Tiếng Việt | English

30/05/2022 - 13:44

Cải thiện PCI để thu hút đầu tư

Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành phố trong cả nước về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Đây là dự án hợp tác nghiên cứu giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Năm 2021, PCI của tỉnh đạt 66,58 điểm, xếp hạng thứ 16/63 tỉnh, thành phố, thuộc nhóm khá; xếp thứ 3/13 tỉnh, thành phố Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. So với năm 2020, PCI năm 2021 của tỉnh giảm 3,79 điểm và 13 bậc trên bảng xếp hạng PCI cả nước. Đây là mức giảm sâu nhất trong suốt 5 năm qua.

Qua báo cáo kết quả điều tra khảo sát do VCCI công bố, hầu hết chỉ số thành phần PCI năm 2021 đều giảm so với năm 2020: 8/10 chỉ số thành phần giảm điểm, đáng lưu ý là các chỉ số giảm điểm sâu như gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, đào tạo lao động. Trong 10 chỉ số thành phần, chỉ có 2 chỉ số tăng điểm (chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý và an ninh, trật tự). Với kết quả trên, có thể nhận xét PCI năm 2021 là một bước lùi lớn trong nỗ lực cải thiện PCI để thu hút đầu tư.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, PCI năm 2021 của tỉnh giảm mạnh cả về điểm số và thứ hạng trên bảng xếp hạng PCI cả nước so với năm 2020 với hầu hết các chỉ số thành phần giảm điểm, có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Điển hình nhất là những tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp như giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư, hủy dự án, chuyên gia không nhập cảnh được, doanh nghiệp không ký được đơn hàng,... Đặc biệt, lúc cao điểm dịch bệnh thì hầu hết doanh nghiệp phải ngừng hoạt động trong khoảng thời gian để phòng, chống dịch; phải hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”; phát sinh chi phí phòng, chống dịch;...

Trong các chỉ số giảm điểm và giảm mạnh so với năm 2020 làm “đau đầu” các nhà quản lý là chỉ số cạnh tranh bình đẳng, chỉ số chi phí thời gian và chỉ số chi phí không chính thức. Khảo sát cho thấy, việc doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức khi thực hiện thủ tục hành chính liên quan vẫn còn và có chiều hướng tăng so với năm 2020. Hầu hết các tiêu chí đánh giá chỉ số không chính thức đều tăng, dẫn đến chỉ số thành phần này giảm điểm, giảm đến 20 bậc so với cả nước và 8 bậc so với Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hay chỉ số cạnh tranh bình đẳng giảm đến 41 bậc so với cả nước,...

Thời gian qua, tỉnh luôn nỗ lực giữ vững PCI, xem đây là một trong những giải pháp thu hút đầu tư. Mặc dù là “tâm dịch” trong đợt dịch thứ 4 bùng phát nhưng tỉnh đã linh hoạt sớm mở cửa, tổ chức xúc tiến đầu tư ngay khi khống chế dịch bệnh và rút ngắn quy trình cấp giấy chứng nhận đầu tư,... Vì vậy, nhiều người tỏ ra "bất ngờ" với kết quả xếp loại PCI năm 2021.

Nhiều câu hỏi được đặt ra tại hội nghị báo cáo PCI năm 2021 nhằm “mổ xẻ” những hạn chế. Đó là có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên rải thảm, dưới rải đinh”? Tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức một số ngành, địa phương chưa tốt? Và cũng đã có nhiều giải pháp được các ngành, địa phương trình bày nhằm tháo gỡ các hạn chế, nguyên nhân đã chỉ ra.

Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Được nhấn mạnh cần phải bình tĩnh phân tích, chủ động, thẳng thắn, khách quan tìm ra nguyên nhân, giải pháp khắc phục những hạn chế. Từ đó, củng cố vai trò người đứng đầu theo hướng quyết liệt, tận tâm, bản lĩnh hơn. Phải xây dựng được lực lượng, công cụ kiểm tra việc tổ chức thực hiện. Phát động phong trào thi đua trong nâng cao PCI và xây dựng văn hóa “xin lỗi”; sáng tạo, đổi mới trong giải quyết thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin,...

Một số giải pháp hiệu quả được gợi ý nâng cao PCI như tăng cường thông tin, truyền thông, nâng chất các trang web, đẩy mạnh chuyển đổi số để vừa cung cấp thông tin, vừa đo lường chỉ số hài lòng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sắp xếp lại công tác thanh, kiểm tra tránh chồng chéo; tăng cường xúc tiến đầu tư, đối thoại với doanh nghiệp; liên kết đào tạo nguồn nhân lực; tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động tốt; kiểm soát được "tham nhũng vặt",...

Tỉnh phấn đấu nâng cao PCI năm 2022 nằm trong nhóm 10 của cả nước. Đây là việc không dễ nếu không có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và giải pháp phù hợp bởi các tỉnh, thành khác cũng luôn phấn đấu. Nếu PCI được cải thiện, sẽ là “chìa khóa” tiếp tục mở ra cánh cửa thu hút đầu tư./.

Tân An

Chia sẻ bài viết