Tiếng Việt | English

05/10/2015 - 16:28

MỘT CỬA ĐIỆN TỬ

Bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính

Đến nay, việc triển khai thực hiện mô hình một cửa điện tử trên địa bàn tỉnh Long An đã tạo hiệu quả rõ nét trong giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức theo đúng quy định của pháp luật. Qua đây, góp phần hướng đến mục tiêu xây dựng một nền hành chính điện tử hiện đại, hạn chế được sự phiền hà của người dân và doanh nghiệp khi đến giao dịch tại các cơ quan công quyền.

 Từng bước xây dựng nền hành chính điện tử

Đánh giá tại Hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính Nhà nước, giai đoạn 2011-2015, Giám đốc Sở Nội vụ - Trịnh Việt Hồng khẳng định, qua 5 năm triển khai thực hiện nội dung, giải pháp cải cách hành chính đã tác động và chuyển biến tích cực đến việc thực hiện cơ chế, chính sách của tỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền các cấp, góp phần quan trọng vào việc ổn định và phát triển KT-XH của tỉnh.


Tính ưu việt của mô hình một cửa điện tử là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính

Tính ưu việt trong công tác cải cách TTHC thông qua mô hình một cửa điện tử chính là việc ứng dụng CNTT vào giải quyết công việc. Không chỉ tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ứng dụng thành thạo công nghệ tin học, mô hình này còn giúp khách hàng tìm hiểu và làm quen với cách làm mới này. Chỉ cần vài cái nhấp chuột trên máy tính, khách hàng có thể biết tình trạng hồ sơ của mình.

Đặc biệt, để từng bước hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước, cùng với tập trung xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng nhu cầu trong hoạt động, tỉnh còn tích cực triển khai sử dụng hệ thống một cửa điện tử đến chính quyền địa phương các cấp và sở, ngành tỉnh. Sau thời gian đi vào hoạt động, mô hình một cửa điện tử ở Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại các cơ quan công quyền bước đầu mang lại hiệu quả, được người dân đồng tình và là bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong 5 năm trở lại đây.

Đến nay, 15/15 UBND cấp huyện và 192/192 UBND cấp xã đã triển khai sử dụng hệ thống một cửa điện tử, phục vụ công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC. 6/19 đơn vị sở, ngành tỉnh đã ứng dụng phần mềm một cửa điện tử trong công tác giải quyết TTHC, đạt tỷ lệ 32%. Trong đó, hệ thống một cửa điện tử của UBND cấp huyện và có 3 sở, ngành tỉnh đã tích hợp với hệ thống một cửa điện của tỉnh, cung cấp thông tin tra cứu trình trạng giải quyết hồ sơ cho tổ chức, cá nhân. Riêng cổng thông tin một cửa điện tử của tỉnh (http://motcua.longan.gov.vn) giúp tổ chức, người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu trình trạng giải quyết hồ sơ với nhiều hình thức khác nhau thông qua website, điện thoại, tin nhắn,... góp phần giảm thời gian, chi phí đi lại.

Song song đó, nhằm hướng đến một nền hành chính hiện đại, tỉnh còn sử dụng các phần mềm dùng chung như: Quản lý cán bộ, công chức, viên chức; quản lý khiếu nại, tố cáo; quản lý hộ tịch đã được triển khai sử dụng đồng bộ, liên thông trong các cơ quan hành chính. Tất cả TTHC từ cấp tỉnh đến cấp xã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến tối thiểu ở mức độ 2 và toàn tỉnh có 7 đơn vị cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 thuộc các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, báo chí, xuất bản, giáo dục - đào tạo và giao thông - vận tải.

Hiệu quả bước đầu

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến bộ phận một cửa điện tử của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh là không gian thoáng mát và yên tĩnh. Những dãy ghế chờ dành cho khách hàng đến liên hệ công việc được bố trí khá hợp lý. Đặc biệt là cách sắp xếp, bày trí quầy giao dịch và chỗ làm việc tương đối gọn gàng, ngăn nắp.

Phó Chánh Văn phòng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh - Trần Vĩnh Thái cho biết: “Sau 9 tháng đi vào hoạt động, bộ phận một cửa điện tử đã phát huy hiệu quả và được khách hàng là các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đánh giá khá cao trong công tác giải quyết TTHC. Tính ưu việt trong công tác cải cách TTHC thông qua mô hình một cửa điện tử chính là việc ứng dụng CNTT vào giải quyết công việc. Không chỉ tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ứng dụng thành thạo công nghệ tin học, mô hình này còn giúp khách hàng tìm hiểu và làm quen với cách làm mới này. Chỉ cần vài cái nhấp chuột trên máy tính, khách hàng có thể biết tình trạng hồ sơ của mình”.

“Từ khi Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh thực hiện một cửa điện tử, tôi thấy nơi làm việc ở đây hiện đại, thoáng mát, lịch sự hơn, thái độ phục vụ vui vẻ, nhiệt tình. Chúng tôi không phải mất thời gian đi lại nhiều lần khi đến giải quyết TTHC như trước. Để biết được tiến độ giải quyết hồ sơ, thủ tục của mình chỉ cần gọi điện thoại hoặc tra cứu thông tin trên internet thì rõ” - Trưởng phòng Tổng vụ Công ty TNHH Vina Eco Board (xã An Thạnh, huyện Bến Lức) - Phan Tấn Định, khách hàng thường xuyên đến giao dịch tại Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chia sẻ.

Theo thống kê của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, từ đầu năm đến ngày 30-8-2015, ban đã tiếp nhận 1.222 hồ sơ các loại, đã giải quyết 1.143 hồ sơ, trong đó, giải quyết trước hạn trên 90% hồ sơ. Điều đáng nói là tất cả thông tin về trình trạng giải quyết hồ sơ được các bộ phận liên quan cập nhật kịp thời từ khâu tiếp nhận, thụ lý và trả kết quả hồ sơ để chủ động theo dõi trên hệ thống để khách hàng bổ sung hoặc nhận kết quả hồ sơ trước mà không cần đến ngày hẹn theo giấy hẹn đến nhận kết quả. Phấn đấu đến cuối năm nay, ban sẽ triển khai dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 cho một số thủ tục trong lĩnh vực xây dựng, môi trường và lao động, góp phần giảm tối đa chi phí thời gian cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC.

Có thể nói, hiệu quả bước đầu mang lại trong khai thác, sử dụng một cửa điện tử như hiện nay, phần nào đã chứng minh rằng, việc ứng dụng CNTT đã và đang góp phần thúc đẩy công tác cải cách hành chính nhà nước ở Long An, tiến tới xây dựng một nền hành chính dân chủ, hiện đại, phục vụ tốt cho công cuộc xây dựng và phát triển KT-XH địa phương./.

Hữu Bằng

Chia sẻ bài viết