Tiếng Việt | English

19/08/2022 - 14:03

Cái hay ở Mỹ An

Có người ở TP.Tân An hỏi “Mỹ An ở đâu? Tui chỉ biết Mỹ An Phú thôi”. Mỹ An Phú là ghép 2 xã Mỹ An và Mỹ Phú. Nay "2 Mỹ" thuộc huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An này đã tách thành xã Mỹ Phú và xã Mỹ An. Mỹ Phú từng có “vua” nhân giống lúa kháng rầy cho năng suất cao là cố Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới - Dương Văn Hữu. Mỹ An bây giờ có “vua” trang trại hữu cơ trên mặt nước hầm đất rộng đến 140.000m2 là chuyện rất mới. Vậy sự thật thế nào?

Xây dựng cù lao mỹ phước thành khu du lịch văn hóa - sinh thái?

Việc này tôi đã nghe một lãnh đạo tỉnh Long An nói từ mấy chục năm trước. Nay nghệ nhân sinh vật cảnh kiêm giáo viên dạy nghề nông nghiệp - Dương Văn Triều (xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) nói “chắc cú”: Cù lao Mỹ Lạc sẽ là khu du lịch văn hóa - sinh thái.

Anh Triều hẹn tôi ở cầu treo Mỹ Phước. Khi lên giữa cầu, anh chỉ tay và nói “cù lao này do phù sa sông nước bốn bề bồi đắp với diện tích 350ha, rất màu mỡ, trồng cây gì cũng tốt. Tôi nhìn toàn cảnh cù lao bên bờ sông Vàm Cỏ Tây mướt xanh thực vật và từng khu nhà vườn lấp lánh các màu hoa. Triều bảo, nghe nói có mấy doanh nghiệp tư nhân đến ngắm, thèm, xin mua,... Có lẽ, Nhà nước nên đầu tư cho du lịch thì hay hơn”. Từ trên cầu, nhìn mút sông Vàm Cỏ Tây, thấy cầu mới Tân An khá gần. Đi đường thủy và đường bộ (Quốc lộ 62) đều tiện. Đi ngả thị trấn Thủ Thừa và ngả TP.Tân An đều tiện. Thật tốt cho làm du lịch sinh thái!

Rảo một vòng đường bờ sông, rẽ vào các lộ bê tông, chúng tôi tham quan 2 ngôi chùa và 1 ngôi đình đều có tên “cổ”, nhưng lại mới xây dựng, còn thô sơ. Một bô lão trên cù lao nói, trước giải phóng, Mỹ khoanh cù lao thành “vùng oanh kích tự do”, dân “bỏ chạy” hết. Nhà cửa, chùa, đình tan hoang vì bom Mỹ, nên cái có hôm nay đều do tái thiết sau này.

Cảm giác đọng lại trong tôi là cù lao Mỹ Phước như “nàng công chúa ngủ trong rừng”, chờ được đánh thức bằng các sản phẩm cho du lịch văn hóa - sinh thái. Có lẽ còn đang... hứa hẹn.

Có một trang trại hữu cơ như thế!

Nằm ở phía sau trụ sở UBND xã Mỹ An, từ Quốc lộ 62 rẽ vào đường đá dăm đang thi công thảm nhựa chừng 30m là gặp một khu hầm đất loang loáng màu nước xanh mênh mông như “cánh đồng bất tận”. Đây là nơi tôi từng viết về “nạn” khai thác đất hầm quá sâu - trên 10m - mất an toàn. Sau thời gian dài bỏ hoang, nay bỗng nhiên là trang trại mọc trên mặt nước! Một chị ở đó, nói “chú Đắc ở Tầm Vu, Châu Thành, lên mở trang trại này đã 2 năm nay. Ông xã tui mần công nhân trong đó”. Chị chỉ chỗ “tổng hành dinh” trang trại cho tôi đến. Theo con đường đang thi công quanh bờ hầm đất cắm các bảng báo “nước sâu, nguy hiểm” nhưng lại có giàn bầu, giàn mướp cặp vào bờ treo lủng lẳng trái trông thật đẹp mắt. Đến nơi, thấy từng ụ lục bình ủ và từng bãi lục bình phơi. Lẫn vào đó là cơ man can, lon, chai nhựa chất đống và những giàn thùng mốp ươm các giống rau vây quanh khu nhà đặt “bản doanh”.

Từng dãy bè rau trên mặt nước

Chủ nhân trang trại là Giám đốc DNTN Tâm An, trạc ngoài 40 tuổi, cho biết tên Nguyễn Văn Đắc - dân Tầm Vu (Châu Thành, Long An). Tốt nghiệp đại học, anh có 3 năm làm nghiên cứu sinh khoa trồng trọt tại Nhật Bản, trải nghiệm qua nhiều mô hình trang trại trồng rau sạch ở xứ sở người dân sống thọ nhất hành tinh. Sau khi về nước, những lần chạy xe máy dạo chơi, anh thấy đây đó nổi lên những điểm gọi là “công nghệ cao” mà ngạc nhiên. Nông dân mình đất đai canh tác hầu hết phân tán manh mún, nhỏ, lẻ thì làm sao đưa công nghệ cao vào sản xuất đồng loạt, đại trà được? Anh cũng thấy chai, lon, can nhựa phế thải vứt bừa ra môi trường. Trên các sông, rạch, nhiều nơi lục bình che kín mặt nước,... Đây đó những hầm đất khai thác xong bỏ hoang, quá lãng phí. Anh nghĩ ra cách biến các thứ “đồ bỏ” ấy thành tiền. Và nơi khởi nghiệp của anh là chọn hầm đất lớn nhất xã Mỹ An, diện tích 10ha. Anh mua thêm 4ha rồi mở rộng mặt nước. Và Trang trại hữu cơ Tâm An ra đời tại đó, cách nay vừa đúng 2 năm.

Chủ trang trại - Nguyễn Văn Đắc kiểm tra bè ươm giống ngò rí

Đứng trên bờ nhìn vòng quanh mặt nước là những dãy bè được kết từ bao lưới đựng đồ nhựa phế thải của các hàng quán, nhà trường,... mua về. Trên mặt bè phủ một lớp rễ lục bình đã phơi, ủ khô kết thành thảm như liếp đất rồi trồng từng loại rau ăn lá, rau ăn trái, rau ăn củ, rau gia vị,... và chỉ bón duy nhất rễ lục bình đã qua xử lý kỹ thuật vi sinh, phân hủy chúng thành phân bón hữu cơ.

Anh Đắc cho biết thêm: So với trồng trên cạn thì trồng trên mặt nước có nhiều ưu điểm vượt trội. Một là nó không sinh bệnh, không sâu, rầy làm hại cây trồng. Hai là nó cho năng suất cao gấp 2-3 lần trồng trên cạn. Hỏi trang trại anh có tính đầu tư cho du lịch sinh thái không? Anh nói, chúng tôi cứ đầu tư phát triển kinh tế trang trại đã. Rồi du khách tự khắc tìm đến tham quan một khi trang trại hoàn chỉnh - kiểu như ở Thái Lan họ đã làm. Anh đưa tôi đến xem khu nuôi thả các giống cá sông Mekong, kể cả cá Hô,... Tôi hỏi, Long An nói chung và Thủ Thừa nói riêng, hãy còn hàng trăm hầm đất bỏ lại, anh có tính mở thêm trang trại hữu cơ như ở đây không? Anh Đắc nói, lãnh đạo địa phương mời gọi, và anh cũng muốn hưởng ứng để góp phần giải quyết vấn nạn môi trường, chắc phải mở thêm thôi khi có đủ điều kiện.../.

QUANG HẢO

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích