Ca sĩ Minh Thuận qua đời: Nhớ một giọng ca lãng tử
Minh Thuận sinh năm 1969 là ca sĩ kiêm diễn viên được yêu thích suốt 20 năm qua. Anh có giọng hát nhẹ nhàng, tình cảm cùng phong cách trình diễn trẻ trung, lãng tử.
Minh Thuận thời trên đỉnh cao nghề ca (thập niên 90) - Ảnh tư liệu
Đại diện gia đình ca sĩ Minh Thuận cho biết, Minh Thuận qua đời lúc 8 giờ 15 phút sáng 18/9 tại bệnh viện. |
Minh Thuận tên thật là Nguyễn Minh Thuận, sinh ngày 12/9/1969, là ca sĩ kiêm diễn viên điện ảnh.
Từ đầu thập niên 90 thế kỷ thước, Minh Thuận kết hợp với Nhật Hào thành đôi song ca ăn ý, được nhiều khán giả yêu thích.
Cả hai từng ghi dấu đậm nét qua loạt album nhạc Hoa lời Việt - Chàng trai Beijing, là hiện tượng của thị trường băng đĩa, biểu diễn thời đó.
Ngoài nhạc Hoa lời Việt, cặp đôi Minh Thuận - Nhật Hào cũng được yêu thích với rất nhiều ca khúc như: Chiếc thuyền nan, Cô bé dỗi hờn, Mong đợi ngậm ngùi, Chỉ còn trái tim...
Một album của Minh Thuận - Nhật Hào - Ảnh tư liệu
Năm 1996, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, Minh Thuận và Nhật Hào tách nhóm, để lại nhiều tiếc nuối cho người hâm mộ. Nhật Hào sau đó đi định cư tại nước ngoài.
Trên chặng đường hát đơn, Minh Thuận lao động rất tích cực với các album Tình đầu chưa nguôi, Lời chúc phúc (1996), Nụ hôn biệt ly 1 & 2 cùng Sỹ Ben, Trả nợ tình xa (1997), Rêu phong (1999), Ta chẳng còn ai (1999, thu chung với Phương Thanh), Mùa hạ mãi xa (2000), Tình phiêu lãng (2001), Lời cầu nguyện (2002, cùng Mỹ Tâm), Người phương xa (2002), Ngày thơ ấu đã xa (2003), Chiếc bóng (2004).
Minh Thuận và Nhật Hào là cặp song ca lừng lẫy thập niên 90 với thương hiệu album Chàng trai Beijing - Ảnh tư liệu
Thời điểm năm 2000 được coi là “thịnh” đối với Minh Thuận khi anh miệt mài chạy show từ Bắc chí Nam, đã vậy còn bén duyên bên kịch nói với vai diễn đầu tiên (Yêu Thầy - Sân khấu 5B).
Vai thầy Tuấn mang đến ấn tượng tốt cho khán giả, giúp Minh Thuận được khán giả yêu mến hơn bởi vai diễn gần như con người thật của anh ngoài đời: hiền lành, nhân hậu.
Với bước khởi đầu thuận lợi đó, Minh Thuận bắt đầu nhận thêm nhiều vai khác trong các vở kịch: Chùa đàn, Đóa hồng gai, Vinh quang và hư ảo, Tôi là ai. Mỗi vai diễn là một chân trời mới giúp anh khám phá bản thân và phải hi sinh nhiều bên lĩnh vực ca nhạc để dành cho kịch nói.
Hoạt động sôi nổi, cật lực, gần như ăn - ngủ luôn trên xe khiến sức khỏe anh bị sa sút, dẫn đến tai biến lần một. “Trận” bệnh này khiến anh bị giảm thính lực, việc ca hát từ đó gần như ngưng hẳn.
Minh Thuận hóa thân thành NSƯT Xuân Hinh với trích đoạn Thị Mầu lên chùa trong chương trình Gương mặt thân quen 2014 - Ảnh: TTD
Năm 2014, Minh Thuận tham gia chương trình Gương mặt thân quen và giành ngôi Á quân. Đó cũng là lần khán giả thấy Minh Thuận hát nhiều nhất trên sân khấu.
Bởi những năm sau này, Minh Thuận hầu như chuyển hẳn sang công việc đóng phim, tham gia sản xuất phim, casting diễn viên cho các đoàn phim.
Minh Thuận (thứ hai từ phải sang) - đoạt á quân Gương mặt thân quen 2014 - Ảnh: T.T.D
Q.N./Tuổi trẻ
- Bất chấp thiếu chuyến bay, lượng khách du lịch Nga đến Việt Nam vẫn tăng mạnh (09/01)
- Đờn ca tài tử Nam Bộ - Hành trình giữ gìn di sản: Khi Nhà nước và Nhân dân cùng làm (Bài cuối) (09/01)
- Đường làng mùa xuân (09/01)
- Toyama và Osaka lọt vào những địa điểm du lịch hàng đầu thế giới năm 2025 (09/01)
- Vở nhạc kịch 'Bông Cánh Cò': Tri ân và giữ gìn di sản âm nhạc của nhạc sĩ Bắc Sơn (08/01)
- Du lịch Tết Nguyên đán 2025: Lượng tìm kiếm chỗ ở của khách quốc tế tăng 139% (08/01)
- Ngoài thềm chim én gọi xuân (08/01)
- Đờn ca tài tử Nam Bộ - Hành trình giữ gìn di sản: Nghệ thuật do dân gìn giữ (Bài 3) (08/01)