Tiếng Việt | English

29/08/2022 - 15:18

Bến Lức: Nhiều dự án còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng  

Sáng 29/8, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật trong thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Bến Lức.

Đoàn giám sát làm việc với UBND huyện Bến Lức

Đoàn giám sát do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An – Nguyễn Thanh Hải làm Trưởng đoàn đến làm việc với UBND huyện Bến Lức và khảo sát thực tế một số doanh nghiệp thứ cấp trong Khu công nghiệp Phúc Long do Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Phúc Long làm chủ đầu tư tại xã Long Hiệp, huyện Bến Lức.

Trên địa bàn huyện Bến Lức hiện có 6 khu công nghiệp và 5 cụm công nghiệp. Đến nay, có 8/11 khu, cụm công nghiệp có nhà đầu tư và đi vào hoạt động, với tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp 89,1% và cụm công nghiệp là 14,2%.

Nhìn chung, các chủ đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp và các nhà đầu tư chấp hành tốt các quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường. Tuy nhiên, còn tình trạng một số chủ đầu tư có năng lực đầu tư yếu nên không bảo đảm tiến độ xây dựng hạ tầng.

Chủ tịch Khu công nghiệp Phúc Long - Ninh Thị Bích Thùy kiến nghị với đoàn giám sát

Thời gian qua, huyện thường xuyên phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế và Sở Công Thương rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu, cụm công nghiệp phù hợp với tình hình thực tế, đúng quy định gắn với tích hợp vào Quy hoạch chung của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Lê Thành Út cho biết, phần lớn dự án công nghiệp trên địa bàn huyện có diện tích lớn hơn 10ha nên việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất lúa sang đất phi nông nghiệp mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, giá thuê lại đất trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và Bến Lức nói riêng cao so với các tỉnh lân cận; điều này cũng phần nào gây khó khăn cho việc thu hút đầu tư, nhất là các dự án lớn của nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với Khu công nghiệp Phúc Long, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và thời hạn sử dụng đất là 2 nội dung trọng tâm mà doanh nghiệp kiến nghị với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.

Chủ tịch Khu công nghiệp Phúc Long - Ninh Thị Bích Thùy thông tin: Dự án Khu công nghiệp Phúc Long hiện hữu (tại xã Long Hiệp, huyện Bến Lức) có tổng diện tích đất quy hoạch gần 800.000m2; hạ tầng kỹ thuật đã hoàn chỉnh 100%; tỷ lệ lấp đầy đạt 100% với 76 dự án. Dự án Khu công nghiệp Phúc Long mở rộng với diện tích quy hoạch là 334,5ha; công ty đã nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt và đang thực hiện điều chỉnh, hoàn thiện lại hồ sơ.

Theo bà Ninh Thị Bích Thùy, hiện nay, dự án Khu công nghiệp Phúc Long còn gặp một số khó khăn trong thu hồi đất để xây dựng và một phần lô nền dành cho bố trí tái định cư; một số hệ thống giao thông vẫn chưa kết nối theo đúng quy định đã được phê duyệt do chưa thu hồi được đất (còn 5 hộ dân).

Đoàn khảo sát thực tế tại Nhà máy Giặt ủi công nghệ cao Del Tech (Khu công nghiệp Phúc Long)

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh – Nguyễn Thanh Hải đề nghị, huyện Bến Lức phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các sở, ngành tỉnh và nhà đầu tư, tiếp tục vận động các hộ dân trong vùng dự án đồng thuận với chủ trương; đồng thời quan tâm thực hiện tốt công tác tái định cư cho người dân.

Ông Nguyễn Thanh Hải yêu cầu địa phương cần có giải pháp cụ thể và quyết liệt hơn trong công tác giải phóng mặt bằng; kịp thời hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc để nhà đầu tư sớm hoàn thành dự án. Ngoài ra, ông nhấn mạnh, huyện Bến Lức và các sở, ngành liên quan phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định về môi trường, tuyệt đối không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế.

Đối với các kiến nghị của địa phương cũng như doanh nghiệp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ có kiến nghị với Quốc hội, các Bộ, ngành Trung ương để điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp trong thời gian tới./.

Kỳ Nam

Chia sẻ bài viết