Đò chở khách của ông Hồng chính là chiếc tàu đi biển làm bằng gỗ được “cải biên” để chở khách
Khu vực cửa sông Rạch Cát có rất nhiều tàu biển qua lại; mặt khác, do khu vực này có sóng lớn và không tuân theo quy luật nên rất dễ gây lật tàu, nhất là những tàu gỗ nhỏ. Anh Đặng Văn Nhanh - cán bộ Giao thông-Thủy lợi xã Long Hựu Đông cho biết: "Khu vực cửa biển này là nơi gặp nhau của 4 sông lớn và đổ ra biển Cần Giờ nên sóng cao, nhất là vào mùa giông bão nên lúc trước, có nhiều tàu, thuyền bị đắm tại khu vực này. Gần đây, người dân và đơn vị vận tải sử dụng tàu sắt lớn nên tai nạn ít xảy ra hơn".
Do bến đò Rạch Cát có vị trí nằm gần Đồn Rạch Cát (khu vực quân sự) nên trước đây, được cấp phép và do Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cần Đước quản lý. Gần đây, cơ quan chức năng ngưng cấp phép hoạt động của bến do thấy nhu cầu người dân qua lại tuyến đường thủy này không cao mà nguy cơ xảy ra tai nạn đường thủy rất lớn.
Ngày 23-6-2016, phóng viên tiếp cận bến đò Rạch Cát (phía xã Long Hựu Đông) thấy đường dẫn lên tàu rất nhỏ hẹp (đây là cầu tàu dùng cho hoạt động quân sự trước đây), người đi xe môtô muốn lên đò dễ bị té ngã. Ông Châu Văn Hồng, ngụ ấp Lý Hòa Hiệp, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ là người lái đò đối lưu với bến Rạch Cát cho biết: "Đò của tôi được phép chở 20 người và xe môtô, mặc dù hải trình khá xa và phải luồn lách qua tàu biển nhưng do đi biển quen nên tôi thấy cũng bình thường. Khách qua đò chủ yếu là dân địa phương, gần đây cũng có khách du lịch đi qua Đảo Khỉ, bãi biển 30-4 và Khu du lịch Vàm Sát theo tuyến này". Ông Hồng cho biết thêm: "Cứ cách 1 giờ có 1 chuyến đò, giá vé 14.000 đồng/người; người và xe môtô giá vé 40.000 đồng, có hôm khách đông, 1 chuyến đò, tôi kiếm vài trăm ngàn đồng".
Theo quan sát của phóng viên, đò của ông Hồng khá nhỏ hẹp và có trang bị một số áo phao. Tuy nhiên, thiết kế của chiếc đò này hoàn toàn không phù hợp để chở khách và xe môtô; một số chi tiết bị hư, xuống cấp.
Đò chở khách khá nhỏ hẹp, một số chi tiết bị hư, xuống cấp
Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cần Đước - Lê Văn Dũng cho biết: "Sau nhiều lần kiểm tra, do phương tiện đò ngang không bảo đảm an toàn và chủ bến không đáp ứng các yêu cầu theo quy định an toàn giao thông đường thủy nên phòng tham mưu UBND huyện Cần Đước ra quyết định đình chỉ hoạt động đưa rước khách tại bến Rạch Cát". Trả lời câu hỏi vì sao bến bị đình chỉ mà ngày 23-6-2016, khi phóng viên cùng cán bộ xã Long Hựu Đông đến thì bến vẫn hoạt động bình thường, ông Dũng cho biết thêm: "Việc đò Rạch Cát vẫn hoạt động mà không bị xử lý thì trách nhiệm chính thuộc cấp cơ sở. Khi có mặt cơ quan chức năng thì đò ngưng hoạt động, khi cán bộ đi rồi lại hoạt động bình thường. Việc phát hiện và lập biên bản, chỉ người tại chỗ mới thực hiện được".
Ngày 14-6-2016, Chi cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) phía Nam có Công văn số 967 gửi Sở Giao thông Vận tải (GTVT) yêu cầu phối hợp đình chỉ hoạt động bến đò Rạch Cát. Công văn nêu rõ: "Ngày 9-6-2016, Chi cục ĐTNĐ phía Nam phối hợp Cảnh sát Đường thủy Long An, Cảng vụ nội địa khu vực 3, Cty Quản lý bảo trì ĐTNĐ số 10 tiến hành kiểm tra bến đò Rạch Cát, qua kiểm tra cho thấy, bến không có giấy phép mà vẫn hoạt động".
Được biết, hiện nay, Sở GTVT Long An là đơn vị quản lý và cấp phép các bến đò ngang thuộc thẩm quyền. Do đó, nhằm bảo đảm an toàn giao thông, tạo điều kiện cho người dân qua lại nên Chi cục ĐTNĐ phía Nam yêu cầu Sở GTVT hướng dẫn chủ bến làm giấy phép mở bến theo quy định, đồng thời phải bảo đảm các điều kiện an toàn giao thông ĐTNĐ. Khi nào chủ bến có giấy phép hoạt động thì mới được phép chở khách.
Theo UBND xã Long Hựu Đông, tại xã có 3 bến đò, chỉ có một bến có giấy phép hoạt động, 2 bến còn lại là bến Rạch Cát và 1 bến đò "chui" (hoạt động lén lút từ xã Long Hựu Đông đi xã Tân Tập) không có giấy phép; các bến không phép tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn đường thủy rất cao. Tuy nhiên, để buộc các chủ bến này ngưng hoạt động thì UBND xã chưa có giải pháp nào hữu hiệu.
Như vậy, để bảo đảm an toàn giao thông ĐTNĐ trong mùa mưa bão, chính quyền xã Long Hựu Đông, UBND huyện Cần Đước, cơ quan chức năng có thẩm quyền và Sở GTVT cần có giải pháp quyết liệt, buộc các chủ bến phải làm thủ tục mở bến theo quy định, phương tiện chuyên chở phải bảo đảm an toàn, còn nếu không đáp ứng đủ yêu cầu thì kiên quyết không cho hoạt động nhằm bảo đảm an toàn cho người dân với mục tiêu "Tính mạng con người là trên hết"./.
Hải Đăng