Quy trình quản lý đồ vải và giặt được thực hiện nghiêm ngặt nhằm bảo đảm diệt vi khuẩn
Nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) sẽ tăng tỷ lệ mắc bệnh, sử dụng thuốc kháng sinh, chi phí điều trị và kéo dài thời gian nằm viện của bệnh nhân (BN),... Vì vậy, các cơ sở khám, chữa bệnh luôn quan tâm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK).
Mối lo từ nhiễm khuẩn bệnh viện
NKBV có thể được xem là bệnh gây ra bởi bệnh viện (BV) vì đây là những nhiễm khuẩn mắc phải trong thời gian BN nằm viện. Nếu không KSNK sẽ dẫn đến tình trạng lây nhiễm chéo. Lây nhiễm chéo là một trong những mối đe dọa hàng đầu, tác động trực tiếp đến sức khỏe của BN.
Thực tế cho thấy, nhiều ca bệnh được chữa trị thành công nhưng bị nhiễm khuẩn tại chính cơ sở y tế điều trị khiến bệnh thêm nghiêm trọng. Từ đó, tăng việc sử dụng thuốc kháng sinh, tăng chi phí điều trị và kéo dài thời gian nằm viện của BN, thậm chí có thể dẫn đến tử vong, nhất là những BN vừa phẫu thuật xong, thể trạng yếu. Một yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng KSNK tại các cơ sở y tế là điều kiện cơ sở vật chất. Nhiều cơ sở xây dựng quá lâu, bị xuống cấp không bảo đảm các tiêu chuẩn về KSNK.
Trước thực trạng trên, Bộ Y tế ban hành Thông tư 16/2018/TT-BYT, ngày 20/7/2018 quy định về KSNK trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Thông tư quy định về các biện pháp phòng ngừa, KSNK, hệ thống KSNK và trách nhiệm thực hiện KSNK trong cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước và tư nhân. Theo đó, ngành y tế tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Thông tư 16 cho các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Thông tư 16, BV Lao và Bệnh phổi Long An xây dựng và phổ biến các hướng dẫn, quy định, quy trình, kế hoạch phù hợp với nguồn lực và điều kiện thực tiễn tại BV. “Nếu môi trường BV không bảo đảm việc KSNK thì rất dễ xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo. Vì vậy, BV luôn chú trọng công tác này. Ngoài ra, vấn đề vệ sinh tay cũng được xem là biện pháp KSNK đơn giản, hiệu quả, dễ thực hiện nhất. Tuy nhiên, cán bộ phụ trách thực hiện công tác KSNK chưa được đào tạo về chuyên môn. Bộ phận mạng lưới KSNK mới thành lập nên thiếu kinh nghiệm, kiến thức” - Giám đốc Bệnh viên Lao và Bệnh phổi Long An - bác sĩ Lê Văn Bảy cho biết.
kiểm soát chặt chẽ
BV Lao và Bệnh phổi Long An là BV chuyên khoa hạng III, quy mô 70 giường bệnh. Đặc thù môi trường dễ lây nhiễm bệnh nên quy trình KSNK được BV chú trọng. Công tác chống NKBV nhận được sự quan tâm lãnh đạo sâu sát của Ban Giám đốc BV, sự hỗ trợ của Hội đồng, bộ phận và mạng lưới KSNK; có cán bộ chuyên trách thực hiện công tác KSNK.
Việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải; tuân thủ vệ sinh tay; quy trình vô khuẩn tại các khoa được giám sát tích cực. BV còn thực hiện quan trắc môi trường làm việc, quan trắc khí thải lò đốt rác y tế, nước thải y tế trước khi thải ra nguồn tiếp nhận. Đồng thời, tiến hành khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ tập trung tại phòng tiểu phẫu; cung cấp đầy đủ dụng cụ vô khuẩn nhằm đáp ứng yêu cầu cho các khoa sử dụng.
Quần áo của BN cũng là nguồn chứa vi khuẩn gây bệnh nên quy trình quản lý đồ vải và giặt được thực hiện nghiêm ngặt nhằm bảo đảm diệt sạch vi khuẩn. Từ đó, bảo đảm an toàn cho BN, nhân viên y tế và thân nhân BN, góp phần nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh.
