Tiếng Việt | English

20/08/2020 - 11:20

Belarus rơi vào vòng xoáy bất ổn, Tổng thống ra lệnh ngăn bạo động

Sau cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra hôm 9/8 vừa qua, chính trường Belarus liên tiếp có các diễn biến phức tạp.

Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã cáo buộc phe đối lập tìm cách lật đổ chính quyền, sau khi nổ ra các cuộc biểu tình chống chính phủ những ngày qua.


Tổng thống Alexander Lukashenko chủ trì cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia tại Mink hôm 19/8. Ảnh: Reuters.

Mặc dù mới đây, ông Lukashenko có động thái nhượng bộ khi tuyên bố sẽ tổ chức lại cuộc bầu cử Tổng thống, chia sẻ hoặc chuyển giao bớt quyền lực sau khi Hiến pháp mới được thông qua. Song, các cuộc biểu tình và đình công gây sức ép vẫn tiếp diễn, đòi Tổng thống phải từ chức.

Những ngày qua,Tổng thống Belarus A.Lukashenko đã phải đối mặt với tình hình xấu đi nhanh chóng trong bối cảnh hàng nghìn người đổ xuống đường biểu tình đòi ông từ chức với cáo buộc ông gian lận trong cuộc bẩu cử Tổng thống vừa diễn ra hôm 9/8. Công nhân nhiều nhà máy lớn đình công, một số thành viên lực lượng an ninh rời khỏi hàng ngũ để phản đối Tổng thống.

Trong diễn biến mới nhất, hôm qua (19/8), trong cuộc tiếp xúc với công nhân nhà máy Máy kéo Minsk, Tổng thống Lukashenko đã hứa với họ rằng, ông sẽ đối phó với những người biểu tình gặp họ gần lối vào nhà máy. Ông cũng bày tỏ lòng biết ơn của ông với các công nhân và đề nghị họ tiếp tục làm việc. Theo lời ông, họ là những chủ nhân nhà máy. Trước đó, thư ký báo chí của Bộ Nội vụ Belarus Olga Chemodanova tuyên bố rằng, những người biểu tình đã ngăn cản các nhân viên của nhà máy đến làm việc.

Cũng trong hôm qua, Tổng thống Lukashenko đã chỉ thị cho Ủy ban Biên giới Nhà nước tăng cường bảo vệ biên giới quốc gia dọc theo toàn bộ vành đai của đất nước. Người đứng đầu nước cộng hòa nói rằng, ông đã ra lệnh như vậy để ngăn chặn sự xuất hiện ở Belarus "các chiến binh, vũ khí, đạn dược, tiền từ các quốc gia khác tài trợ cho các cuộc bạo động".

Tổng thống Lukashenko cũng đã chỉ thị cho Bộ Nội vụ ngăn chặn tình trạng bất ổn trong nước và yêu cầu bộ này bảo vệ các tập thể công nhân khỏi "những lời nói xấu và đe dọa đường phố", bao gồm cả các tập thể truyền thông.

Cùng ngày, thư ký báo chí của Tổng thống Nga Peskov đã tuyên bố rằng, “Belarus là quốc gia liên minh của Nga và đất nước anh em với Nga, và dân tộc Belarus là dân tộc anh em với Nga. Ông khẳng định, Nga “coi mọi việc xảy ra ở Belarus là chuyện nội bộ của đất nước này và tin rằng, tất cả nên làm mọi thứ cần thiết để tạo điều kiện duy trì tình hình trong khuôn khổ pháp lý, trong đó có thể tiến hành đối thoại cần thiết".

Ông Peskov nhấn mạnh rằng, trong tình hình hiện tại, điều chính yếu là để không có sự ảnh hưởng, can thiệp từ bên ngoài vào những gì đang diễn ra ở Belarus hiện nay. Ông lấy làm tiếc rằng, "những nỗ lực can thiệp trực tiếp như vậy đang diễn ra”. Theo lời ông, Nga “coi sự can thiệp như vậy là không thể chấp nhận được". Ông Peskov tuyên bố rằng, phía Nga ủng hộ để “tình hình được duy trì trong khuôn khổ pháp lý, và chính người dân Belarus phải giải quyết các vấn đề của họ trong khuôn khổ pháp lý này và đối thoại”.

Trước đó, ngày 18/8 Tổng thống Nga V. Putin đã có các cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về tình hình Belarus sau bầu cử Tổng thống. Trong 2 cuộc điện đàm, Tổng thống Nga nhấn mạnh những nỗ lực can thiệp vào công việc nội bộ của Belarus từ bên ngoài chỉ làm leo thang căng thẳng và là không thể chấp nhận được.

Theo chuyên gia chính trị Alexander Shatilov, mối đe dọa đối với Belarus từ NATO là khá thực tế. Tuy nhiên, cho đến nay, phương Tây chỉ giới hạn trong các mối đe dọa tiềm ẩn. Chuyên gia này dự đoán rằng, NATO sẽ không đưa quân vào lãnh thổ của Belarus - không ai muốn nổ ra một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba, điều chắc chắn sẽ xảy ra sau đó. Ngoài ra, Hiệp ước An ninh Tập thể giữa các nước SNG đang có hiệu lực. Ông Alexander Shatilov tin rằng, Tổng thống Lukashenko nên thực hiện các biện pháp nghiêm túc để hội nhập Liên bang Nga và Belarus.

Chuyên gia quân sự Alexei Leonkov cũng coi việc NATO xâm nhập lãnh thổ Belarus là khó có thể xảy ra - chỉ khi Bộ Tổng tham mưu "phát điên". Còn hỗ trợ kín cho những người theo chủ nghĩa dân tộc địa phương đang được cung cấp.

Chuyên gia Viktor Aksyuchits thì cho rằng, phương Tây hiện yếu hơn so với phiên bản của sáu năm trước - căng thẳng đã nảy sinh giữa châu Âu và Mỹ, và không nên mong đợi hành động quyết định từ họ.

Trước đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng, Liên minh ủng hộ nền độc lập của Belarus, nhưng không tăng cường sự hiện diện của họ trong khu vực./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết