Chính phủ vừa có Nghị quyết thống nhất giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) về vấn đề này:
PV: Thưa ông, thực hiện Nghị quyết Chính phủ, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp sẽ có đổi mới như thế nào để thu hút người học và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động?
Ông Nguyễn Hồng Minh: Chúng tôi rà soát mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc; các Bộ ngành, địa phương tự rà soát và tổng hợp để quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Tất nhiên là cơ sở nào và trường nào hoạt động không hiệu quả thì phải sát nhập, thậm chí giải thể.
Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề
Chúng tôi cũng tái cấu trúc để làm sao cho hệ thống đảm bảo đáp ứng được quy mô đào tạo, cơ cấu đào tạo theo ngành nghề, đặc biệt là trình độ đào tạo. Từ năm 2017, khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có các văn bản hướng dẫn sẽ tuyển sinh theo Luật giáo dục nghề nghiệp, sẽ không còn trung cấp nghề, cao đẳng nghề; chỉ còn sơ cấp, trung cấp, cao đẳng.
PV: Trong việc dạy nghề cho lao động nông thôn còn kém hiệu quả, chưa gắn với nhu cầu địa phương. Vậy Tổng cục Dạy nghề sẽ có thay đổi mô hình đào tạo như thế nào để tránh lãng phí, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Minh: Đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Chính phủ cũng đã phê duyệt chương trình, mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong đó có nội dung về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Chúng tôi đã trình Chính phủ và Ban chỉ đạo, tổ giúp việc.
Đến nay, chúng tôi đang tổng kết lại giai đoạn 2011-2015, chuẩn bị kế hoạch 2016-2020. Những vấn đề cơ bản, những mô hình đã được thực hiện ở giai đoạn trước, trong giai đoạn này chúng tôi sẽ nhân rộng những mô hình điểm và tập trung vào nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Chúng tôi cũng đang phân cấp cho các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, các Bộ ngành và các trường, căn cứ vào nhu cầu của thị trường để các trường lựa chọn và đăng ký nghề. Tùy theo nhu cầu của người lao động muốn học thì tổ chức các khóa dạy nghề.
PV: Thưa ông, việc kết nối cung-cầu này mới chỉ được thực hiện ở một số trường nghề. Vậy các trường nghề trên toàn quốc sẽ kết nối như thế nào với doanh nghiệp để đảm bảo việc làm cho người học?
Ông Nguyễn Hồng Minh: Giải pháp này đã có trong Chiến lược phát triển dạy nghề. Luật Giáo dục nghề nghiệp đã đưa vào một chương về trách nhiệm, quyền hạn của doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề. Doanh nghiệp được giảm chi phí và thuế khi tham gia đào tạo nghề.
Trong thời gian tới, để hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, chúng tôi sẽ có những giải pháp cụ thể hơn để làm sao gắn kết chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp trong lĩnh vực dạy nghề. Đặc biệt, các trường nghề phải có bộ phận quan hệ trưởng ngành gắn với các doanh nghiệp.
Các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cũng phải có những hệ thống thông tin thị trường lao động, nhu cầu lao động để các trường kết nối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp, đại diện là Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), chủ sử dụng lao động phải có thông tin về nhu cầu lao động, cơ cấu trình độ ngành nghề đào tạo và thời điểm thì sự kết nối giữa trường nghề và doanh nghiệp sẽ rất chặt chẽ và hiệu quả.
PV: Thưa ông, mục tiêu tuyển sinh cao đẳng nghề và trung cấp nghề năm nay sẽ như thế nào?
Ông Nguyễn Hồng Minh: Theo chỉ tiêu, kế hoạch năm 2016, chúng tôi sẽ tuyển sinh các cấp trình độ là 2,15 triệu chỉ tiêu, trong đó 250.000 là trình độ trung cấp, chưa kể trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng chuyên nghiệp khi nhập vào hệ thống.
Tổng tuyển sinh thời điểm này có khoảng gần 1 triệu sinh viên các cấp trình độ, chiếm khoảng 40%. Tuyển sinh nghề thường vào tháng 9, tháng 10 hàng năm. Năm nay, tuyển sinh trung cấp nghề, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng chuyên nghiệp vẫn tuyển sinh theo quy định cũ.
Theo các báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, trong 8 tháng qua, việc tuyển sinh ở trình độ trung cấp và cao đẳng nghề đã có bước khởi sắc. Nhiều trường gần như đã tuyển đủ chỉ tiêu; trong khi bằng thời gian này năm ngoái, các trường mới bắt đầu khởi động và lượng tuyển sinh thấp.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Kim Thanh/VOV-Trung tâm Tin (thực hiện)