Tiếng Việt | English

06/06/2016 - 15:55

Bến Lức: Chủ động phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ

Để chủ động phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ, các cấp các ngành huyện Bến Lức, tỉnh Long An tích cực triển khai các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân.

Mùa hè là thời điểm nhu cầu vui chơi giải trí của học sinh tăng cao, bởi khi đó các em được nghỉ học ở nhà, thường xuyên tụ tập thành nhóm để chơi các trò chơi ở khu vực trong xóm. Trong đó, nổi lên là tình trạng các em tắm sông, trèo cây hái trái hoặc chơi trò đánh nhau. Các em chưa lường hết được khi tham gia những trò chơi này có nguy cơ gây ra tai nạn thương tích.

Những nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn, thương tích cho trẻ em hầu hết là do sự bất cẩn của người lớn, sự thiết hiểu biết và sự hiếu động của các em. (Ảnh minh họa: Internet)

Là một trong những địa phương có nhiều ao hồ, kênh rạch nên Ban Chỉ đạo (BCĐ) hè xã Tân Bửu rất quan tâm đến việc tuyên truyền và đẩy mạnh thực hiện các hoạt động tác động mạnh đến nhận thức của các bậc phụ huynh và các em nhỏ trong việc đề phòng tai nạn thương tích, nhất là phòng, chống đuối nước ở trẻ. Trong đó, phát huy mạnh vai trò của Đoàn thanh niên trong việc tổ chức các hoạt động vui chơi cho các em, lồng vào đó tuyên truyền về phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích cho các em.

Bí thư Đoàn thanh niên xã Tân Bửu - Tạ Quốc Việt cho biết: “Đoàn Thanh niên xã phối hợp các ngành chức năng trang bị kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ, nhất là phối hợp Hội Chữ thập đỏ hướng dẫn các kiến thức về sơ cấp cứu khi xảy ra tai nạn, đặc biệt là tai nạn đuối nước cho các em học sinh và cả phụ huynh”.

Hằng năm, cứ mỗi dịp nghỉ hè, mùa mưa lũ, những thông tin đau lòng về tai nạn đuối nước trẻ em lại xảy ra ở nhiều nơi, đó là chưa kể đến những trường hợp tai nạn, thương tích khác. Những nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn, thương tích cho trẻ em hầu hết là do sự bất cẩn của người lớn, sự thiết hiểu biết và sự hiếu động của các em.

Chị Trần Thị Song - ấp 6 xã Thạnh Đức chia sẻ: “Bản thân tôi cũng có con nhỏ nên dành thời gian vào những ngày thứ bảy, chủ nhật đưa cháu đến Trung tâm Văn hóa hay các hồ bơi để tập bơi. Ngoài ra, tôi cũng thường căn dặn con là khi vui chơi phải chú ý không leo trèo cây cao hoặc tắm sông vì như vậy sẽ rất nguy hiểm”.

Tin rằng, với sự chủ động của các bậc phụ huynh cùng sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành trong thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em sẽ tạo ra một môi trường an toàn mọi nơi, mọi lúc cho trẻ em được sống, vui chơi và học tập để phát triển một cách toàn diện./.

Kim Phượng

Chia sẻ bài viết