
Doanh nghiệp tham gia vào quá trình bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể như tuân thủ quy định pháp luật, đồng hành cùng địa phương trong hoạt động môi trường
Vẫn còn nhiều thách thức
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT), mặc dù hiện nay, công tác BVMT trên địa bàn đạt những kết quả nhất định, đóng góp chung vào sự phát triển KT-XH của địa phương nhưng vẫn còn một số hạn chế.
Vài năm trở lại đây, vấn đề ô nhiễm chất hữu cơ, dinh dưỡng, kim loại nặng trong nước mặt có chiều hướng gia tăng tại các vị trí tiếp nhận nước thải từ khu dân cư tập trung và hoạt động công nghiệp, nhất là tại huyện Đức Hòa, Bến Lức. Nước mặt tại một số tuyến kênh, rạch nội đồng đã và đang bị ô nhiễm từ mức trung bình đến mức cao các chất hữu cơ, ô nhiễm dinh dưỡng. Trong giai đoạn này, xâm nhập mặn có xu hướng gia tăng tiếp tục ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với giai đoạn trước. Nguồn tài nguyên nước dưới đất, môi trường không khí đang đặt ra nhiều vấn đề lớn.
Bên cạnh đó, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chưa được xử lý triệt để do nhà máy xử lý chất thải rắn chưa đáp ứng. Chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa được phân loại tại nguồn (chỉ thực hiện mô hình phân loại điểm tại phường 3, TP.Tân An và thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng); một số huyện còn tình trạng đổ rác lộ thiên, rỉ nước từ các bãi rác gây ô nhiễm. Đây cũng là thách thức đối với công tác BVMT trên địa bàn tỉnh.
Việc tìm vị trí xây dựng nhà máy xử lý rác thải còn chậm so với kế hoạch của UBND tỉnh làm ảnh hưởng việc quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, rác thải sinh hoạt phát sinh ở các huyện chưa được thu gom triệt để do các địa phương chưa quy định cụ thể các tuyến, tần suất thu gom dẫn đến rác còn ứ đọng nhiều nơi, nhiều chỗ trên các trục đường gây mất mỹ quan và chưa bảo đảm vệ sinh môi trường.
Việc đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung tại Cụm công nghiệp Đức Hòa Đông, Đức Hòa Hạ chỉnh trang chưa được thực hiện triệt để do nguồn kinh phí đầu tư khá lớn nên khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh (xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa), BVMT cần có biện pháp căn cơ, quyết liệt của các đơn vị quản lý. Tình trạng rác thải vứt bừa bãi hay tồn đọng, ùn ứ vẫn xảy ra trên địa bàn, gây ô nhiễm, mất mỹ quan. Vấn đề cần được giải quyết dứt điểm là xử lý nước thải của các đơn vị sản xuất trong cụm công nghiệp ở địa phương. Vì đây là nguy cơ rất cao gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường cũng như cuộc sống của người dân trong khu vực.
Mặt khác, ý thức về BVMT vẫn chưa trở thành thói quen, còn vứt rác, chất thải, xác súc vật bừa bãi ở nơi công cộng, nguồn nước,... một số nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa chủ động, tự giác thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ BVMT, phần lớn vẫn chạy theo lợi nhuận, xem nhẹ BVMT.
Song song đó, nhiệm vụ BVMT cần nguồn nhân lực khá lớn để thực hiện, tuy nhiên do yêu cầu về biên chế có hạn nên nguồn nhân lực BVMT các cấp chưa bảo đảm số lượng,... Nguồn nhân lực đảm trách công tác về biến đổi khí hậu ở các sở, ngành, địa phương chủ yếu là kiêm nhiệm, không chuyên trách, thiếu đào tạo chuyên sâu nên quá trình đánh giá, tham mưu các giải pháp, nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu còn hạn chế. Việc tiếp cận vấn đề về biến đổi khí hậu của các cơ quan tham mưu chủ yếu vẫn còn trên phương diện lý thuyết và định tính, chưa cụ thể hóa được các giải pháp hiệu quả mang tính định lượng và chiến lược lâu dài,...
