Bài 4: Hành trình giữ đất bên bờ kênh Chợ Gạo
Năm 1876, người Pháp sau khi chiếm đóng Nam kỳ đã cho đào kênh Chợ Gạo nối sông Tiền và sông Vàm Cỏ, tạo ra tuyến đường thủy ngắn nhất từ Sài Gòn đi miền Tây. Sau hàng trăm năm khai thác, kênh hiện bị sạt lở nặng. Người dân sống hai bên bờ kênh đồng thuận với chính quyền địa phương để di dời nhà, nhường đất cho dự án bờ kè ngàn tỉ đồng.
Đường tắt từ miền Tây đi TP.HCM
Chiếc xà lan ngàn tấn chở container nặng nề rẽ nước kênh Chợ Gạo, hướng từ Tiền Giang về TP.HCM. Phía sau xà lan này, hàng trăm xà lan chở cát, đá cùng ghe chở lúa nối đuôi dài hàng cây số, nhìn từ trên cao tựa như một đại lộ trên sông. Mỗi bận đoàn xà lan chạy qua, bờ sông qua xã Bình Phục Nhứt dài hơn 4km lại bị sóng vỗ mạnh, từng mảng đất bị sóng ngoạm rơi tõm xuống. “Chỗ chúng ta đang đứng trước đây là huyện lộ 23B, rộng khoảng 4m, hiện đã nằm dưới lòng kênh. UBND xã đã cho thi công tạm một con đường đá xanh rộng 2m để hỗ trợ việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân” - Chủ tịch UBND xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo - Trần Văn Đâu cho biết.
Hình tư liệu chụp cảnh đào kênh Chợ Gạo
Theo ông Đâu, xã hiện có diện tích nông nghiệp trên 1.500ha, trong đó trên 500ha thanh long. Thời điểm bờ kênh sạt lở nặng nhất khoảng 10 năm trở lại đây. Hàng năm, thời điểm triều cường lên cao, nhiều đoạn bờ kênh thấp bị nước tràn, sạt lở đe dọa sản xuất lẫn gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Bất tiện là vậy nhưng để có được “thủy lộ xuất khẩu lúa gạo” như ngày nay phải đánh đổi bằng công sức của hàng chục ngàn người Việt xưa. Từ cuối thế kỷ XIX, sau khi chiếm đóng Nam kỳ, người Pháp luôn muốn tận dụng tiềm năng lớn của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà chủ yếu là lúa gạo. Tuy nhiên, việc giao thương khi ấy chủ yếu bằng đường thủy lại còn nhiều cách trở.
Tác giả Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí đã miêu tả sự bất tiện của tàu thuyền khi di chuyển từ sông Tiền ra sông Vàm Cỏ: “Ghe thuyền từ Bến Nghé xuống miền Tây phải theo rạch Ông Lớn xuống hạ lưu sông Rạch Cát rồi qua sông Phước Lộc (tức sông Cần Giuộc) và sông Vàm Cỏ để tới sông Tra. Sau đó tiếp tục men theo rạch Kỳ Hôn để vòng ra sông Tiền thẳng tiến về miền Tây. Tuy nhiên đoạn rạch Kỳ Hôn bị cong, thường bị cạn lấp và có chỗ giáp nước nên tàu bè đi lại rất khó khăn”.
Kênh Chợ Gạo xưa tạo ra tuyến đường thủy từ Sài Gòn đi miền Tây ngắn nhất
Ngoài ra, tàu thuyền cũng có thể đi từ sông Tiền đến Cửa Tiểu, sau đó ra biển Gò Công rồi men theo bờ biển tới sông Soài Rạp về Sài Gòn. Tuy nhiên, do đây là đường biển và khá xa nên gây nguy hiểm cho tàu thuyền, nhất là vào mùa mưa, bão. Canal Duperré - Thống đốc Nam kỳ, vì thế đã đề xuất ý tưởng đào kênh nối sông Tiền và sông Vàm Cỏ tạo ra tuyến đường thủy ngắn nhất từ Sài Gòn đi miền Tây. Dựa theo các tư liệu cũ của người Pháp và ghi chép của nhà văn Sơn Nam, kênh Chợ Gạo được đào thủ công từ năm 1876 với khoảng 11.000 người Việt được huy động làm nhân công, ước tính khối lượng đất được đào khoảng 900.000m3 với 676.000 ngày công.
