Tiếng Việt | English

10/05/2022 - 11:20

Bên những dòng kênh đào huyền thoại (Bài 2)

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 100 trục kênh cấp 1, dài 6.500km cùng hơn 36.000km kênh cấp 2, 3. Bình quân mỗi kilômét vuông ở miền Tây có khoảng 1,4km kênh đào. Từ một vùng hoang hóa kém phát triển, trong vòng 200 năm (từ năm 1700 đến 1930), nơi này có trên 40 kênh đào lớn, nhỏ do triều đình phong kiến lẫn người Pháp thi công. Các kênh này có vai trò quan trọng là thông thương, đưa nước ngọt vào đồng ruộng để nâng cao năng suất mùa vụ. Chúng tôi đã có chuyến hành trình dọc theo những dòng kênh lịch sử, từ Bảo Định, kênh đào đầu tiên thời phong kiến ở miền Nam, đến những dòng kênh có vai trò “thủy lộ” như Vĩnh Tế, Xà No, Chợ Gạo, Dương Văn Dương để kể lại câu chuyện khai hoang, trị thủy của bậc tiền nhân hàng trăm năm trước.

Bài 2: Thoại Ngọc Hầu và kỳ tích Vĩnh Tế hà

Ngày nay, đi từ ngã ba sông Châu Đốc (An Giang) đến sông Giang Thành (Kiên Giang), nhìn dòng Vĩnh Tế dài 87km nằm sát Quốc lộ N1 thẳng tắp như kẽ chỉ, khó có thể tưởng tượng con kênh huyền thoại này được đào tay chỉ với cuốc, thuổng bởi hơn 80.000 người trong suốt 5 năm, là kênh đào quy mô nhất thời phong kiến.

 

“Bảo hộ Thoại” và hành trình 5 năm đào kênh Vĩnh Tế

Giữa trưa nắng như thiêu đốt, đoàn khách từ Hà Nội dừng trước lăng Thoại Ngọc Hầu tại phường Núi Sam, TP.Châu Đốc để thăm viếng, thắp hương. Nơi này còn được gọi là “Sơn lăng”, nằm sát chân núi Sam, được công nhận Di tích quốc gia năm 1997. Sau khi băng qua bậc tam cấp bằng đá ong cổ kính, khách sẽ gặp sân lăng rộng, hai cổng ra vào, phía trong là mộ Thoại Ngọc Hầu cùng 2 phu nhân. Bên trên khu vực đền thờ là pho tượng bán thân uy nghi của vị công thần triều Nguyễn.

Lăng mộ Thoại Ngọc Hầu

Thoại Ngọc Hầu tức Nguyễn Văn Thoại (1761-1829), quê Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Thiếu thời, do quê nhà đang giữa lúc Trịnh Nguyễn phân tranh, cùng với Tây Sơn nổi dậy, năm 14 tuổi, ông theo mẹ và 2 em vào Nam lánh nạn, định cư tại làng Thới Bình, cù lao Dài (nay là huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long). Năm 16 tuổi, ông bắt đầu đầu quân triều Nguyễn, những năm sau đó lập được nhiều chiến công. Trong 52 năm phục vụ triều Nguyễn, ông đã 7 lần sang Xiêm La, 2 lần sang Lào và 11 năm giữ trọng trách bảo hộ Cao Miên.

Do vậy, dân gian hay gọi ông là “bảo hộ Thoại”. Theo Quốc triều chánh biên toát yếu, từ năm 1816, khi thành Châu Đốc được đắp xong và tâu lên, vua Gia Long xem địa đồ miền Châu Đốc đã có ý định đào một con kênh nối Châu Đốc đến Hà Tiên. “Xứ này nếu mở đường thủy thông với Hà Tiên thì hai đàng nông thương đều lợi. Trong tương lai dân đến ở càng đông, đất mở càng rộng, sẽ thành một trấn to vậy”.

Năm 1817, bảo hộ Thoại nhậm chức trấn thủ Vĩnh Thanh. Hai năm sau, vua truyền cho Gia Định thành lo việc đào kinh từ Châu Đốc thông ra Hà Tiên, ông được lệnh chỉ huy công trình. Tuy nhiên, do gặp năm hạn hán cộng với nhân công khan hiếm nên việc đào kênh phải bị gián đoạn đến 3 lần. Theo mô tả của cố học giả Nguyễn Văn Hầu trong Thoại Ngọc Hầu và công cuộc khai phá miền Hậu Giang, thời này, do phương tiện đo đạc chưa có, muốn cho kênh được ngay thẳng, người ta đợi lúc ban đêm rẽ sậy rạch hoang, đốt đuốc trên đầu những cây sào rồi nhắm theo đường thẳng mà cắm. Muốn điều khiển những cây “sào lửa” ấy thật ngay hàng, người ta cầm một cây rọi to, đứng trên cao phất qua phất lại ra hiệu cho người cầm sào tìm đúng vị trí.

Kênh Vĩnh Tế đoạn qua xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang

Có thể tưởng tượng khu vực kênh Vĩnh Tế xưa như một “đại công trường” với hơn 80.000 dân binh người Việt lẫn người Khmer. Để kênh sớm hoàn thành, dân binh phải làm thâu đêm. Gặp phải đoạn gần núi có nhiều đá, nhân công phải dùng thuổng sắt lưỡi dày, sử dụng vồ đóng xuống phá đá. Nhiều người kiệt sức, buồn ngủ, lỡ tay đập chày vồ vào đầu nhau mà chết. Thời này còn rừng thiêng nước độc, mãnh thú nhiều, nhân công vừa bị rắn độc cắn, cọp rình vồ tha đi lẫn bệnh tật, nhiều người vì thế bàn nhau đào tẩu. Những kẻ bị bắt lại sẽ có số phận tù đày, khổ sai “sống không bằng chết”, những người chạy thoát một phần lạc vào rừng hoang, bị thú dữ ăn thịt hoặc chết đói. Số người may mắn còn lại thoát về đến mé sông Vàm Nao. Thời đó, sông tuy nhỏ nhưng sâu, cá mập vào trú ngụ nhiều vô kể. Để qua sông, nhóm người chặt thân chuối làm phao nổi, túm tụm nhau cùng bơi một lượt để hạn chế bị cá mập ăn.

