Tiếng Việt | English

04/10/2015 - 06:01

Cân nhắc du học từ bậc phổ thông

Xu hướng cho con đi du học từ bậc phổ thông đang được nhiều cha mẹ lựa chọn. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng thích hợp với việc du học sớm

Du học bậc phổ thông tại các nước Úc, Anh, Mỹ, Canada, New Zealand và Singapore hiện là thông tin được rất nhiều cha mẹ quan tâm, tìm hiểu. Theo đánh giá của một công ty du học lớn tại Hà Nội, số lượng học sinh THPT đi du học ngày càng nhiều và các bậc cha mẹ sẵn sàng đầu tư cho tương lai của con.

Thiếu năng lực tự chủ

Tuy nhiên, trên thực tế, để du học thành công từ bậc phổ thông, cần có sự chuẩn bị rất kỹ ở cả cha mẹ cũng như học sinh. Thói quen của người Việt Nam là luôn bao bọc con rất kỹ lưỡng, chủ yếu chỉ yêu cầu con tập trung vào học tập, dẫn tới tình trạng các em chỉ biết mỗi việc học mà không hình thành được thói quen tự lập, thiếu kỹ năng giao tiếp.

Ông Nguyễn Tuấn Hải, Giám đốc Eton Grammar School, cho biết học sinh đi du học phải có khoảng 15 mục phát triển cá nhân và học thuật để chuẩn bị cho hồ sơ đăng ký. Theo ông Hải, muốn đưa con đi du học, cha mẹ nên biết điểm mạnh của con mình là gì và các em cũng phải biết thể hiện niềm đam mê của mình. Các trường nước ngoài sẽ nắm được thông tin này qua bài luận cá nhân và họ tìm mọi cách tìm hiểu xem học sinh nuôi dưỡng đam mê đó như thế nào, theo đuổi nó ra sao. Tuy nhiên, ông Hải cũng phân tích: “Học sinh Việt Nam không có được sự khuyến khích cần thiết từ cha mẹ, nhà trường để xây dựng cho mình một phong cách, thói quen tự chủ. Nhiều bậc cha mẹ còn bắt con từ bỏ đam mê chỉ để tập trung vào việc học ở trường”.


Học sinh Trường THCS Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) tìm hiểu thông tin về du học

Theo đại diện Công ty Tư vấn du học Đức Anh, khi cho con du học ngay từ bậc phổ thông, cha mẹ phải chuẩn bị kỹ cho con về tâm lý cũng như kỹ năng sống trước khi bước vào một môi trường sống hoàn toàn mới. Họ cũng phải cân nhắc trước một số hạn chế như sự bất đồng văn hóa, thay đổi môi trường sống, thức ăn, nhớ nhà... Một số học sinh do xa nhà sớm, khả năng tự lập, tự chủ chưa cao và việc chuẩn bị du học chưa chu đáo nên khi du học sẽ khó thành công. Thực tế cho thấy các kỹ năng, lối sống của học sinh quan trọng không kém kiến thức học tập khi phải thích nghi với môi trường hoàn toàn mới.

“Không phải học sinh nào cũng thích hợp với du học, đặc biệt là những em chưa được xây dựng thói quen và ý thức tự lập. Cách tốt nhất là cho con tham gia một khóa du học ngắn ngày để các em có thể tự trải nghiệm và có động lực tự thân trong việc đi du học hay không” - một chuyên gia tư vấn du học nói.

Chứng chỉ đầy đủ vẫn… chưa đủ!

Câu hỏi đầu tiên mà các bậc cha mẹ cần đặt ra là con mình đã sẵn sàng du học hay chưa. Bên cạnh nguồn kinh phí đầu tư lâu dài từ gia đình, những kỹ năng sống cần có, khả năng tự lập cao, các học sinh muốn đi du học phải có vốn tiếng Anh “đủ dùng”. Với yêu cầu chung về tiếng Anh ở bậc phổ thông tương đương 5.5 IELTS, nhiều cha mẹ đã phải đầu tư cho con học tiếng Anh từ tiểu học. “Sẽ là sai lầm nếu chỉ trông chờ vào các chứng chỉ. Tiếng Anh để du học không chỉ là các khóa học thuật mà phải đủ để giải quyết những vấn đề thông thường, nghe và viết hiệu quả” - ông Nguyễn Tuấn Hải phân tích. Chuyên gia này cũng cho rằng đưa ra điểm số cao không có nghĩa là giỏi tiếng Anh. Thực tế du học đòi hỏi khả năng nghe, hiểu thấu đáo, tận tường những gì giáo viên nói, chứ không phải chỉ là luyện TOEFL hay IELTS. Một người Mỹ nói tiếng Anh cũng có thể trượt các chứng chỉ này.

Bên cạnh tiếng Anh, việc chuẩn bị tài chính, hồ sơ xin học, tìm hiểu trường phù hợp, trang bị những kỹ năng sống cần thiết là đặc biệt quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho học sinh du học từ bậc phổ thông.

 

Nguồn: Yến Anh/Người lao động

 

Chia sẻ bài viết