Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi (bìa phải) đại diện huyện nhận cờ thi đua của Chính phủ vì đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2020 của tỉnh
1. Theo UBND huyện Bến Lức, tỉnh Long An, năm 1983, huyện Bến Lức tái thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Bến Thủ. Với xuất phát điểm thấp, đời sống nhân dân khi ấy còn nhiều khó khăn, kinh tế kém phát triển. Với vị trí thuận lợi cùng nhiều định hướng đúng đắn, Bến Lức có sự “chuyển mình” từ huyện thuần nông trở thành huyện dẫn đầu trong tỉnh về kết quả thu hút đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp, kết hợp với việc quy hoạch và xây dựng các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, tuyến dân cư theo hướng đô thị hóa,... Từ đó, tạo điều kiện cho huyện trở thành địa phương có vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Năm 2010, Bến Lức là đơn vị đầu tiên trong tỉnh được phong tặng danh hiệu AHLĐ thời kỳ đổi mới. Lúc đó, thành tích này hoàn toàn “mới toanh” so với các địa phương khác. Đây là cả một quá trình phấn đấu lâu dài của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện. Huyện phát huy hiệu quả tiềm năng sẵn có từ hệ thống giao thông: Quốc lộ 1, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Đường tỉnh 830, sông Vàm Cỏ Đông,... tạo thuận lợi cho việc giao lưu, phát triển KT-XH.
Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi cho biết, điểm nhấn của huyện chính là tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất kinh tế duy trì ở mức cao. Bến Lức được quy hoạch phát triển công nghiệp từ rất sớm. Trên địa bàn huyện hiện có 6 khu và 5 cụm công nghiệp; có 9/11 khu, cụm công nghiệp có nhà đầu tư và đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 88% với hơn 2.400 doanh nghiệp (DN) trong nước với nguồn vốn trên 28.800 tỉ đồng, 117 DN nước ngoài và hơn 3.000 hộ sản xuất, kinh doanh. Điển hình như các khu công nghiệp: Thuận Đạo, Thịnh Phát, Phúc Long, Vĩnh Lộc, Phú An Thạnh,... Các dự án, DN đầu tư sản xuất, kinh doanh tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục ngàn lao động và đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách địa phương.
Bến Lức hiện có nhiều khu dân cư đô thị mới mọc lên, hứa hẹn mang đến sự phát triển sôi động. Chính sự phát triển nhanh đó, tỉnh tiếp tục đầu tư Đường tỉnh 830 nhằm kết nối các khu, cụm công nghiệp các huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc đi Cảng Quốc tế Long An.
2. Thu ngân sách hàng năm của huyện vượt cao so với chỉ tiêu tỉnh giao. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện năm 2021 hơn 4.600 tỉ đồng, gấp 3,7 lần so với năm 2011, bình quân giai đoạn 2011-2021 tăng 13,9%/năm, nợ thuế được kiểm soát dưới mức quy định. Huyện hiện có 10/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã đạt nông thôn mới nâng cao, phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt huyện nông thôn mới.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Toàn huyện có hơn 98% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa,...
Đặc biệt, trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19, Bến Lức là một trong những huyện “vùng đỏ” của khu vực. Thời gian này, ngoài sự nỗ lực của các cấp, các ngành, huyện còn nhận được sự hỗ trợ, đồng hành từ các DN đóng góp tài lực, vật lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh, bao gồm kinh phí, thiết bị y tế, nhu yếu phẩm, đóng góp quỹ vắc-xin,... Huyện tổ chức thăm hỏi, động viên tinh thần lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch với tổng nguồn đóng góp trên 41 tỉ đồng. Bên cạnh đó, các DN còn hỗ trợ 5 tỉ đồng để triển khai thành lập và đưa vào hoạt động “trạm y tế lưu động DN”.
Ông Trần Văn Tươi khẳng định, những thành quả mà cán bộ và nhân dân huyện đạt được kể từ khi tái thành lập đến nay là sự đoàn kết, vượt khó của Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể, nhân dân và cộng đồng DN trên địa bàn cùng sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh. Đó là kết quả của tầm nhìn chiến lược và chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó phải kể đến việc huy động, tập trung phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, làm nền tảng đột phá đưa công nghiệp, nông nghiệp phát triển.
Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường nhiều giải pháp đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp và triển khai, thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất. Đây là điểm nhấn quan trọng để huyện tiếp tục bứt phá vươn lên.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng quê hương, hướng đến kỷ niệm 40 năm tái thành lập huyện Bến Lức (1983-2023), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện ra sức thi đua phấn đấu, hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu phát triển KT-XH vào thời gian tới, đưa huyện trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới và đô thị loại II vào năm 2025. Hiện huyện đã được Hội đồng Thi đua Khen thưởng các cấp trình hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước xét, tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.
Hạ tầng giao thông được đầu tư, giúp Bến Lức phát triển KT-XH
Cán bộ và nhân dân huyện Bến Lức đã được Chủ tịch nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Đó là Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2004 và Bến Lức là địa phương liên tục 17 năm (2004-2021) hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với thành tích 9 năm được tặng thưởng cờ “Đơn vị thi đua xuất sắc” của UBND tỉnh (từ năm 2004-2010 và năm 2020, 2021); 9 năm được UBND tỉnh tặng bằng khen (từ năm 2011-2019), trong đó năm 2010 vinh dự là huyện đầu tiên của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được Chủ tịch nước tặng danh hiệu AHLĐ thời kỳ đổi mới và có 5 năm được tặng thưởng “Cờ thi đua” của Chính phủ (gồm các năm: 1999, 2002, 2006, 2009, 2020).
Ngoài ra, trong huyện còn có 1 xã và 1 trường tiểu học được tuyên dương, phong tặng danh hiệu AHLĐ thời kỳ đổi mới. Đặc biệt, từ khi nhận Huân chương Lao động hạng Nhất đến nay, huyện liên tục giữ vững thành tích là huyện nằm trong tốp ba trong phong trào thi đua khối các huyện, thành phố phía Nam của tỉnh./.
Như Nguyệt