Vậy mà, cứ 10 người bơi qua sông chỉ còn sống sót được năm ba người, có người bị cá cắn cụt mất chân, tay. Việc đào kênh mất đến 5 năm, từ tháng Chạp năm 1819 đến tháng 5 năm 1824. Kênh đào xong dài 87km, rộng 30m, độ sâu trung bình khoảng 2,55m. Tuy nhiên, do một số đoạn lợi dụng các đầm nước có sẵn, nên chiều dài thi công thực tế chỉ có 37km. Theo một số tài liệu ghi nhận, số người chết do dịch bệnh, tai nạn trong quá trình đào kênh phải lên đến 6.000 người.

Vua Minh Mạng vì để ghi nhận công lao của Thoại Ngọc Hầu, đã lấy tên của phu nhân ông - bà Châu Vĩnh Tế đặt làm tên kênh. Đến năm 1835, Vĩnh Tế hà vinh dự được chạm trên cửu đỉnh, 1 trong 9 đỉnh bằng đồng đặt tại Hoàng thành Huế.

Ngày nay, ai có về miệt An Giang sẽ nghe câu hát dân gian truyền miệng: “Nước kinh Vĩnh Tế lờ đờ, Nhớ ông Bảo hộ cắm cờ chiêu an” như một sự tưởng nhớ về công lao của vị võ quan tài đức một thời.

Nhịp sống mới bên dòng Vĩnh Tế

Những ngày cuối tháng 3, đang buổi nước ròng, nước kênh bỏ bãi xa gần 2m. Ở bên kia kênh, cánh đồng nước bạn vàng rực, đang vào mùa thu hoạch. Hai bên bờ kênh, từng đàn trâu hàng trăm con đang trầm mình dưới sông tránh nóng. Phía trên, hàng thốt nốt xanh mướt cũng đang vào mùa say quả, là nguồn thu nhập đáng kể của người dân địa phương.

Vừa thu hoạch xong 2ha lúa Đông Xuân cặp kênh Vĩnh Tế, bà Lê Thị Hồng Vững (47 tuổi, ấp Đông Hưng, xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên) tươi cười nói, mùa này lúa trúng, năng suất gần 10 tấn/ha. Ruộng lúa của bà Vững đã được thương lái đặt cọc với giá hơn 6.000 đồng/kg. “Năm nay, do giá phân bón tăng nên nhiều nông dân chỉ có lãi chút ít. Tuy nhiên, vẫn còn đỡ hơn nhiều người khác đang trong đợt dịch bệnh Covid-19 hoành hành” - bà Vững lạc quan.

Kênh Vĩnh Tế đoạn đầu tại TP.Châu Đốc

Sau gần 200 năm, kênh Vĩnh Tế nhiều đoạn bị bồi lắng, mùa khô gây khó khăn cho tàu thuyền, đoạn kênh cạn nhất thuộc xã An Phú (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang). Phó Chủ tịch UBND xã An Phú - Nguyễn Văn Thành cho biết, kênh Vĩnh Tế qua địa bàn ấp Phú Nhứt, Phú Tân, dài trên 4,5km. Đáng chú ý là có khoảng 2km lòng kênh có đá ngầm rất nguy hiểm cho tàu, thuyền. Toàn xã có trên 400ha lúa 2 vụ lẫn cây ăn trái, nhiều vụ ghe mắc cạn giữa lòng kênh, bị lật ngang, lúa đổ hết xuống kênh.

“Từ năm 1997 đến nay mới chỉ một lần duy nhất kênh Vĩnh Tế được nạo vét quy mô” - ông Thành nói. Đầu năm ngoái, dự án “Nâng cấp, cải tạo tuyến kênh Vĩnh Tế thuộc hệ thống thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên thích ứng với biến đổi khí hậu” được triển khai. Công trình có tổng vốn 200 tỉ đồng cho 46km đoạn kênh cần nạo vét, sau cải tạo bảo đảm đáy kênh rộng 35m, sâu 3,5m, tổng chiều sâu 7m.

Hiện dự án trong giai đoạn cuối, điểm đặc biệt của dự án này là bùn, cát tận thu được dưới lòng kênh sẽ được máy bơm vào các bãi tập kết ven kênh. Lượng vật tư quan trọng này sẽ được các xã đưa về làm các tuyến dân cư, về lâu dài sẽ di dời các hộ dân còn sống tạm ven kênh lên tuyến nhằm ổn định cuộc sống.

“Không chỉ là tuyến đường giao thông huyết mạch, thông thương hàng hóa và phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, kênh Vĩnh Tế còn có vai trò tối quan trọng là sự khẳng định chắc chắn chủ quyền của Tổ quốc, không phải ngày này mà đã từ 200 năm trước” - học giả Trần Văn Đông, Hội Khoa học - Lịch sử tỉnh An Giang, khẳng định./.

(còn tiếp)

Thanh nga - Thường Sơn

Bài 3: Trăm năm "con đường lúa gạo" Xà No

Chia sẻ bài viết