Tiếng Việt | English

11/12/2023 - 11:44

Những đặc sản của tỉnh vào mùa

Chủ cơ sở, người dân đang tập trung các khâu chuẩn bị, sẵn sàng cung ứng những đặc sản của tỉnh đến người tiêu dùng, phục vụ thị trường dịp cuối năm cũng như Tết Nguyên đán Giáp Thìn sắp tới.

1. Từ nhiều năm qua, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An không chỉ được biết đến là một trong những địa phương năng động, sáng tạo thuộc tốp đầu của tỉnh mà còn nổi tiếng với nhiều đặc sản, tạo nên giá trị rất riêng cho vùng đất miền hạ. Nhờ thổ nhưỡng phù hợp cùng sự chịu thương, chịu khó qua những bàn tay tỉ mỉ của nông dân đã đưa cây rau màu trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của huyện.

Trở lại xã Phước Hậu, một trong những địa phương của huyện Cần Giuộc nổi tiếng với việc trồng rau màu, chúng tôi mới nhận thấy rõ những đổi thay và hiểu hơn hơn về cây trồng chủ lực tạo nên cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân nơi đây.

Rau màu cũng là một trong những “đặc sản” của huyện Cần Giuộc (Trong ảnh: Chị Nguyễn Thị Mến (ấp Trong, xã Phước Hậu) thu hoạch rau màu để chuẩn bị cho vụ rau tết)

“Chúng tôi đang thu hoạch và chuẩn bị trồng lại rau màu phục vụ dịp tết. Rau màu chủ lực ở đây là các loại rau gia vị xen canh cùng rau ăn lá, được trồng quanh năm. Dịp tết, số lượng sẽ tăng cao hơn. Tuy nhiên, mọi người sẽ nắm bắt theo thị trường cũng như tranh thủ các hợp đồng đặt trước để sản xuất các loại rau theo đơn hàng vì đây là sản phẩm tươi nên thời gian sử dụng có hạn, thường sử dụng trong ngày. Gia đình tôi đầu tư trồng rau theo quy trình an toàn, sạch, bảo đảm chất lượng và số lượng. Rau được hợp tác xã (HTX) thu mua, sau đó cung cấp cho các siêu thị, bếp ăn tập thể,...

Hy vọng, tết năm nay, giá tốt, người dân trồng rau màu sẽ có lợi nhuận cao. Gia đình tôi có 4.000m2 trồng rau màu, tất cả sản phẩm đều được HTX thu mua” - chị Nguyễn Thị Mến (ấp Trong, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) chia sẻ.

Theo Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp Sản xuất Thương mại Dịch vụ Phước Thịnh (ấp Trong, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) - Đặng Duy Dũng, các loại rau ăn lá, nhất là rau gia vị trồng tại huyện Cần Giuộc có mùi vị rất đặc trưng và là một trong những “đặc sản” của địa phương. Chúng tôi chuyển từ sản xuất nhỏ, lẻ sang tập trung, xây dựng các vùng rau chuyên canh, ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Tại đây, các thành viên HTX đều đầu tư nhà lưới, sản xuất theo hướng an toàn, thân thiện, bảo vệ môi trường, nắm chắc các nguyên tắc phòng, trừ dịch hại an toàn, biết cách sử dụng thiên địch, thuốc sinh học từ tỏi, ớt,... để trừ sâu, bệnh, góp phần tăng giá trị kinh tế. Bên cạnh đó, một số sản phẩm của HTX được công nhận OCOP, khẳng định thương hiệu HTX cũng như thương hiệu rau màu của địa phương với người tiêu dùng. Dịp cuối năm và tết sắp đến, dự kiến lượng rau màu tăng từ 10-30% so với ngày thường, các đối tác đã liên hệ, ký hợp đồng để HTX chủ động sản xuất, bảo đảm cung ứng.

“Tuy nhiên, giá một số loại rau còn hơi thấp nên chúng tôi hy vọng giá tốt hơn để các thành viên HTX, hộ liên kết có thêm lợi nhuận” - ông Đặng Duy Dũng nói.

Hiện nay, HTX Nông nghiệp Sản xuất Thương mại Dịch vụ Phước Thịnh có 34 thành viên chính thức và trên 100 hộ liên kết sản xuất. Mỗi ngày, HTX cung cấp từ 3-5 tấn rau các loại vào các hệ thống siêu thị, bếp ăn trường học, khu công nghiệp,... Để phát huy lợi thế, HTX hướng đến sản xuất hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng, giữ vững sản lượng cung cấp cho khách hàng và đặt tiêu chí an toàn thực phẩm lên hàng đầu.