Cuối năm 1877, kênh hoàn thành, rộng 30m, dài 12km. Trước đó, tại thôn Bình Phan có một ngôi chợ nhỏ nằm cạnh bờ sông là nơi mua bán gạo của người dân, gọi là chợ Gạo. Người Pháp lấy địa danh này lập quận Chợ Gạo, thuộc tỉnh Mỹ Tho, kênh đào xong sau đó cũng mang tên Chợ Gạo. Năm 1900, Công ty Messageries Fluviales đã đưa tàu khách vào hoạt động trên tuyến kênh này.
Có an cư mới lạc nghiệp
Sau nhiều năm cải tạo, kênh Chợ Gạo hiện dài 28,5km, đi qua huyện Châu Thành (Long An) và huyện Chợ Gạo, thị xã Gò Công, huyện Gò Công Tây, TP.Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang). Mỗi ngày, có trên 2.000 tàu tải trọng từ 200-1.000 tấn đi qua tuyến kênh này, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn, sạt lở hai bên bờ.
Việc nâng cấp, mở rộng kênh Chợ Gạo sẽ góp phần đưa nông sản từ miền Tây lên TP.HCM nhanh hơn
Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang - Trần Văn Bon cho biết, 6 năm trước, kênh được nâng cấp giai đoạn 1, kinh phí hơn 780 tỉ đồng. Cuối năm 2021, dự án nạo vét, mở rộng luồng đường thủy gần 10km, xây công trình bảo vệ bờ Nam kênh, cầu và đường đi qua các xã: Bình Phục Nhứt, Bình Phan và thị trấn Chợ Gạo được xúc tiến, tổng vốn hơn 1.300 tỉ đồng. Sau cải tạo, đoạn luồng kênh sẽ sâu thêm 3,5m, rộng 50m giúp tàu thuyền di chuyển thuận lợi.
Hiện chính quyền địa phương đã bồi thường, xây 5 khu tái định cư để ổn định đời sống cho trên 700 hộ dân. Tại xã Bình Phục Nhứt, dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 hiện đã áp giá đền bù trên 70%, với trên 300 hộ dân bị ảnh hưởng. Hiện 269 hộ đã nhận tổng số tiền trên 160 tỉ đồng. Địa phương đang xúc tiến 2 khu tái định cư cho người dân, mỗi khu trên 3ha.
Buổi chiều, khu vực dọc bờ kênh Chợ Gạo tại ấp Bình Khương 2, xã Bình Phục Nhứt những ngày này nhộn nhịp cảnh xe chở vật liệu. Dọc kênh, những căn nhà tường cũ kỹ phần lớn đã được dỡ bỏ, nhường đất cho dự án bờ kè. Người dân lùi vào sâu bờ kênh hàng trăm mét và xây nhà mới từ số tiền được bồi thường. Nhìn con đường đá xanh bị sạt lở nham nhở, từng hàng cừ tràm được gia cố để cứu đất, ông Nguyễn Văn Sáu cho hay: "Công trình bờ kè nhiều năm nay là ước mơ của người dân".
“Dù có vất vả, nhưng khi công trình bờ kè hoàn thành, người dân mới an tâm sinh sống sau mấy chục năm chạy lở, như ông bà mình nói có an cư mới lạc nghiệp” - ông Sáu nói./.
(còn tiếp)
Thanh Nga - Thường Sơn
Bài 5: Cần quan tâm đầu tư cho đường thủy