Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua được Đảng và Nhà nước thực hiện quyết liệt, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhân dân đồng tình, lực lượng báo chí vào cuộc. Vì vậy, có thể nói rằng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trở thành phong trào, xu thế của toàn xã hội và thu được kết quả bước đầu quan trọng. Nhiều vụ việc tham nhũng lớn được phát hiện, xử lý, thu hồi các tài sản tham nhũng đưa vào ngân sách nhà nước, dư luận xã hội rất đồng tình.
Tuy nhiên, hiện nay, theo đánh giá của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, “Tình trạng tham nhũng, lãng phí diễn ra phổ biến, có nguy cơ lan rộng vào các lĩnh vực khác” cho nên, việc phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới sẽ là cuộc đấu tranh rất cam go, quyết liệt. Vì vậy, cần phải xây dựng bộ máy nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh, xây dựng Chính phủ và chính quyền các cấp thật sự liêm chính, của dân, do dân, vì dân. Phải đề cao vai trò của người đứng đầu. Nếu những người lãnh đạo, những người đứng đầu nói “không” với tham nhũng thì phòng, chống tham nhũng mới hiệu quả. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải kiên quyết, kiên trì với phương châm “Nói đi đôi với làm và làm thực chất từ những việc nhỏ nhất”.
Tại phiên họp lần thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 31/7 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo, nhắc lại phát biểu của ông khi tiếp xúc với cử tri là phòng, chống tham nhũng trở thành phong trào, “Cái lò nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được”./.
Nguyễn Minh Cường