2. Được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, cơ quan quản lý nhà nước đánh giá cao, sản phẩm của Cơ sở Sản xuất và Chế biến Đậu phộng Hữu Lộc (huyện Đức Hòa) có mặt tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Với ưu điểm hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, quá trình chế biến tuân thủ đầy đủ quy chuẩn an toàn, các sản phẩm từ đậu phộng của cơ sở đáp ứng nhu cầu của khách hàng, từng bước khẳng định tên tuổi, thương hiệu và góp phần đưa đặc sản của huyện Đức Hòa nói riêng, tỉnh Long An nói chung vươn xa.

Sản phẩm của Cơ sở Sản xuất và Chế biến Đậu phộng Hữu Lộc (huyện Đức Hòa) góp phần đưa đặc sản của huyện Đức Hòa nói riêng, tỉnh Long An nói chung vươn xa

Theo đại diện Cơ sở Sản xuất và Chế biến Đậu phộng Hữu Lộc, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cơ sở không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, mẫu mã, cách phục vụ,... để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Cơ sở luôn đặt uy tín, chất lượng lên hàng đầu. Nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất, có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm do ngành chức năng cấp. Cơ sở khai thác đặc sản đậu phộng của địa phương để làm nên những sản phẩm phù hợp với nhu cầu cũng như các đối tượng khách hàng khác nhau. Bình quân mỗi năm, cơ sở cung ứng ra thị trường khoảng 150-200 tấn sản phẩm làm từ đậu phộng. Sản phẩm của cơ sở có mã vạch và truy xuất được nguồn gốc để tăng độ tin cậy từ người tiêu dùng.

Ngoài việc bán hàng qua đại lý, bán lẻ, hiện Cơ sở Sản xuất và Chế biến Đậu phộng Hữu Lộc tiếp cận, khai thác thêm hình thức bán trực tuyến qua mạng hoặc các trang thương mại điện tử để có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Chuẩn bị phục vụ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, cơ sở tập trung bảo đảm nguồn hàng hóa về chất lượng cũng như số lượng (dự kiến tăng 10%). Cơ sở còn có thêm sản phẩm mới, bao bì, mẫu mã để có thể làm quà tặng dịp tết.

3. Xuất thân từ gia đình làm nghề truyền thống sản xuất lạp xưởng, sau đó chọn hướng đi riêng đã làm nên tên tuổi và khẳng định thương hiệu, 14 năm qua, lạp xưởng Cô Châu (thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước) được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Thương hiệu lạp xưởng Cô Châu nức tiếng xa gần, góp phần đưa hình ảnh cũng như những đặc sản của quê hương Cần Đước đến với nhiều khách hàng trong và ngoài huyện.

Lạp xưởng Cô Châu (thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước) chuẩn bị 5-7 tấn lạp xưởng phục vụ dịp cuối năm cũng như Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024

Lạp xưởng Cô Châu đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh. Mới đây, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam đã công nhận lạp xưởng Cô Châu là một trong 121 món ngon Việt Nam.

Chủ Cơ sở Lạp xưởng Cô Châu - Lưu Thị Kim Châu cho biết: “Quá trình sản xuất, chúng tôi ưu tiên chất lượng sản phẩm để lạp xưởng giữ được hương vị không thay đổi theo thời gian. Cơ sở chủ trương truyền thống, không chạy theo quá trình công nghiệp hóa nhưng trong quá trình sản xuất, sản phẩm phải đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của khách hàng. Chúng tôi đa dạng sản phẩm, ngoài lạp xưởng từ thịt heo còn có lạp xưởng trứng muối, lạp xưởng tôm, lạp xưởng tôm thịt vị Đài Loan,... Điều quan trọng nhất là hương vị, thương hiệu và cơ sở cũng luôn muốn rằng khi nhắc đến lạp xưởng thì người ta sẽ nghĩ ngay đến lạp xưởng của huyện Cần Đước. Mỗi tháng, cơ sở cung ứng ra thị trường từ 500-700kg lạp xưởng. Hiện nay, cơ sở chuẩn bị cung ứng sản phẩm dịp cuối năm và dịp tết sắp đến, dự kiến sẽ cung ứng từ 5-7 tấn lạp xưởng. Số lượng nhân viên của cơ sở cũng tăng so với ngày thường. Chúng tôi ra mắt thêm một vài sản phẩm mới để phù hợp làm quà tặng dịp tết”./.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết


Theo bạn ăn mít sấy có nóng không những điều cần lưu ý
Liên kết hữu ích