Là tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên số lượng nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp ngày càng tăng. Trên địa bàn tỉnh có 19.515 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 392.709 tỉ đồng.
Hiện nay, có 26 khu công nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với diện tích đất công nghiệp 4.278ha, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 2.912,32ha, lấp đầy đạt 68,08%; trong đó, có 997 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 6.943,9 triệu USD và 953 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 140.632,6 tỉ đồng.
Đối với cụm công nghiệp, đến nay thu hút 650 dự án với tổng diện tích đất đã cho thuê 607,4ha và có 17 cụm đã hoạt động với diện tích 857ha; tỷ lệ lấp đầy của các cụm công nghiệp hoạt động 84,21%. Đi đôi với phát triển cơ sở sản xuất là phát triển kết cấu hạ tầng, mật độ dân cư gia tăng làm cho mật độ giao thông gia tăng theo.
Từ những yếu tố trên, công tác BVMT nhận được nhiều sự quan tâm. Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Tân Thuấn, tỉnh luôn nhất quán phương châm phát triển phải bền vững, nhất quyết không vì tăng trưởng kinh tế mà đánh đổi môi trường.
Thời gian qua, tỉnh không xảy ra những “điểm nóng” xung đột về môi trường và gây mất an ninh, trật tự. Nổi bật, Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023, Long An có sự đột phá khi tăng đến 16 bậc so với năm 2022 và đứng ở vị trí thứ 12 trong năm 2023. Đây là kết quả từ sự nỗ lực lớn của lãnh đạo tỉnh trong việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và BVMT bền vững, phát triển nền kinh tế xanh.
Cơ quan chức năng kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại Công ty TNHH An Hưng Nông (xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa)
Các cụm công nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm ngoài khu công nghiệp quan tâm lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục và truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, quản lý. Ngành chức năng cũng triển khai nhiều giải pháp BVMT, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.
Những năm qua, công tác quan trắc chất lượng môi trường của tỉnh được duy trì thực hiện theo định kỳ, trong đó có quan trắc chất lượng môi trường nước, không khí. Các điểm quan trắc chất lượng môi trường được bố trí phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển KT-XH của địa phương và kinh nghiệm quan trắc trong thời gian qua.
Mặt khác, các điểm quan trắc có tính đại diện đặc trưng cho mục tiêu quan trắc và giám sát các thành phần môi trường, đáp ứng yêu cầu quản lý môi trường. Địa điểm, đối tượng quan trắc ưu tiên tập trung các đoạn sông, rạch bị ô nhiễm và các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, khu dân cư tập trung, khu nuôi, trồng thủy sản,... có ảnh hưởng trực tiếp, sâu, rộng đến môi trường và cuộc sống của người dân.
Qua kết quả quan trắc giúp ngành quản lý môi trường tại địa phương đề ra chính sách để kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải; đồng thời, có giải pháp cải thiện chất lượng môi trường sống, bảo đảm phát triển KT-XH mang tính bền vững cao.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường (Công an tỉnh) là một trong những đơn vị đóng vai trò quan trọng trong phát hiện, phòng, chống tội phạm về môi trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến môi trường.
Thời gian qua, đơn vị chủ động tham mưu, đề xuất Ban Giám đốc Công an tỉnh tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật về BVMT. Đồng thời, tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, đ-ấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm về môi trường trên các lĩnh vực công nghiệp; tài nguyên khoáng sản, nông nghiệp, ngư nghiệp; y tế, an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, đơn vị còn thường xuyên phối hợp các ngành chức năng kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về môi trường của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Theo Thượng tá Nguyễn Quốc Cường - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường, năm 2024, công an kiểm tra công tác BVMT, phát hiện 28 vụ vi phạm (100% vụ kiểm tra đều có vi phạm).
Trong đó, 21 vụ vi phạm xả chất thải vượt quy chuẩn ra môi trường; 4 vụ chuyển giao, cho, bán chất thải rắn công nghiệp cho đơn vị không có chức năng, năng lực xử lý theo quy định; 3 vụ vi phạm quy định phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường, đổ, thải chất thải gây ô nhiễm môi trường.
“Đơn vị sẽ tích cực và chủ động phối hợp các cấp, các ngành, khu, cụm công nghiệp, trường học tổ chức tuyên truyền pháp luật về công tác BVMT nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cộng đồng. Qua đó, góp phần phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về môi trường, bảo đảm an ninh môi trường, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển bền vững nền kinh tế của tỉnh và bảo vệ sức khỏe người dân”.
Thượng tá Nguyễn Quốc Cường - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường (Công an tỉnh)
|
Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 1 vụ, 1 bị can về tội gây ô nhiễm môi trường, xử lý hành chính 23 vụ với số tiền hơn 3,7 tỉ đồng.
Cụ thể, ngày 24/7/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Quốc Cường (SN 1979, ngụ huyện Châu Thành) - Giám đốc Công ty (Cty) TNHH An Hưng Nông đóng tại xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại khoản 3, Điều 235 Bộ luật Hình sự.
Qua xác minh, trong thời gian từ năm 2021 đến tháng 5/2024, Cty TNHH An Hưng Nông đã ký kết hợp đồng xử lý chất thải hữu cơ với nhiều Cty nông sản, trái cây, rau quả trong và ngoài tỉnh trong khi không có chức năng xử lý chất thải.
Quá trình hoạt động, Cty TNHH An Hưng Nông đã nhiều lần bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đổ, thải chất thải rắn thông thường ra môi trường; xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải ra môi trường;...
Kiểm tra tại Nhà máy Sản xuất phân bón - Chi nhánh Cty TNHH An Hưng Nông xác định, tổng khối lượng chất thải Cty này đổ, thải trái pháp luật ra môi trường là khoảng 4.000 tấn gây ô nhiễm môi trường và bức xúc trong nhân dân.
Nước thải rò rỉ từ khối lượng chất thải hữu cơ đổ, thải trái pháp luật phía sau Nhà máy Sản xuất phân bón, chưa qua xử lý theo đường ống chảy trực tiếp ra kênh La Khoa (kênh dẫn nước phục vụ sản xuất
nông nghiệp từ sông Vàm Cỏ Tây thuộc địa bàn huyện Thạnh Hóa qua địa bàn huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang), qua ruộng, đất của các hộ dân lân cận.
Cũng theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường, vi phạm BVMT ở lĩnh vực công nghiệp chủ yếu là hành vi thực hiện không đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường; lắp đặt đường ống, máy bơm, bơm nước thải chưa qua xử lý ra môi trường; chuyển giao chất thải rắn công nghiệp thông thường, nguy hại cho đơn vị không có chức năng thu gom, xử lý.
Thời gian tới, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tham mưu về kiểm soát môi trường; kịp thời kiểm tra, xử lý và tham mưu xử lý nghiêm các vụ việc, đối tượng vi phạm BVMT theo đúng quy định của pháp luật.
Trong công tác kiểm tra, giám sát, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường chú trọng lĩnh vực công nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có nhiều dư luận phản ánh hoặc nguy cơ cao gây ô nhiễm, xả khí, nước thải vượt quá quy định cho phép ra môi trường, kênh, rạch, sông.
Thượng tá Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh, đơn vị sẽ tích cực và chủ động phối hợp các cấp, các ngành, khu, cụm công nghiệp, trường học tổ chức tuyên truyền pháp luật về công tác BVMT nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cộng đồng.
Qua đó, góp phần phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về môi trường, bảo đảm an ninh môi trường, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển bền vững nền kinh tế của tỉnh và bảo vệ sức khỏe người dân./.
Lê Đức