01/10/2016 - 05:18

Bảo hiểm xã hội tự nguyện – “Của để dành” cho lao động tự do

Khi hết tuổi lao động, nhờ bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXHTN) mà người lao động tự do, buôn bán nhỏ lẻ, làm việc thời vụ,... được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe, giúp họ chủ động và ổn định đời sống.

Theo quy định tại khoản 4, Điều 2 Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) số 58/2014/QH13 thì người tham gia BHXHTN là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.


Người lao động tự do, buôn bán nhỏ lẻ, làm việc thời vụ,... chưa quan tâm đến bảo hiểm xã hội tự nguyện

Hiện tại, Luật BHXH năm 2014 hạ mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXHTN, thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn chứ không còn quy định bằng mức lương cơ sở như Luật BHXH năm 2006.

Ngoài ra, phương thức đóng cũng linh hoạt hơn do người dân được lựa chọn đóng hàng tháng hoặc hàng quí, hoặc 6 tháng/lần. Cụ thể, mức đóng hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất (như vậy, mức đóng BHXHTN thấp nhất hiện nay mà người tham gia đóng là 154.000 đồng/tháng).

Với trường hợp người tham gia BHXH bắt buộc mà thời gian đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm, nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng BHXHTN theo một trong các phương thức nói trên cho đến khi thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu sớm theo quy định.

Chị Trần Thị Mỹ Anh (xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) cho biết: “Tôi bán quán ăn nhiều năm nay, lời ngày nào dùng ngày đó, còn dư thì để tiết kiệm dự phòng về sau. Khi chưa biết thông tin về BHXHTN, tôi cứ nghĩ phải công tác tại các cơ quan Nhà nước hoặc lao động ở doanh nghiệp mới được đóng bảo hiểm, có lương hưu. Hiện tại, người lao động tự do cũng có cơ hội đó. Tôi sẽ tham gia để bảo đảm tương lai sau này, không phải phiền đến người thân, gia đình lúc tuổi già, không còn có thể lao động”.

Thời gian qua, BHXH tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXHTN cho người dân bằng nhiều hình thức, tuy nhiên, cần phải có một thời gian để người dân “thấm” và hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của loại hình bảo hiểm này. Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành bảo hiểm mà cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị để thay đổi nhận thức, chuyển biến hành vi của người dân./.

Tính đến tháng 9/2016, Long An chỉ có khoảng 1.000 người tham gia BHXHTN. Với tư tưởng “đồng tiền đi liền khúc ruột”, những người lao động, kinh doanh tự do thường có xu hướng gửi tiết kiệm thay vì tham gia một loại hình bảo hiểm để bảo đảm cho tương lai. Chính tư tưởng này vô tình khiến họ “bỏ sót” quyền lợi mà họ hoàn toàn có thể chủ động thực hiện để thụ hưởng về sau.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết