Tiếng Việt | English

22/08/2024 - 10:28

Bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản

Những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An thực hiện nhiều giải pháp thích hợp để tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Ngoài vận động, tuyên truyền và đồng hành trong việc xã hội hóa công tác tái tạo, phát triển thủy sản, ngành chức năng còn tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm trong đánh bắt, khai thác nguồn lợi thủy sản.Hàng năm, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp thả từ 800-1.000kg cá giống vào môi trường tự nhiên

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Nguyễn Thanh Toàn cho biết: “Những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản bị suy giảm, nguyên nhân chính là môi trường ngày càng ô nhiễm, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và ý thức của người dân còn hạn chế, còn tình trạng khai thác quá mức, sử dụng phương pháp khai thác mang tính hủy diệt”.

Tỉnh chú trọng thả cá, phóng sinh bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, chung tay thả giống thủy sản vào các vùng nước tự nhiên, góp phần phục hồi nguồn lợi thủy sản, phục hồi môi trường sinh thái và sự đa dạng sinh học.

Theo đó, công tác bảo vệ, tái tạo được triển khai đồng bộ đã và đang góp phần quan trọng khôi phục nguồn lợi thủy sản.

Hàng năm, việc thả giống bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản được tập trung vào những ngày truyền thống ngành Thủy sản, ngày Vu Lan, lễ Phật đản,... qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức của người dân, thu hút được sự tham gia của đông đảo các thành phần trong xã hội.

“Thời gian qua, Chi cục phối hợp các ngành liên quan vận động các cơ sở nuôi cá giống, nhà hảo tâm thả hàng triệu con cá giống các loại ra môi trường tự nhiên. Bên cạnh đó, Chi cục cũng phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong đánh bắt, khai thác nguồn lợi thủy sản” - ông Nguyễn Thanh Toàn cho biết thêm.

Được biết, từ năm 2012 đến nay, hàng năm, ngành Nông nghiệp tỉnh thả từ 800-1.000kg cá giống các loại về môi trường tự nhiên. Đối tượng thả là các loài thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế, được sinh sản nhân tạo, có khả năng tái tạo và phát triển tốt trong điều kiện tự nhiên.

Tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm trong đánh bắt, khai thác nguồn lợi thủy sản 

Đặc biệt, đầu năm 2023, ngành Nông nghiệp tỉnh cùng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh ký kết kế hoạch phối hợp về việc phóng sinh và cân bằng môi trường thủy sản. Theo đó, 2 bên thống nhất vào dịp rằm tháng 7 sẽ phối hợp tổ chức tập trung việc phóng sinh.

Việc ký kết nhằm giúp các tăng, ni, phật tử phóng sinh đúng kỹ thuật; thực hành phóng sinh hiệu quả, có trách nhiệm. Qua đó, góp phần hạn chế việc phát tán những loài thủy sản ngoại lai, xâm hại, có nguy cơ xâm hại ra môi trường; hướng dẫn tăng, ni, phật tử, người dân phóng sinh những loài thủy sản bản địa nguy cấp, quý, hiếm, hữu ích cho môi trường sinh thái và đời sống xã hội.

Bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản là việc làm cấp thiết, cần được thực hiện thường xuyên và lâu dài nhằm duy trì tính đa dạng sinh học, giữ gìn nguồn tài nguyên vô giá cho hôm nay và thế hệ mai sau./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết