Tiếng Việt | English

20/04/2023 - 08:23

Bất động sản gặp khó, nhiều nhà thầu xây dựng có nguy cơ ‘biến mất'

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu Việt Nam, thị trường bất động sản đang gặp khó, nếu không có cơ chế bảo vệ, doanh nghiệp (nhà thầu) xây dựng nguy cơ sẽ 'biến mất."


Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Trước khó khăn về vốn và “ma trận” 100 Luật, Nghị định, Thông tư liên quan đến đất đai, xây dựng, bất động sản, ngày 19/4, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu Việt Nam, cho rằng “nếu không có cơ chế bảo vệ, doanh nghiệp (nhà thầu) xây dựng sẽ đối mặt nguy cơ phá sản, 'biết mất'…”

Thông tin cụ thể hơn tại Hội thảo “Gỡ vướng địa ốc - thúc đẩy tăng trưởng” diễn ra trong ngày 19/4, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu Việt Nam nhấn mạnh chưa có năm nào nhà thầu xây dựng trải qua tình trạng khốc liệt như hiện nay.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, quý I/2023, ngành xây dựng tăng trưởng âm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, còn theo Hiệp hội nhà thầu Việt Nam, quý 1 chỉ thực hiện được 8% kế hoạch. Đây là trạng thái “bết bát” nhất từ trước tới nay.

Dẫn chứng, ông Hiệp cho biết khoảng 40 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội ở miền Trung không có việc làm. Nhóm nhà thầu phía Nam mà nhà thầu Hoà Bình là dẫn đầu đã “kêu cứu” tới Thủ tướng với 21 chữ ký ủng hộ của các nhà thầu.

“Tại miền Bắc cũng chỉ một số ít doanh nghiệp lớn, đủ năng lực triển khai dự án đầu tư công có việc. Trong khi, đa phần các nhà thầu xây dựng là doanh nghiệp nhỏ và vừa,” ông Hiệp nói.

Về vấn đề nguồn vốn, tài chính, ông Hiệp cho hay doanh nghiệp xây dựng phải vay tiền ngân hàng để thực hiện hoạt động, làm xong dự án mới được thanh toán, lãi vay 11-13%/năm, trường hợp chủ đầu tư khó khăn như gần đây không thể chi trả, thậm chí yêu cầu trả bằng sản phẩm là các nhà đã xây…

Theo ông Hiệp, vấn đề chính là thiếu cơ chế pháp lý bảo vệ nhà thầu. Và nếu không có cơ chế bảo vệ, doanh nghiệp xây dựng sẽ đối mặt nguy cơ phá sản.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu Việt Nam cũng lưu ý đã có nhiều ý kiến liên quan tới việc gỡ vướng cho thị trường bất động sản, nhưng chưa ai nói gì tới ngành xây dựng, trong khi sự liên thông giữa bất động sản và xây dựng là rất chặt chẽ.

“Ở góc độ chủ đầu tư, chúng tôi kỳ vọng những điểm nghẽn pháp lý sẽ sớm được xử lý, thông suốt. Về nguồn vốn, bằng cách này hay cách khác doanh nghiệp có thể xoay sở, giải pháp về pháp lý mới là điều chúng tôi quan ngại nhất,” ông Hiệp nói.

Có chung quan điểm, ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển DKRA Vietnam cũng đánh giá khó khăn lớn nhất với thị trường bất động sản hiện nay là chính sách pháp lý, cụ thể là vướng mắc trong thủ tục cấp phép dự án.

Dẫn chứng từ Thành phố Hồ Chí Minh, ông Thắng cho biết tại thành phố này có 116 dự án chưa được tháo gỡ do chưa nhất quán giữa các quy định điều chỉnh của các luật; động thái tăng cường thanh tra, kiểm tra… ảnh hưởng tới tâm lý thị trường.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cũng cho rằng với các chính sách lớn mà Chính phủ đã đưa ra, đến nay, nguồn vốn đã phần nào được tháo gỡ… Tuy nhiên, điểm nghẽn cơ bản cuối cùng phải xử lý là pháp lý, làm thế nào để các dự án được phê duyệt, được tham gia thị trường.

“Chỉ khi giải quyết được bài toán này thì các dự án đầu tư mới được giải quyết các câu chuyện cơ bản,” ông Đính nói.

Góp thêm ý kiến, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cũng thẳng thắn nhìn nhận thị trường bất động sản hiện nay đang gặp “ách tắc.” Trong đó, khung pháp lý là vấn đề mấu chốt.

Từ đó, ông Hiếu đề xuất 2 vấn đề cần phải làm ngay. Thứ nhất, Chính phủ cần giải quyết các dự án đang gặp vướng pháp lý, rơi vào cảnh tồn đọng. “Tôi nghĩ đây là vấn đề quan trọng nhất, nếu ưu tiên giải quyết sẽ có tác động lan toả,” ông Hiếu nói.

Thứ hai là nếu các dự án đang chậm lại vì thủ tục chưa phù hợp, đòi hỏi nhanh hơn thì cần đơn giản hoá các chính sách trùng lặp, chồng chéo để tiết kiệm thời gian.

“Sắp tới sửa 3 Luật (Đất đai, Nhà ở, Bất động sản), nhưng chắc chắn cần thêm thời gian. Vì vậy có thể bổ sung thêm các quy định để gia tăng cơ hội cho thị trường. Tôi rất đồng tình với quan điểm của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc vướng thông tư thì sửa thông tư, một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định,” ông Hiếu nói.

Ngoài ra, ông Hiếu cũng khuyến nghị sắp tới, trong quá trình sửa các luật liên quan, luật cần được xây dựng theo hình tháp. “Một Luật có nhiều thông tư, Nghị định nhưng tôi cho rằng nên xây dựng Luật theo hình tháp ngược. Nghĩa là một thông tư, nghị định có thể hướng dẫn nhiều Luật có liên quan đến vấn đề đó,” ông Hiếu nói./.

Hùng Võ (Vietnam+)

Chia sẻ bài viết