Thực tế, có những người trong thời gian lái xe hay tại một thời điểm không sử dụng rượu, bia, chất có nồng độ cồn nhưng do cơ thể sinh học hay trong quá trình chuyển hóa thức ăn, uống nước ép hoa quả nên hơi thở có nồng độ cồn vượt trên mức số 0 nên việc quy định nồng độ cồn bằng 0 còn bất cập. Tuy nhiên, cũng có ý kiến ngược lại, cho rằng nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn như dự thảo luật vì điều này đã được quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 và quy định này đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc giảm tai nạn giao thông (TNGT).
Giải trình nội dung này trong báo cáo của Chính phủ tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại thảo luận tổ do Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, ký, nhấn mạnh quy định cấm lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, bảo vệ giống nòi, hạn chế TNGT.
Nội dung này cũng thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm. Theo lý giải của Chính phủ, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông.
Với ý kiến đề nghị điều chỉnh theo hướng quy định tỷ lệ nồng độ cồn cụ thể được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông, Đại tướng Tô Lâm khẳng định, Chính phủ sẽ nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, có căn cứ khoa học và bảo đảm tính khả thi.
Ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý các vi phạm giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm giao thông; nghiêm cấm lực lượng chức năng “xuê xoa”, bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, phải tiếp tục thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, trước hết là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang rồi đến người dân.
Thực tế, đã xảy ra nhiều vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn. Gần đây nhất, ngày 04/12, tại Hà Nội, một tài xế điều khiển ôtô đâm vào làm sập bức tường nhà dân. Qua đo nồng độ cồn, xác định tài xế vi phạm ở mức độ 2 (vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở). Hay trước đó, vào lúc 16 giờ ngày 12/11/2023, tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) tài xế lái ôtô trong tình trạng say xỉn, va chạm với 2 xe ôtô khác rồi tông vào 3 xe máy khiến 1 người tử vong, 2 người khác nhập viện.
Việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong thời gian qua đã nhận được sự đồng thuận rất cao từ người dân. Vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, là một trong những nguyên nhân trực tiếp của TNGT.
Đã có biết bao gia đình rơi vào cảnh khốn khó khi mất đi người thân hay người thân bị thương tật suốt đời bởi hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia. Chính hành vi xem thường pháp luật, tính mạng, sức khỏe của người khác đã để lại hậu quả nghiêm trọng cho chính nạn nhân và bản thân người vi phạm.
Uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là tội ác bởi hành vi đó có thể gây hậu quả khôn lường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng, tương lai của người khác và của chính mình./.
Tâm An