Người dân xã Long Trạch, huyện Cần Đước tham gia trồng và chăm sóc cây xanh, cải thiện cảnh quan môi trường trên địa bàn
Thay đổi thói quen
Xây dựng và BVMT sống luôn được các cấp lãnh đạo tỉnh, địa phương quan tâm, chú trọng. Ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn cùng chung tay thực hiện. Nhiều mô hình, hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực, từ đó thay đổi thói quen, người dân đã có cách nhìn đúng đắn hơn và hiểu biết vai trò, trách nhiệm của mình trong việc BVMT sống, nhất là tại khu dân cư, ấp, khu phố sinh sống.
Theo ông Trần Văn Hùng, ngụ xã Long Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, qua sự tuyên truyền của địa phương cùng một số mô hình xây dựng, BVMT sống xanh, sạch, đẹp đã giúp người dân thay đổi thói quen cũ trước đây, không còn vứt rác bừa bãi ra ngoài đường hay kênh, mương. Thay vào đó, mọi người thu gom, bỏ đúng vị trí quy định để tiện việc vận chuyển, xử lý. Khi ra đường, nếu phát hiện rác thải thì mọi người cũng tự động nhặt, bỏ đúng vị trí quy định.Hàng tháng, người dân ra quân cùng địa phương vệ sinh môi trường tại các tuyến đường, kênh, mương trên địa bàn, hạn chế ô nhiễm, gây mất vẻ mỹ quan.Bên cạnh đó, chúng tôi còn tham gia trồng, chăm sóc cây xanh, cải thiện không khí, vừa tạo cảnh quan sạch, đẹp cho môi trường xung quanh.
Những năm gần đây, chất thải nhựa, túi nylon gây ra những tác hại tiêu cực đối với môi trường, sức khỏe cộng đồng và gióng lên hồi chuông cảnh báo cho nhà nhà, người người hạn chế việc sử dụng, nhất là nhựa dùng một lần, thay đổi dần thói quen, tiến tới nói không với chúng.
Phụ nữ xã Long Cang, huyện Cần Đước tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn hội viên hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần, phân loại rác tại nguồn, thu gom rác thải tái chế, phát động bán rác thải nhựa góp tiền cho công tác an sinh xã hội. Qua thời gian thực hiện, việc này đã lan tỏa thông điệp sâu sắc không chỉ đến hội viên mà còn đến cả gia đình và cộng đồng trong khu vực sinh sống.
Chị Trần Thị Tình, ngụ ấp 1, xã Long An, huyện Cần Đước, chia sẻ: “Chúng tôi biết rõ những tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường sống. Vì thế, gia đình đã bắt đầu hạn chế sử dụng, chuyển sang dùng những vật liệu khác thay thế. Chúng tôi tham gia phân loại rác tại nguồn, chia thành hữu cơ và vô cơ, những loại rác có thể đem tái chế, bán lại cho vựa phế liệu và dùng nguồn quỹ đó giúp những hoàn cảnh khó khăn. BVMT sống là bảo vệ chính bản thân mình, tôi và gia đình tích cực tham gia công tác này của địa phương bằng cách thu gom rác thải bỏ đúng nơi quy định, xây dựng các hố đốt phù hợp, trồng cây xanh, hoa dọc tuyến đường, khu dân cư,… Từ đó, môi trường tại địa phương được cải thiện hơn so với trước đây”.
Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh - Đỗ Thị Kim Thắm, từ nhiều năm qua, hội vận động hội viên, phụ nữ chung tay xây dựng và BVMT, nhất là môi trường sống. Nhiều mô hình phát huy hiệu quả, lan tỏa thông điệp sâu sắc, dần thay đổi thói quen của mọi người và có cách nhìn đúng đắn trong việc BVMT. Gần đây, hội xây dựng, thành lập, duy trì nhiều mô hình chống rác thải nhựa gắn liền với đời sống: Giỏ rác trao tay, Hố rác gia đình, Giỏ xách đi chợ, Biến rác thành tiền, Tổ thu gom, xử lý rác thải,…Đồng thời, kêu gọi mọi người chung tay vì môi trường sống xanh, sạch, đẹp bằng hành động cụ thể của bản thân và gia đình.