Một trong những yếu tố cần quan tâm nhất hiện nay trong xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực BVMT là mức độ răn đe của hình thức xử phạt bằng tiền chưa cao nên chưa phát huy được hiệu quả, chưa tương xứng tính chất, mức độ hậu quả vi phạm. Vì vậy chưa tác động sâu sắc đến tâm lý của đông đảo cá nhân, tổ chức trong xã hội. Đây là vấn đề đang tạo ra những lo lắng, thiếu tin tưởng trong người dân đối với công tác và hiệu quả thực chất của các cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm.
Trong lĩnh vực BVMT đang tồn tại nhiều công cụ quản lý mang tính cấp phép với sự chồng chéo, trùng lặp về nội dung, thủ tục dẫn đến giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, gây khó khăn, phát sinh chi phí và thời gian của chủ đầu tư,...
Cùng hành động
BVMT không phải là trách nhiệm của một cơ quan, đơn vị, cá nhân hay tập thể nào mà là của cả cộng đồng, xã hội. Các vấn đề về môi trường có thể sẽ được giải quyết phù hợp khi có sự hành động của tất cả mọi người, mọi tầng lớp. Những mô hình sát thực tế cùng hành động cụ thể như thu gom, phân loại rác, ra quân vệ sinh môi trường, trồng hoa, cây xanh cải thiện cảnh quan,... sẽ góp phần làm cho công tác BVMT đạt hiệu quả.

Nhiều mô hình hay, thiết thực phát huy hiệu quả, lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường (Trong ảnh: Mô hình Biến rác thành tiền của Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ)
Nhiều năm trở lại đây, tại thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ, hội viên phụ nữ duy trì nhiều mô hình hay, sát thực tế như Ngôi nhà xanh, Biến rác thành tiền, Đổi rác lấy quà,... Qua đó, từng bước hình thành thói quen tốt, lan tỏa những thông điệp tích cực về BVMT. Những mô hình này còn tạo nguồn quỹ hỗ trợ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ - Nguyễn Thị Hồng Thắm, qua những mô hình BVMT được thực hiện, Hội mong muốn kêu gọi cộng đồng trách nhiệm, chung tay hành động thiết thực để môi trường ngày càng được cải thiện, sạch, đẹp hơn.
BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rất cần doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc các quy định cũng như chung tay phối hợp thực hiện. Đại diện Khu công nghiệp Hòa Bình (huyện Thủ Thừa) - Lương Hoàng Vy chia sẻ: Trong quá trình đầu tư hoạt động, doanh nghiệp luôn nhận thức rõ trách nhiệm trong BVMT. Đơn vị đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung bảo đảm theo quy chuẩn, quy định; bố trí mảng xanh trong toàn khu; có khu xử lý chất thải riêng; lắp đặt trạm quan trắc tự động; phối hợp đơn vị đầy đủ chức năng thu gom, xử lý rác;... Đồng thời, một số hoạt động vì môi trường tại địa phương, doanh nghiệp cũng đồng hành tham gia, hướng đến xây dựng khu công nghiệp xanh và phát triển bền vững.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&MT - Nguyễn Tân Thuấn, nhằm phát huy kết quả đã đạt, khắc phục những tồn tại, thời gian tới, cần tăng cường công tác quản lý, BVMT và coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển bền vững. Ngành tiếp tục tổ chức hướng dẫn thực hiện Luật BVMT, Luật Đa dạng sinh học và các văn bản pháp luật liên quan, đưa nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân về BVMT. Sở cụ thể hóa các nội dung nhiệm vụ về quản lý BVMT, bảo vệ đa dạng sinh học; tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định về BVMT;... Ngành đề xuất 4 nhóm giải pháp trọng tâm để công tác BVMT trên địa bàn đạt hiệu quả gồm: Kiện toàn tổ chức bộ máy; tăng cường năng lực cho đội ngũ làm công tác BVMT; huy động nguồn lực tài chính và hoàn thiện chính sách, pháp luật./.
Châu Sơn