Những đổi thay đó là minh chứng cho thấy chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) phát huy hiệu quả. Đến nay, xã cơ bản đạt 14/19 tiêu chí. Năm 2017, nghị quyết Đảng ủy đề ra mục tiêu hoàn thành 3 tiêu chí nữa và phấn đấu về đích NTM vào năm 2019.
Bộ mặt nông thôn Bình Hòa Trungkhởi sắc với nhiều công trình phúc lợi xã hội được nâng cấp, xây mớiNhững công trình của “ý Đảng - lòng dân”
Để xây dựng thành công xã NTM, Đảng ủy xã xác định việc đầu tiên là phải nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời dựa vào dân, khơi dậy sức dân khi thực hiện các công trình. Muốn làm được điều này, xã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Qua đó, giúp người dân nhận thấy, XDNTM là chủ trương đúng đắn và mục đích cuối cùng của chương trình là phục vụ tốt hơn cuộc sống của người dân.
Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Bình Nam - Nguyễn Thị Mộng Việt cho biết: “Cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện tham gia phong trào, cán bộ, đảng viên luôn là người tiên phong, gương mẫu để người dân thấy đó mà làm theo. Đối với những hộ dân sống cặp lộ và bị mất quá nhiều đất, ban ấp vận động các hộ ở xa hơn góp tiền hỗ trợ một phần. Còn đối với những hộ chưa đồng thuận, tổ vận động, trong đó nòng cốt là lực lượng đảng viên, đến từng nhà để phân tích, giải thích cho họ hiểu, bởi được hưởng lợi trực tiếp từ chương trình XDNTM cũng chính là người dân”.
Với những cách làm linh hoạt, sáng tạo và kiên trì trong vận động, thuyết phục, những năm qua, người dân trong xã hiến hàng chục ngàn mét vuông đất, đóng góp hàng trăm triệu đồng và ngày công để xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường giao thông và đê bao thủy lợi nội đồng. Đến nay, tất cả tuyến đường giao thông nông thôn trong xã đều được mở rộng, thông thoáng. Người dân khi đi học, đi làm hay đi thăm đồng đều có thể sử dụng xe máy, không còn phải phụ thuộc vào ghe, xuồng như trước nữa.
Có mặt tại tuyến đường Cây Khô Lớn, không khó để chúng tôi nhận ra sự vui mừng của người dân khi con đường vừa được hoàn thành. Tuyến đường này có chiều dài hơn 3km, nối từ ấp Bình Nam về ấp Hương Trang và liên thông đến một số ấp khác. “Chỉ cách đây vài tháng, tuyến đường này còn rất nhỏ, hẹp và lầy lội, đi xe máy có khi phải dẫn bộ. Vào mùa mưa, người dân trong các ấp muốn ra đường lớn phải vòng qua đường khác hoặc đi bằng ghe, xuồng. Giờ đây, tuyến đường được mở rộng, trải đá sạch sẽ, người dân phấn khởi vô cùng!” - chị Lê Thị Kim Loan (SN 1979), ngụ ấp Bình Nam, bộc bạch.
Đường Cây Khô Lớn được mở rộng, trải đá từ sự đồng thuận cao của nhân dânSản xuất nông nghiệp còn gặp khó khăn
Đường sá được mở rộng, hệ thống thủy lợi được khơi thông, đê bao được xây dựng tương đối hoàn chỉnh là điều kiện thuận lợi cho người trong sản xuất và vận chuyển hàng hóa, nông sản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong năm 2017, do thời tiết diễn biến bất thường, triều cường lên nhanh, nước lũ về sớm làm ảnh hưởng đến năng suất lúa Hè Thu. Việc xen canh và chuyển đổi cây trồng gặp khó khăn, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, xã vận động xây dựng trạm bơm điện ở 2 ấp Hương Trang và Bình Nam, phục vụ diện tích 400ha, với 127 hộ dân. Đồng thời, triển khai xây dựng trạm bơm điện ấp Bình Đông (đoạn từ Đường Bàn đến Cả Dứa), với 365 hộ dân tham gia, phục vụ diện tích trên 500ha. Đến nay, trên địa bàn xã khép kín được 10 khu đê bao (còn 4 khu chưa khép kín), với tổng diện tích khoảng 1.520ha.
Đặc biệt, nhằm phòng, chống và hạn chế những thiệt hại do lũ về sớm, xã vận động nhân dân đắp 31 đập, gia cố đê bao, bờ bao với tổng chiều dài 10km, trong đó, nhân dân đóng góp 420 triệu đồng. Ngoài ra, xã vận động doanh nghiệp đầu tư bơm nước cứu lúa cho người dân, tổng giá trị trên 544 triệu đồng. Lực lượng Công an, Quân sự, thanh niên xung kích xã phối hợp thanh niên xung kích của huyện thay phiên trực 24 giờ/ngày, kịp thời khắc phục hậu quả do lũ gây ra, giúp nông dân thu hoạch những diện tích lúa ngoài đê và sửa chữa 2 căn nhà bị tốc mái.
Là xã thuần nông nhưng những năm qua, giá cả nông sản bấp bênh, đầu ra sản phẩm chưa ổn định, sản xuất nông nghiệp còn gặp khó, vì vậy, thu nhập của người dân chưa cao, số hộ nghèo, cận nghèo còn nhiều (94 hộ), ảnh hưởng đến sức đóng góp cho chương trình XDNTM. Từ thực tiễn đó, xã tập trung nhiều giải pháp: Hỗ trợ cho vay vốn lãi suất thấp, tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, dạy nghề, giới thiệu việc làm,... Qua đó, giúp người dân thoát nghèo, cải thiện thu nhập, nhất là vào mùa lũ hay những lúc nông nhàn.
Chị Mari (bìa trái) cải thiện thu nhập nhờ đan giỏ nhựaChị Mari (SN 1978), ngụ ấp Bình Nam, là một trong những hộ nghèo vừa được tham gia lớp dạy nghề đan giỏ nhựa do xã phối hợp Trường Trung cấp Nghề Đồng Tháp Mười tổ chức. Chị bộc bạch: “Gia đình không có đất sản xuất, bản thân tôi cũng không có nghề nghiệp ổn định, ai thuê gì làm nấy nên thu nhập không ổn định. Hai đứa con tôi lại đang trong tuổi đi học nên thu nhập không đủ trang trải chi phí sinh hoạt gia đình. Với công việc đan giỏ, ngoài tiền làm thuê, mỗi ngày, tôi có thể kiếm thêm khoảng 50.000-60.000 đồng”.
Đường về đích xã NTM của Bình Hòa Trung còn lắm gian nan nhưng nhờ biết dựa vào dân và khơi dậy sức dân, bộ mặt nông thôn xã Bình Hòa Trung có nhiều khởi sắc. Đây cũng là “chìa khóa” để xã tiếp tục thực hiện 5/19 tiêu chí còn lại, phấn đấu hoàn thành chương trình XDNTM đúng lộ trình./.
Từ đầu năm đến nay, xã tập trung thực hiện 3/3 công trình xây dựng cơ bản, đạt 100% kế hoạch năm 2017. Các công trình đang thi công: Hệ thống điện chiếu sáng Đường tỉnh 817; sửa chữa lộ Cái Dứa; đường bổ sung đường dẫn lên Đường tỉnh 817 (đường cặp kênh Xuyến Bình Nam). |
An Kỳ