Tiếng Việt | English

15/08/2016 - 11:33

Thu hút học sinh vào các trường nghề: Bài toán không dễ!

Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp với lao động có tay nghề rất lớn. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh của các cơ sở dạy nghề còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến lao động có tay nghề chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Trong nhiều nguyên nhân thì quan niệm trọng “thầy” hơn “thợ” là một trong những trở ngại lớn nhất khiến việc thu hút học sinh vào các cơ sở dạy nghề gặp khó khăn. Do đó, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội Long An đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết "bài toán khó" ấy.


Học sinh được chú trọng thực hành bên cạnh học lý thuyết

Còn khó trong thu hút học sinh

Hiện toàn tỉnh có 34 cơ sở dạy nghề với 24 cơ sở công lập và 10 cơ sở ngoài công lập; trong đó có 3 trường cao đẳng nghề, 6 trường trung cấp nghề, 7 trung tâm dạy nghề, 16 đơn vị công lập và 2 doanh nghiệp có tham gia đào tạo nghề. Năm 2016, tuy công tác tuyển sinh có nhiều thuận lợi so với các năm trước nhưng nhìn chung, công tác này ở các cơ sở dạy nghề cũng còn nhiều khó khăn.

Nguyên nhân chủ yếu của việc học sinh không “mặn mà” với việc học nghề là do nhận thức chưa cao, phụ huynh còn “sính” bằng cấp mà không xem xét năng lực bản thân con em mình và điều kiện tài chính gia đình. Từ đó, lựa chọn học nghề không được chú trọng.

Trường Trung cấp Nghề Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc), năm học 2016-2017 với chỉ tiêu 200 học sinh trung cấp nghề nhưng đến thời điểm này, mới tuyển sinh được 80 học sinh, đạt 40%, hiện nhà trường đang tiếp tục thực hiện công tác tuyển sinh.

Tuy nhiên, để đạt kết quả đó, ngay từ học kỳ 2 năm học 2015-2016, nhà trường thành lập đoàn đến các trường THCS, THPT trên địa bàn Cần Giuộc, Cần Đước để tư vấn trực tiếp cho học sinh và một số phụ huynh.


Học sinh ngành Cơ khí chế tạo máy Trường Trung cấp Nghề Cần Giuộc thực hành

"Ngành chỉ đạo các cơ sở dạy nghề chuyển đào tạo nghề từ hướng “cung” sang hướng “cầu” của thị trường lao động; sẽ rà soát danh sách học sinh không vào được lớp 10 và học sinh không vào đại học để tư vấn trực tiếp giúp các em chuyển hướng sang học nghề. Ngành cũng tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, bổ sung chương trình phù hợp yêu cầu thực tế để nâng cao chất lượng đào tạo."

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội - Võ Thành Trí

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Cần Giuộc - Trần Văn Thám cho biết: Hiện nhà trường thực hiện nhiều giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn trong công tác tuyển sinh. Trong đó, trường phối hợp cùng địa phương đến từng nhà những em không đậu lớp 10 công lập, không đủ điều kiện xét tuyển đại học, cao đẳng để tư vấn trực tiếp; phối hợp Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Kỹ thuật tổng hợp-Hướng nghiệp huyện Cần Giuộc tạo điều kiện cho học sinh vừa học THPT vừa học nghề; thực hiện nhiều ưu đãi như học bổng, khen thưởng,... cho học sinh của trường; đồng thời, giới thiệu việc làm phù hợp cho học sinh sau khi tốt nghiệp, từ đó, các em ấy sẽ là những tuyên truyền viên hiệu quả giúp cải thiện nhận thức về học nghề của phụ huynh và học sinh so với trước đây.

Chuyển đào tạo từ cung sang cầu

Trước những khó khăn trong công tác tuyển sinh, ngành LĐ-TB&XH thực hiện nhiều giải pháp và các định hướng, tầm nhìn phù hợp đến những năm tiếp theo. Trong đó, các cơ sở dạy nghề nỗ lực thực hiện tốt vai trò đào tạo những học sinh có tay nghề giỏi cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tiếp cận với doanh nghiệp để thực hành trong quá trình học và giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp.

Tại Trường Cao đẳng Nghề Long An, nhà trường luôn chú trọng cho học sinh, sinh viên thực hành bên cạnh học lý thuyết, đặc biệt là thực tập tại các doanh nghiệp. Nhờ vậy, sau khi thực tập tại các doanh nghiệp, các em nhanh chóng “bắt nhịp” với công nghệ hiện đại, tác phong làm việc chuyên nghiệp nên tỷ lệ được giữ lại làm việc sau thời gian thực tập rất cao.

Em Võ Minh Tiến, sinh viên năm 3, lớp Cao đẳng Cắt gọt kim loại K4 chia sẻ: “Em vừa đi thực tập tại Công ty Lamico (Bến Lức). Ở đây, em có nhiều cơ hội thực hành với máy móc hiện đại cũng như được học và rèn luyện các kỹ năng mới. Nhờ vậy, tay nghề của em được nâng cao rất nhiều. Được biết, công ty dự kiến sẽ giữ em lại làm việc sau khi tốt nghiệp, em cảm thấy rất vui. Em nghĩ rằng, không quan trọng mình học trường nào cho “bằng bạn bằng bè”, miễn là tay nghề vững, bảo đảm công việc nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình là được".

Nhà trường còn thực hiện định hướng cho các em trước khi chọn nghề nhằm bảo đảm ngành nghề lựa chọn phù hợp với nhu cầu thị trường lao động hiện nay. Nhờ vậy, trong 2 năm trở lại đây, học sinh, sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp có việc làm trên 90%.


Lớp Công nghệ ôtô Trường Trung cấp Nghề Cần Giuộc

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Võ Thành Trí cho biết: Để việc thu hút học sinh, sinh viên học nghề hiệu quả, quan trọng nhất là việc thay đổi quan niệm, nhận thức. Do đó, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông; xây dựng, nhân rộng các mô hình đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo hiệu quả hoặc các điển hình vươn lên thoát nghèo; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 theo cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp nhu cầu phát triển nhân lực, đáp ứng nhu cầu nhân lực có tay nghề của thị trường lao động.

Hiện tại, toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp và 32 cụm công nghiệp. Do đó, nhu cầu tuyển dụng lao động rất cao. Ngoài ra, Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ 1-7-2015 thu hút học sinh bằng cách miễn phí hoàn toàn cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề trong suốt thời gian học, học sinh có thể lựa chọn học văn hóa hoặc không học - nếu không có nhu cầu, thời gian học nghề được rút ngắn,... đây là cách phân luồng học sinh bằng chính sách. Thêm vào đó là các giải pháp, định hướng của ngành LĐ-TB&XH, hy vọng rằng, công tác tuyển sinh của các cơ sở dạy nghề sẽ có bước chuyển mới, góp phần hình thành cơ cấu lao động phù hợp tại tỉnh nhà./.

Phạm Ngân - Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết