Tiếng Việt | English

13/01/2024 - 13:00

Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô  

Trước tình trạng tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao trong mùa khô, UBND tỉnh Long An vừa ban hành văn bản Số 64/UBND-KTTC về việc tăng cường các biện pháp cấp bách về phòng cháy, chữa cháy rừng.

Những cánh rừng tràm ở khu vực Đồng Tháp Mười tiềm ẩn nguy cơ bị cháy trong mùa khô, nắng nóng

Cụ thể, theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, tình trạng El Nino vào cuối năm 2023, đầu năm 2024 sẽ gia tăng cường độ gây nắng nóng, khô hạn sẽ diễn ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là tại các tỉnh khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên, Tây Nam bộ nguy cơ cháy rừng rất cao.

Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu tối đa thiệt hại do cháy rừng gây ra, UBND tỉnh đề nghị, các sở, ngành, địa phương, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ liên quan thực hiện một số nội dung cấp bách trong phòng cháy, chữa cháy rừng.

Theo đó, UBND tỉnh Long An đề nghị, UBND các huyện, thị xã có rừng chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong cộng đồng dân cư về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, đặc biệt là ý thức sử dụng lửa an toàn.

Khuyến cáo các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thực hiện các hoạt động đốt rơm, rạ; vệ sinh đồng ruộng; sử dụng lửa trong sản xuất và sinh hoạt ở ven rừng và xung quanh rừng phải bảo đảm an toàn về phòng, chống cháy rừng.

Chỉ đạo kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng của các đơn vị, chủ rừng theo quy định tại Điều 50 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Chỉ đạo các chủ rừng trên địa bàn chủ động xử lý thực bì làm giảm vật liệu cháy, tu sửa, làm mới đường băng cản lửa, các công trình phòng, chống cháy rừng,...

Ảnh minh họa

Đặc biệt, tăng cường công tác tuần tra, canh gác, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng phối hợp tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các lực lượng trực thuộc đóng trên địa bàn phối hợp lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng; có phương án sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện, xử lý ngay các vụ cháy rừng xảy ra, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, xác định các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng để chủ động thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy; thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng và điểm báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm tại địa chỉ Website:kiemlam.org.vn để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy, kịp thời thông tin đến UBND các địa phương có rừng, các chủ rừng, phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng chữa cháy.

Văn bản này được gửi đến các sở, ngành, địa phương, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ về phòng cháy, chữa cháy rừng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Thông tin và Truyền thông; Công an tỉnh; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; UBND các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Hòa, Đức Huệ, Thủ Thừa, Bến Lức; UBND thị xã Kiến Tường và cơ quan báo chí của tỉnh./.

Tấn Lộc

Chia sẻ bài viết


Thi công Phòng cháy chữa cháy tại HCM
Liên kết hữu ích