Mô hình thu gom rác thải nguy hại trên địa bàn Bình Hiệp phát huy hiệu quả đề ra
Nâng cao nhận thức
Những năm trở lại đây, diện mạo và cảnh quan tại xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường có những thay đổi rõ nét, nhất là tuyến Quốc lộ 62 đoạn qua địa bàn xã. Rác thải được thu gom, vận chuyển về đúng nơi để xử lý. Người dân hiểu biết, nắm rõ và nêu cao trách nhiệm của mình trong việc cùng địa phương xây dựng và BVMT sống trên địa bàn. Không chỉ vậy, tuyến đường cây xanh, hoa, hố thu gom chất thải nguy hại, tổ thu gom rác thải,… góp phần không nhỏ để diện mạo xã biên giới này ngày càng sạch, đẹp, đáng sống hơn.
Bà Nguyễn Thị Cẩm, ngụ ấp Ông Nhan Đông, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, cho hay: “Thói quen cũ của người dân là sử dụng xong thuốc bảo vệ thực vật sẽ bỏ vỏ chai, bao bì lại trên cánh đồng, vô tình gây ô nhiễm môi trường và mất cảnh quan. Hơn 2 năm trở lại đây, điều đó không còn xảy ra nữa.Chúng tôi nhận thức đúng đắn hơn, sau khi sử dụng xong các loại thuốc bảo vệ thực vật, bao bì sẽ được bỏ vào hố được xây dựng sẵn.Mọi người ai cũng vậy, ra làm ruộng nếu phát hiện rác thải loại này sẽ tự động nhặt và bỏ đúng nơi quy định.Bên cạnh đó, chúng tôi còn tích cực trồng hoa, cây xanh để hài hòa không khí, góp phần làm cho môi trường sống trong lành, thân thiện hơn”.
Là người nhiều năm thực hiện việc thu gom rác thải trên địa bàn Bình Hiệp, hơn ai hết, ông Nguyễn Khánh Tùng biết rõ việc xây dựng, BVMT trên địa bàn. Ông Tùng cho biết: “Thật sự, lúc trước chẳng người nào trong gia đình ủng hộ cái việc mình đang làm. Tôi phải giải thích rất nhiều lần, các thành viên mới chấp nhận.Lúc mới làm chưa quen nên tôi thấy rác là ám ảnh vì mùi hôi rất nồng nặc.Bây giờ tôi quen rồi, xem như việc làm bình thường. Quan trọng hơn hết, rác thải được thu gom, môi trường trên địa bàn được cải thiện đáng kể, diện mạo địa phương thay đổi tích cực. Mọi người ở đây ai cũng đều nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình.Tôi thấy vui vì việc làm của mình đã góp phần cùng địa phương xây dựng quê hương”.
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Kiến Tường - Huỳnh Thanh Tâm thông tin: Địa phương phối hợp các xã, phường, hội, đoàn thể tăng cường các hoạt động xây dựng và BVMT. Thị xã đã thực hiện nhiều mô hình, giải pháp về BVMT, từ đó nâng cao nhận thức của người dân, tự giác cùng địa phương thực hiện tốt hơn công tác này. Bên cạnh đó, Kiến Tường tăng cường trồng cây xanh cải thiện cảnh quan đô thị, tạo diện mạo thân thiện, hài hòa cho môi trường. Đồng thời, hạn chế các thùng đựng rác thải tập trung vì tại vị trí đặt thường dễ biến thành bãi rác thu nhỏ. Thay vào đó, địa phương thông báo cụ thể lịch, thời gian, giờ thu gom rác thải để người dân biết và thực hiện. Thời gian tới, thị xã tiếp tục duy trì các hoạt động trên, đồng thời kiến nghị nâng cấp lò đốt rác tại địa phương, bảo đảm xử lý tốt hơn rác thải; tăng cường hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng rác thải nhựa dùng một lần,… để môi trường trên địa bàn tiếp tục được duy trì và cải thiện.
"Xây dựng và bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của địa phương mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng.Môi trường được cải thiện, cuộc sống của con người sẽ tốt hơn.Thời gian qua, ngành tổ chức nhiều hoạt động, mô hình để tăng cường bảo vệ môi trường.Bên cạnh đó, ngành còn phối hợp MTTQ, hội, đoàn thể thực hiện việc này, bước đầu phát huy hiệu quả. Diện mạo, cảnh quan môi trường trên địa bàn ngày càng được cải thiện theo hướng tích cực. Người dân thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ môi trường. Ngành tiếp tục duy trì các hoạt động và kêu gọi cộng đồng chung tay vì một môi trường xanh, sạch, đẹp, đáng sống”./.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Long An - Nguyễn Tân Thuấn
|
Châu Sơn