Tiếng Việt | English

12/12/2023 - 08:38

Bảo đảm an toàn thực phẩm dịp cuối năm

Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 đang đến gần, thời điểm này, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Long An bắt đầu chuẩn bị lượng hàng hóa lớn phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), vì sức khỏe người dân, các đơn vị chức năng đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên thị trường.

Các ngành chức năng tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm

Các ngành chức năng tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm

Nỗi lo thực phẩm “bẩn”

Bảo đảm ATTP có vai trò quan trọng vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Qua khảo sát trên thị trường có thể thấy, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch của người dân ngày càng cao.

Đặc biệt là thời điểm cuối năm, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán gần kề thì vấn đề bảo đảm ATTP luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người dân.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm. Dạo quanh một số chợ truyền thống, hàng hóa được bày bán đa dạng, từ các mặt hàng tươi sống như thịt, cá, rau, củ, quả đến những mặt hàng bánh, kẹo, nước ngọt, bia, rượu phục vụ thị trường.

Bên cạnh nhiều mặt hàng quen thuộc của các thương hiệu lớn, nguồn gốc, hạn sử dụng rõ ràng, mẫu mã đẹp, đâu đó vẫn còn tình trạng hàng hóa không bảo đảm chất lượng, không có nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) chia sẻ: “Là người nội trợ nên việc chuẩn bị thực phẩm an toàn cho gia đình là mối quan tâm hàng đầu của tôi. Trong dịp cuối năm và mùa tết thì việc bảo đảm ATTP lại trở thành nỗi lo, bởi đây là khoảng thời gian thị trường sôi động nhất trong năm.

Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận đã bán các loại thực phẩm “bẩn”, nhập lậu, hàng nhái, không rõ nguồn gốc,... làm tăng nguy cơ gây ngộ độc và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng”.

Các ngành chức năng tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm

Các ngành chức năng tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm

Dịp cuối năm bận rộn, nhiều chị em lựa chọn hình thức mua sắm thực phẩm trực tuyến (online) để tiết kiệm thời gian, công sức và đặt niềm tin về ATTP vào người bán hàng trên mạng. Từ thịt, cá, hải sản tươi sống cho đến rau, trái cây,... chỉ cần dạo chợ online và đặt hàng là có thể mua được mọi thứ.

“Hình thức mua sắm online thu hút người tiêu dùng mọi lứa tuổi, bởi sự tiện lợi, sản phẩm đa dạng. Tuy nhiên, khi mua thực phẩm online, hầu hết người tiêu dùng đều lựa chọn dựa trên hình ảnh được chụp và theo cảm tính.

Là tín đồ mua sắm online, tôi từng mua phải thực phẩm “bẩn”, chất lượng không giống như quảng cáo. Theo tôi, khi mua hàng online, cần lưu ý lựa chọn những trang web, người bán uy tín, nhận được nhiều phản hồi, đánh giá tích cực từ người tiêu dùng”.

Người dân cần cẩn trọng khi lựa chọn các loại mứt không rõ nguồn gốc, màu sắc sặc sỡ

Người dân cần cẩn trọng khi lựa chọn các loại mứt không rõ nguồn gốc, màu sắc sặc sỡ

Nắm bắt được tâm lý, nhu cầu mua và sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng, ông Lê Ngọc Cường - chủ tiệm tạp hóa tại ấp Đồng Tâm, xã Long Trạch, huyện Cần Đước, luôn ưu tiên kinh doanh hàng Việt Nam chất lượng cao.

Ông Cường chia sẻ: “Bánh, kẹo, thực phẩm, rượu, bia, nước giải khát là những mặt hàng không thể thiếu, không chỉ dùng cho gia đình mà còn làm quà tặng trong dịp cuối năm, dịp tết. Vì vậy, khi nhập hàng, tôi luôn ưu tiên các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng”.

Siết chặt quản lý

Nhằm bảo đảm ATTP trong thời điểm cuối năm, nhất là dịp tết, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tham mưu xây dựng kế hoạch bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ, hội xuân 2024; đẩy mạnh công tác bảo đảm ATTP, phòng, chống ngộ độc trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo tổ chức triển khai đợt thanh, kiểm tra, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh - Đoàn Thanh Chiến thông tin: “Các hoạt động chủ yếu tập trung vào truyền thông thay đổi nhận thức, hành vi của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; phổ biến kiến thức trong việc lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.

Trong đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn nâng cao kiến thức về ATTP cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP; điều kiện ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; điều kiện ATTP của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống; chất lượng, an toàn của thực phẩm; nguồn gốc, xuất xứ; đăng ký bản công bố hay tự công bố sản phẩm; ghi nhãn; lấy mẫu xét nghiệm;...”.

Hoạt động giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm cũng được chú trọng. Các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh đến cơ sở tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều, có yếu tố nguy cơ cao gây mất ATTP, các cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống, dịch vụ ăn uống; triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP như kiểm tra, hậu kiểm về chất lượng ATTP; kiểm tra điều kiện sản xuất, cơ sở chế biến, nhân viên làm việc tại các cơ sở chế biến, kinh doanh.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, người dân nên mua và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, xem kỹ hạn sử dụng, thông tin ghi trên sản phẩm

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, người dân nên mua và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, xem kỹ hạn sử dụng, thông tin ghi trên sản phẩm

Song song đó, các hoạt động truyền thông được đẩy mạnh nhằm giúp các nhà quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nắm rõ trách nhiệm trong việc bảo đảm ATTP; đồng thời, giúp người tiêu dùng hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình về bảo đảm ATTP.

Sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng là cơ sở để bảo đảm ATTP dịp cuối năm cũng như dịp tết gần kề. Tuy nhiên, để ngăn ngừa triệt để nguy cơ ngộ độc thực phẩm, người dân cần thực hiện theo những khuyến cáo của ngành chức năng; cần có sự lựa chọn thông minh, chỉ mua và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, xem kỹ hạn sử dụng, thông tin ghi trên sản phẩm./.

Đối tượng thanh, kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp cuối năm, dịp tết và các lễ hội. Mục tiêu cao nhất của các đoàn kiểm tra là kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về ATTP, giảm thiểu nguy cơ mất ATTP, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc tập thể, ngộ độc rượu do methanol trên địa bàn tỉnh”.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh - Đoàn Thanh Chiến

Thời điểm cuối năm, gia đình tôi thường tổ chức tiệc để mọi người trong gia đình, bạn bè sum họp. Là người chuẩn bị các bữa tiệc, tôi luôn quan tâm đến sự an toàn của bản thân và gia đình, bạn bè. Chính vì thế, tôi ưu tiên lựa chọn các loại thực phẩm sạch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Trong quá trình chế biến cũng phải bảo đảm ATTP để có những bữa tiệc vui, an toàn và ý nghĩa”.

Bà Nguyễn Thị Hương (phường 3, TP.Tân An)

Dần về cuối năm, thị trường bánh tráng bắt đầu sôi động, lượng đặt hàng cũng tăng hơn. Cùng với việc chủ động chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ thị trường, tôi luôn chú trọng đến nguồn gốc nguyên liệu, quy trình sản xuất, chế biến, chế độ bảo quản thực phẩm và các điều kiện về cơ sở vật chất, con người để bảo đảm ATTP”.

Chị Phạm Thị Hậu - Cơ sở Sản xuất bánh tráng trộn Cô Út (phường Khánh Hậu, TP.Tân An)

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết