Tiếng Việt | English

15/06/2015 - 16:03

Bảo vệ người làm báo chân chính

Nạn bạo hành nhà báo xảy ra ngày càng nhiều và mức độ ngày càng nguy hiểm hơn. Chỉ cần lên mạng internet tìm với từ khóa “hành hung nhà báo”, ta sẽ nhận được rất nhiều kết quả, điều đó cho thấy thực trạng nạn bạo hành nhà báo hiện nay như thế nào. Chỉ vì muốn tìm ra sự thật để cống hiến cho độc giả, khán, thính giả những tác phẩm báo chí hay, không ít người làm báo đã bị hành hung khi tác nghiệp. Gần đây nhất là vụ hai phóng viên Báo Giao Thông bị hành hung vào ngày 8-6-2015, đúng vào tháng kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Dù Luật Báo chí, Chương IV, Điều 15 đã ghi rõ: Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà báo hoặc phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay, nạn bạo hành nhà báo vẫn còn xảy ra với nhiều lý do, trong đó nguyên nhân chính là các chế độ bảo vệ cho nhà báo còn hạn chế. Theo đó, những vụ cản trở nhà báo khi tác nghiệp, hoặc bị hành hung sau khi tin, bài được phản ánh trên báo thường không lập được bằng chứng, nên các cơ quan chức năng chưa thể giải quyết. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có sự quan tâm hơn khi giải quyết các vụ bạo hành nhà báo. Bên cạnh đó, chính nhà báo và các cơ quan báo chí phải tự có biện pháp để bảo vệ mình. Lãnh đạo tờ báo có nhà báo bị hành hung cũng cần phải vào cuộc quyết liệt, vì đây là chỗ dựa vững chắc cho người làm báo. Làm được như vậy thì dù nhiều người có “thế lực” đến đâu đi nữa cũng không bao giờ có thể “bẻ cong” được ngòi bút người làm báo chân chính./.

Nguyễn Phong

 

Chia sẻ bài viết