Chị Nguyễn Thị Kim Loan (xã Đức Tân, huyện Tân Trụ) từng điều trị tại BV Lao và Bệnh phổi Long An, chia sẻ: “Nhân viên y tế thường nhắc nhở chúng tôi đeo khẩu trang, mặc quần áo BN và bỏ rác đúng nơi quy định. Tuy BV xuống cấp nhưng được vệ sinh sạch sẽ nên tôi cũng an tâm khi đến khám và điều trị bệnh”.
Cũng theo bác sĩ Lê Văn Bảy, sắp tới, BV tiếp tục hoàn thiện hệ thống KSNK, gồm: Hội đồng, bộ phận, mạng lưới KSNK, phân công cán bộ phụ trách và giám sát theo Thông tư 16 của Bộ Y tế. Phấn đấu 100% khoa, phòng thực hiện dán, treo các quy trình rửa tay, các thời điểm rửa tay tại các bồn rửa tay; 80% nhân viên BV tuân thủ đúng các quy định về vô khuẩn, quy trình kỹ thuật KSNK của đơn vị; sử dụng đúng và thành thạo các phương tiện phòng hộ cá nhân. Xây dựng và ban hành mới quy trình, quy định thực hành KSNK phù hợp điều kiện của BV và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trung tâm Y tế huyện Tân Hưng luôn chú trọng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn
Cùng với các cơ sở y tế khác trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Tân Hưng cũng thực hiện tốt công tác KSNK. Hiện, trung tâm triển khai được nhiều kỹ thuật mới, hiện đại như phẫu thuật nội soi cắt túi mật, phẫu thuật trĩ bằng phương pháp logo, phẫu thuật thoát vị bẹn dùng lưới sinh học.
Trung tâm còn thực hiện thành thạo kỹ thuật mổ bắt con; mổ nội soi lấy vòng trong ổ bụng; mổ thai ngoài tử cung; mổ thắt động mạch tử cung đối với những ca bị băng huyết sau sinh;... Nhằm bảo đảm an toàn cho BN, tránh trường hợp lây nhiễm chéo, hàng năm, trung tâm xây dựng quy trình khử khuẩn, tiệt khuẩn đúng theo Hướng dẫn của Bộ Y tế. Khoa KSNK có đủ các bộ phận, nhân viên y tế được cập nhật kiến thức thường xuyên.
Trung tâm thực hiện quy trình phòng ngừa chuẩn như sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân; vệ sinh hô hấp và khi ho; tiêm an toàn; tuân thủ phòng ngừa viêm phổi BV; KSNK vết mổ; vệ sinh môi trường; xử lý dụng cụ, đồ vải và chất thải. Đồng thời, thực hiện quy trình xử lý các các trường hợp rủi ro, phơi nhiễm với các bệnh nguy hiểm; khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ nội soi.
Đặc biệt, trung tâm chú trọng việc giám sát tuân thủ vệ sinh tay tối thiểu 6 tháng/lần tại các khoa, phòng.
Trưởng khoa KSNK Trung tâm Y tế huyện Tân Hưng - Lê Văn Bắc thông tin: “Chúng tôi tiếp tục đầu tư mua sắm, trang bị y dụng cụ, hóa chất, test kiểm định chất lượng cần thiết phục vụ hoạt động KSNK; thường xuyên giám sát môi trường, nguồn nước, vệ sinh tay của nhân viên y tế; giám sát thực hành các thủ thuật, các quy trình kỹ thuật chăm sóc người bệnh, việc sử dụng thuốc hợp lý, an toàn”.
Việc kiểm soát và dự phòng nhiễm khuẩn hiệu quả được xem là một tiêu chuẩn quan trọng nhằm nâng cao chất lượng KCB tại các cơ sở y tế. Để hoạt động chống nhiễm khuẩn có hiệu quả, các cơ sở y tế phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình chống nhiễm khuẩn; đồng thời, trang bị các thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng công tác KSNK./.
(còn tiếp)
Kỳ cuối: Tạo môi trường xanh, sạch, đẹp
Ngọc Mận-Huỳnh Hương