Tiếng Việt | English

25/06/2023 - 10:43

Bất ngờ ngã quỵ là đau tim, ngừng tim hay đột quỵ?

Đột ngột ôm ngực ngã quỵ, nhiều người nghĩ do trúng gió, có người nghĩ vì đau tim... Chính suy diễn đó đưa đến nhiều cách xử trí, khiến bệnh nghiêm trọng hơn, thậm chí tử vong.

Điện tâm đồ tim - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong 10 nguyên nhân gây tử vong, bệnh tim mạch chiếm tỉ lệ cao nhất, trong đó bệnh tim thiếu máu cục bộ chiếm 16%, đột quỵ chiếm 11% các ca tử vong trên toàn cầu.

Đau tim và ngừng tim khác nhau ra sao?

Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam - nguyên phó chủ nhiệm bộ môn phẫu thuật lồng ngực và tim mạch Trường đại học Y Dược TP.HCM, hiện các thuật ngữ đau tim (heart attack) và ngừng tim (cardiac arrest) thường được dùng thay thế cho nhau. 

Nhưng thực tế, chúng khác biệt và có nguyên nhân khác nhau nên cần có những phản ứng khác nhau.

Theo đó, cơn đau tim xảy ra khi bị tắc nghẽn động mạch cấp máu cho mô tim, khiến thiếu oxy đi nuôi tế bào tim và xảy ra các triệu chứng như đau ngực, nhưng tim vẫn tiếp tục đập.

Ngược lại, ngừng tim có nghĩa là tim ngừng đập. Trong một số trường hợp, cơn đau tim gây ngừng tim, nhưng cũng có nhiều nguyên nhân khác gây ngừng tim. 

Một cơn đau tim có thể gây ngừng tim, nhưng không phải tất cả trường hợp ngừng tim đều do đau tim.

Sự tắc nghẽn gây ra cơn đau tim có thể xảy ra đột ngột, nhưng sự thu hẹp các động mạch trong tim dẫn đến tắc nghẽn thường xảy ra trong một khoảng thời gian dài hơn.

Huyết áp cao, bệnh tiểu đường, lối sống ít vận động và lựa chọn chế độ ăn uống không lành mạnh làm tăng nguy cơ thu hẹp mạch máu (gọi là xơ vữa động mạch). 

Khi tình trạng hẹp mạch máu trầm trọng hơn, lượng máu lưu thông bị hạn chế này sẽ gây ra cơn đau ngực khi người bệnh gắng sức.

Một người có thể tiếp tục cuộc sống hằng ngày của họ mà không có bất kỳ đau đớn hay khó chịu nào. Nhưng khi họ gắng sức, họ có thể bị đau ngực do lưu lượng máu bị hạn chế.

Thông thường, một khi ngừng gắng sức, cơn đau sẽ biến mất. Đây là những gì chúng ta gọi là đau thắt ngực - một dấu hiệu của sự tắc nghẽn nhưng thường không liên quan đến cơ tim bị tổn thương và tiến triển theo thời gian.

Khi có những triệu chứng này, nên đi khám và nhờ bác sĩ tư vấn. Nếu cơn đau không biến mất, đó là dấu hiệu của một cơn đau tim và cần cấp cứu ngay lập tức.

Cơn đau tim không chỉ có triệu chứng đau ngực

Các cơn đau tim cũng có thể có các triệu chứng khác không chỉ là đau ngực. Một số bệnh nhân mô tả các triệu chứng như áp lực; đau nhói hoặc giống như bị đâm, nhất là ở phía bên trái của ngực lan xuống cổ và cánh tay trái.

Có người lại mô tả ngứa ran hoặc đau ở cánh tay, thậm chí đau cổ họng hoặc hàm, khó thở. Các dấu hiệu và triệu chứng khác gồm: buồn nôn và đổ mồ hôi. Bất cứ ai gặp phải những triệu chứng này mà không hết khi nghỉ ngơi thì nên khám để được đánh giá vì nguy cơ bị đau tim cao.

Một cơn đau tim cũng giống như một cơn đột quỵ. Các chuyên gia y tế có thể mở chỗ tắc nghẽn càng nhanh thì cơ tim càng ít bị tổn thương vĩnh viễn.

Những người bị đau tim nên gọi dịch vụ cấp cứu để đến bệnh viện, thay vì tự lái xe để đảm bảo an toàn. Đối với tình trạng ngừng tim, cần trợ giúp y tế càng sớm càng tốt, không nên trì hoãn.

Người bệnh đột quỵ điều trị tại khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) - Ảnh: X.MAI

Lễ, nặn, cắt đầu ngón tay chữa đột quỵ: Phản khoa học

Ngoài cơn đau tim và nguy hiểm hơn hết là ngừng tim thì một "đối thủ" giết người thầm lặng khác là đột quỵ. Theo thống kê mới nhất của Hội Đột quỵ thế giới, cứ 3 giây lại có một bệnh nhân đột quỵ mới. Đáng báo động, cứ 1 trong 4 người trưởng thành sẽ có nguy cơ mắc đột quỵ trong cuộc đời của mình (trước đây tỉ lệ là 1:6).

PGS Nguyễn Huy Thắng - chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM - cho hay khi đột quỵ xảy ra, mỗi phút trôi qua sẽ có gần 2 triệu tế bào não chết đi và không phục hồi. Do đó cấp cứu trước viện rất quan trọng, nhưng thời gian qua việc này còn yếu và thiếu.

Hiện vẫn còn nhiều sai lầm trong sơ cứu ban đầu, người thân áp dụng "cấp cứu" cho người bị đột quỵ là lễ, nặn, cắt đầu ngón tay cho chảy máu. PGS Thắng nhấn mạnh đây là biện pháp hoàn toàn phản khoa học, gây nguy hiểm và mất thời gian vàng cứu sống người bệnh, tuyệt đối không nên áp dụng.

Theo PGS Thắng, "gánh nặng" lớn nhất hiện nay là việc phòng ngừa bệnh đột quỵ nói riêng và những bệnh lý khác của người dân ta còn rất kém. Tâm lý mong được điều trị nhanh khỏi, đơn giản… đã ăn sâu vào tiềm thức người dân. Trong khi đó rất ngại những biện pháp điều trị lâu dài, thường xuyên. 

Do vậy, nhiều bệnh nhân bỏ thuốc, hoặc tiêm vào người những loại thuốc được quảng cáo là trị khỏi bệnh đột quỵ./.

Theo TTO

Chia sẻ bài viết