Tiếng Việt | English

17/08/2017 - 15:36

Cách tính tiền điện sinh hoạt theo mức giá bậc thang

Ngày nay, nhu cầu sử dụng điện của các hộ gia đình ngày càng cao. Để khách hàng hiểu rõ hơn cách tính tiền điện, Công ty Điện lực Long An thông tin chi tiết cách tính tiền điện sinh hoạt theo mức giá bậc thang. Đây là cách tính tiền điện sinh hoạt áp dụng theo quy định biểu giá bán điện của Bộ Công Thương.

Theo đó, trong việc tính tiền điện hàng tháng, sản lượng điện sử dụng cho từng mức bậc thang được tính theo công thức sau:

Sản lượng định mức một bậc thang = Sản lượng định mức quy định trong bảng giá/Số ngày định mức * Số ngày sử dụng điện * Số hộ.

Trong đó: Số ngày định mức là tổng số ngày trong tháng của tháng trước liền kề; số ngày sử dụng điện là số ngày sử dụng điện trong kỳ ghi chỉ số (tính từ ngày ghi điện của tháng trước liền kề đến ngày ghi điện của tháng tính tiền); số hộ là số hộ dùng chung công tơ.

Với công thức này, giá tiền của từng mức bậc thang cho một hộ sử dụng điện sinh hoạt theo quy định hiện hành như sau:

Bậc 1 = 50 / Số ngày định mức * Số ngày sử dụng điện * 1 * Giá bậc thang 1;

Bậc 2 = 50 / Số ngày định mức * Số ngày sử dụng điện * 1 * Giá bậc thang 2;

Bậc 3 = 100 / Số ngày định mức * Số ngày sử dụng điện * 1 * Giá bậc thang 3;

Bậc 4 = 100 / Số ngày định mức * Số ngày sử dụng điện * 1 * Giá bậc thang 4;

Bậc 5 = 100 / Số ngày định mức * Số ngày sử dụng điện * 1 * Giá bậc thang 5;

Bậc 6 = (Tổng điện năng tiêu thụ của khách hàng - Tổng điện năng các bậc thang từ 1 đến 5) * 1 * Giá bậc thang 6.

Với trường hợp số ngày sử dụng điện trong kỳ ghi chỉ số trùng với số ngày định mức. Ví dụ: Tổng số kWh giờ điện năng của khách hàng sử dụng trong tháng 3 là 205kWh (tính từ ngày 11/3 đến 10/4). Nghĩa là số ngày sử dụng điện thực tế là 31 ngày, số ngày định mức là số ngày của tháng 3 cũng là 31. Do đó, hóa đơn tiền điện của tháng 4 được tính như sau:

Còn với trường hợp số ngày sử dụng điện trong kỳ ghi chỉ số ít hơn số ngày định mức. Ví dụ: Tổng điện năng tiêu thụ cho kỳ hóa đơn tháng 2 được tính từ ngày 11-01 đến ngày 03-02 là 236kWh. Nghĩa là số ngày sử dụng điện thực tế là 24 ngày nhưng số ngày định mức của tháng 1 là 31 ngày. Do đó, hóa đơn tiền điện của tháng 2 được tính như sau:

Trong đó, sản lượng điện tính theo giá 1.484 đồng/kWh (bậc 1) = (50kWh (định mức): 31 (ngày của tháng)) x 24 (ngày sử dụng điện thực tế) x 1 (số hộ sử dụng) = 39kWh; theo đó, sản lượng điện tính theo giá 1.533 đồng/kWh (bậc 2) = (50kWh : 31) x 24 (ngày) x 1 = 39kWh; phần sản lượng điện năng tính theo giá 1.786 đồng/kWh (bậc 3) = (100kWh : 31) x 24 (ngày) x 1 = 77kWh; sản lượng điện năng tính theo giá 2.242 đồng/kWh (bậc 4) = (100kWh : 31) x 24 (ngày) x 1= 77kWh; sản lượng điện năng tính theo giá 2.503 đồng/kWh (bậc 5) = 236-39-39-77-77 = 4kWh.

Còn với trường hợp số ngày sử dụng điện thực tế trong kỳ ghi có chỉ số nhiều hơn số ngày định mức. Ví dụ: Tổng điện năng tiêu thụ cho kỳ hóa đơn tháng 3 được tính từ ngày 06-02 đến ngày 12-3 là 159kWh. Nghĩa là, số ngày sử dụng điện thực tế là 36 ngày nhưng số ngày định mức là số ngày của tháng 2 là 29 ngày. Như vậy, hóa đơn tiền điện được tính như sau:

Trong đó, sản lượng điện năng tính theo giá 1.484 đồng/kWh = (50kWh : 29) x 36 (ngày) x 1 (số hộ sử dụng) = 62; sản lượng điện năng tính theo giá 1.533 đồng/kWh = (50kWh : 29) x 36 (ngày) x 1 = 62kWh; sản lượng điện năng tính theo giá 1.786 đồng/kWh = 159-62-62 = 35kWh.

Trên đây là chi tiết cách tính tiền điện sinh hoạt theo mức giá bậc thang. Dựa trên những thông tin này, khách hàng có thể tự tính được số tiền điện của gia đình mình, từ đó chủ động, tiết kiệm trong việc sử dụng điện ở gia đình./.

Nguyễn Ngọc - Ngọc Thạch- Điện Lực Long An 

Chia sẻ bài viết