Bánh in Long Hựu rộn ràng dịp cuối năm
Những ngày này, đến làng nghề làm bánh in Long Hựu ở huyện Cần Đước, không khó bắt gặp hình ảnh người dân hối hả chuẩn bị nguyên liệu sản xuất phục vụ thị trường dịp cuối năm. Chúng tôi đến gia đình bà Võ Thị Muội (SN 1968, ngụ xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) với thương hiệu bánh in Oanh Muội. Bà Muội chia sẻ, bà đã gắn bó với nghề này 15 năm, vừa là thu nhập chính, vừa giữ gìn truyền thống của gia đình từ nhiều thế hệ.
Sau nhiều năm gắn bó với nghề làm bánh in, bà Võ Thị Muội và chồng (xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) đã xây dựng được thương hiệu “Bánh in Oanh Muội”
“Tôi không biết chính xác nghề làm bánh in ở Long Hựu có từ bao giờ. Từ nhỏ, tôi đã thấy ông bà, cha mẹ làm nghề này, sau đó tôi phụ việc rồi được truyền nghề. Khi lập gia đình, tôi và chồng nối nghiệp đến bây giờ.
Tuy nghề làm bánh in khá cực nhưng tôi tìm được niềm vui với nó. Sản phẩm bánh in của gia đình được nhiều khách hàng ưa chuộng, “yêu” cái hương vị nên dần khẳng định thương hiệu” - bà Muội chia sẻ thêm.
Theo bà Muội, mỗi ngày, cơ sở của gia đình cung cấp ra thị trường khoảng 20 cây bánh in (mỗi cây 5 cái). Lấy công làm lời, tất cả các khâu chỉ có hai vợ chồng bà cùng làm.
Riêng những ngày cận tết, do nhu cầu thị trường tăng cao, gia đình bà phải thuê thêm nhân công mới có thể đáp ứng đủ, vừa bán được nhiều bánh, vừa tạo việc làm cho người dân dịp cuối năm.
Tuy không còn nhiều người theo nghề làm bánh in nhưng bà Võ Thị Muội (xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) vẫn kiên trì bám trụ với nghề
Được biết, dịp tết, cơ sở của gia đình bà cung cấp ra thị trường khoảng 300 cây bánh/ngày. “Vào dịp tết, khách hàng đặt mua bánh in tăng hơn ngày thường. Những cây bánh vừa để dâng cúng ông bà, tổ tiên, vừa là món quà gửi tặng bạn bè, người thân dịp năm mới” - bà Muội nói.
Để làm ra chiếc bánh in thập cẩm thơm ngon, mềm, theo bà Muội, khâu lựa chọn nguyên liệu vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, cũng cần thực hiện tốt khâu xào nhân, nhào bột và phải bảo đảm an toàn vệ sinh.
Khâu in bánh cũng cần tỉ mỉ, khéo léo, dùng sức vừa đủ để bánh in chặt và đẹp mắt, giữ được hương vị đặc trưng của bột nếp.
Thời gian qua, giá một số nguyên liệu làm bánh tăng nhưng cơ sở của bà Muội vẫn giữ giá bán ổn định 40.000 đồng/cây bánh, dù là ngày thường hay ngày tết.
Bột Long Sơn sẵn sàng phục vụ thị trường tết
Từ lâu, xã Long Sơn, huyện Cần Đước được nhiều người biết đến với làng nghề làm bột chuyên bỏ mối cho các cơ sở kinh doanh tại Chợ Lớn (TP.HCM).
Những ngày cuối năm, có dịp về lại địa phương, chúng tôi thấy được tinh thần giữ “lửa nghề” của người dân nơi đây.
Anh Nguyễn Tấn Tài và chị Lê Thị Huỳnh Như (xã Long Sơn, huyện Cần Đước) vẫn cố gắng giữ gìn và phát triển truyền thống làm bột Long Sơn
Từ năm 2007, sau nhiều năm sản xuất bột theo phương pháp truyền thống, cơ sở sản xuất bột của gia đình anh Nguyễn Tấn Tài (SN 1975, ngụ ấp 5, xã Long Sơn) đầu tư thêm máy móc để giảm công lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của khách hàng cũng như hạn chế ô nhiễm môi trường.
Theo chị Lê Thị Huỳnh Như (vợ anh Tài), gia đình chuyên sản xuất bột nếp, trước kia làm theo phương pháp thủ công nên năng suất không cao, vất vả và phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết.
Mỗi tháng, cơ sở của anh Nguyễn Tấn Tài và chị Lê Thị Huỳnh Như cung cấp ra thị trường khoảng 9 tấn bột; dịp tết có thể lên đến 12-15 tấn bột/tháng
Chị Như tâm sự: “Thời đại phát triển, nếu mình không theo kịp sẽ bị tụt lại phía sau, không cạnh tranh nổi. Hiện nay, nhờ có sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị hiện đại mà mỗi tháng, cơ sở của gia đình cung cấp cho thị trường khoảng 9 tấn bột.
Riêng thời điểm cuối năm, tết đến, nhu cầu thị trường tăng mạnh có thể lên 12-15 tấn bột/tháng”.
Hiện nay, cơ sở sản xuất bột của vợ chồng anh Tài cung cấp ra thị trường với giá 30.000 đồng/kg, nếu giá nguyên liệu thay đổi không quá nhiều thì gia đình vẫn giữ giá bột ổn định.
Thời điểm vào vụ cuối năm, nhiều gia đình, cơ sở làm các loại bánh như bánh ít, trôi nước,... và các loại mứt gia tăng sản lượng nên giá một số nguyên liệu đầu vào có thể tăng, gia đình anh Tài, chị Như phải thu mua dự trữ trước nguyên liệu làm bột nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng và nhu cầu thị trường dịp tết.
Cách làm bột nhiều nơi có thể giống nhau nhưng mỗi nơi sẽ có những bí quyết riêng để bột lâu không bị cứng. Được biết, sản phẩm bột nếp của gia đình anh Tài và chị Như đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Chiếu lác Tân Trụ mong chờ dịp tết
Không ai biết có từ bao giờ, đã qua hàng trăm năm, những sản phẩm chiếu lác bền, đẹp tại làng nghề dệt chiếu ở xã Tân Bình, huyện Tân Trụ luôn được thị trường tin tưởng, xuất hiện tại khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Về thăm làng nghề những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp gặp bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh (SN 1973, ngụ ấp 3, xã Tân Bình), kế thừa nghề dệt chiếu của gia đình đã 40 năm.
Trò chuyện cùng chúng tôi, bà Trinh cho biết, tuy hiện nay thị trường có nhiều loại chiếu khác nhau làm bằng tre, nhựa,... nhưng những chiếc chiếu được dệt từ lác vẫn được nhiều người ưa chuộng.
Nhờ có máy móc, mỗi ngày, bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh (xã Tân Bình, huyện Tân Trụ) có thể dệt khoảng hơn 30 chiếc chiếu
Gắn liền với công cuộc khai hoang, mở đất của người Việt ở vùng đất Long An, trải qua bao thăng trầm, đến nay, dệt chiếu lác là một trong những nghề có truyền thống lâu đời.
Mặc dù không còn quá nhiều người theo nghề dệt chiếu nhưng những năm gần đây, nhờ áp dụng máy móc vào sản xuất nên sản lượng chiếu cung cấp ra thị trường vẫn ổn định.
Theo bà Trinh, trước đây, người dân đều dệt chiếu thủ công. Một người có tay nghề cao dệt tối đa khoảng 5 chiếc/ngày. Còn hiện nay, nhờ có máy móc, mỗi ngày có thể dệt trên 30 chiếc chiếu, từ đó tiết kiệm thời gian, tăng năng suất, thu nhập cũng được cải thiện nhiều so với trước kia. “Lấy công làm lời, nhà tôi tự trồng lác nên đỡ rất nhiều trong khoản chi phí nguyên liệu đầu vào và không sợ bị thiếu. Hiện nay, trên thị trường loại chiếu trơn (1,2x2m) có giá khoảng 30.000 đồng/chiếc, còn với chiếu màu (1,6x2m) thì khoảng 150.000 đồng/chiếc” - bà Trinh cho hay.
Cuối năm cũng là lúc nhiều gia đình mua sắm những tấm chiếu mới, nhu cầu sẽ tăng cao nên những người theo nghề này cũng tất bật chuẩn bị lác, bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào.
Theo bà Trinh, gia đình bà dệt chủ yếu là chiếu trơn. Kỹ thuật dệt chỉ dùng sợi lác trắng, người chuồi sợi thực hiện đan xen theo tuần tự một sợi gốc, một sợi ngọn đảo chiều nhau, cứ thế cho đến khi hoàn thành sản phẩm.
Hiện nay, nhờ có sự hỗ trợ của máy móc, công việc này trở nên đơn giản và nhanh hơn nhiều.
Mỗi dịp tết đến, xuân về, các làng nghề lại nhộn nhịp hơn, tất bật chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường. Qua đây cũng góp phần tạo thêm công ăn, việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trong những ngày cuối năm./.
Khánh Duy - Thu Thảo