Tiếng Việt | English

22/01/2024 - 07:56

Cẩn thận khi đốt cỏ, rác, thực bì và đốt đồng

Rừng là tài nguyên, nguồn lực to lớn của đất nước; yếu tố quan trọng của môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, quốc phòng, an ninh,...

Ở tỉnh Long An, rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp tập trung chủ yếu ở các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Hòa, Đức Huệ, Thủ Thừa, Bến Lức và thị xã Kiến Tường; trên 85% diện tích là rừng sản xuất thuộc quyền quản lý, sử dụng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Tính đến ngày 31/12/2023, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp để phát triển rừng là hơn 26.860ha.

Thông tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, tình trạng El Nino vào cuối năm 2023, đầu năm 2024 sẽ gia tăng cường độ gây nắng nóng, khô hạn sẽ diễn ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là tại các tỉnh khu vực Bắc bộ, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, nguy cơ cháy rừng rất cao.

Thống kê của Ban Chỉ đạo Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) tỉnh, những tháng cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy cỏ, rác, thực bì và phế liệu. Một trong những nguyên nhân chủ quan gây cháy là việc không cử người trông coi khi đốt cỏ, rác, thực bì và đốt đồng.

Hiện nay, thời tiết ở Long An đã vào mùa khô, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao, nhất là các vụ cháy rừng có nguyên nhân từ đốt cỏ, rác, thực bì, đốt đồng. Trước tình hình trên, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 64/UBND-KTTC Long An, ngày 04/01/2024, về việc tăng cường các biện pháp cấp bách về PCCC rừng; Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh ban hành Văn bản số 62/BCĐ-CAT, ngày 05/01/2024 về việc triển khai, thực hiện công tác PCCC khi thực hiện việc dọn cỏ, rác, thực bì, đốt đồng trong mùa khô năm 2024; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có Văn bản số 95-HD/BTGTU, ngày 02/01/2024, hướng dẫn tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Điều đó cho thấy, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh rất quan tâm đến công tác PCCC nói chung và PCCC rừng nói riêng.

Để chủ động PCCC rừng, giảm thiểu tối đa thiệt hại do cháy rừng gây ra, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương có rừng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong cộng đồng dân cư nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng; khuyến cáo các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thực hiện các hoạt động đốt rơm, rạ; vệ sinh đồng ruộng; sử dụng lửa trong sản xuất và sinh hoạt ở ven rừng và xung quanh rừng phải bảo đảm an toàn về PCCC rừng.

Chính quyền, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch PCCC của các đơn vị, chủ rừng; chỉ đạo các chủ rừng trên địa bàn chủ động xử lý thực bì làm giảm vật liệu cháy; tu sửa, làm mới đường băng cản lửa, các công trình phòng, chống cháy rừng;...

Lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, canh gác, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC rừng; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng.

Để thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn PCCC, nhất là trong điều kiện thời tiết cực đoan, nắng nóng kéo dài, Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về PCCC và CNCH tại địa bàn, cơ sở phụ trách.

Công an tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra các điều kiện an toàn về PCCC; kịp thời phát hiện làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc đốt cỏ, rác, thực bì, đốt đồng không cử người trông coi dẫn đến cháy, cháy lan, cháy lớn; trường hợp vi phạm có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đảng, Nhà nước khuyến khích phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng, khích lệ phát triển các mô hình kinh tế lâm nghiệp và phát triển rừng, đồng thời bảo đảm sinh kế cho người dân trong khu vực có rừng; phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững theo hướng đa mục đích, đa giá trị trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng.

Bảo vệ, phát triển rừng vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết