Mặc dù Bộ Tài chính đặt mục tiêu để bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP là 4,95% nhưng theo dự báo của các tổ chức kinh tế quốc tế, mức bội chi này sẽ cao hơn nhiều so với kế hoạch đề ra.
Trong 6 tháng qua, ngân sách tiếp tục bội chi lên tới 85.600 tỷ đồng
Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách nhà nước 6 tháng qua ước đạt hơn 476 nghìn tỷ đồng, thấp nhất so với cùng kỳ 2 năm gần đây. Tăng trưởng kinh tế thấp, xuất khẩu sụt giảm, thu từ dầu thô giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái…là những nguyên nhân làm hụt thu ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh này, cân đối ngân sách lại là bài toán khó, khi thu không đủ bù chi, chi thường xuyên tăng quá nhanh từ 50% lên 65% tổng dự toán chi ngân sách.
Bộ Tài chính đang nỗ lực để bội chi ngân sách Nhà nước ở mức 4,95% GDP, nhưng theo dự báo của Ngân hàng HSBC, mức bội chi ngân sách của Việt Nam năm nay lên tới 6,6% GDP. Còn theo phân tích của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nếu tốc độ tăng trưởng GDP năm nay thấp hơn kế hoạch thì khả năng bội chi ngân sách Nhà nước trên GDP vẫn sẽ vượt 0,5% so với dự toán.
TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện tài chính), cho rằng, mục tiêu giảm bội chi là rất khó khăn trong bối cảnh hiện nay do tăng trưởng kinh tế thấp, tăng thu ngân sách cũng thấp.
"Tăng chi cứ lớn trong khi thu ngân sách không đạt kế hoạch thì thâm hụt ngân sách tăng lên. Hiện tăng trưởng thấp lạm phát thấp, tăng thu ngân sách thấp thì chỉ tiêu để bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP là 4,95% là khó khả thi," TS Độ băn khoăn.
Theo một số chuyên gia, để bội chi ngân sách Nhà nước cao như hiện nay còn bắt nguồn từ cơ chế xin – cho, tâm lý dựa dẫm vào ngân sách trung ương, tăng chi vượt dự toán ở nhiều địa phương. Thực tế, không ít địa phương sử dụng ngân sách để xây dựng các công trình như hạ tầng, nhưng sau đó bỏ hoang hoặc sử dụng không hiệu quả.
Chỉ tính trong 10 năm trở lại đây, tổng nguồn vốn ODA giải ngân khoảng 45 tỷ USD, trong đó, 1/3 nguồn vốn này được đưa vào ngân sách để cấp phát cho các địa phương. Trong số này, có tới 92% là cấp phát cho không, chỉ có 8% cho vay lại. Vậy là nhiều địa phương cứ trông chờ vào ngân sách nhà nước, “vẽ” ra thật nhiều dự án để xin Trung ương. Rủi ro thì đã có Nhà nước chịu, bội chi ngân sách cũng từ đó mà tăng lên.
Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đã đến lúc phải quyết liệt tái cơ cấu ngân sách, kéo giảm bội chi.
"Trong 63 tỉnh, thành phố thì có 13 địa phương có thu vượt chi và đóng góp vào ngân sách trung ương. Ngân sách trung ương không thể đảm bảo ngân sách địa phương như trước. Địa phương phải điều chỉnh giảm chi tiêu. Trước đây các địa phương coi vốn ODA là cho không, nhưng thực tế thì đó vẫn là vốn vay và phải trả nợ. Nên một trong những điều chỉnh quan trọng là sắp tới là địa phương sẽ phải vay lại và chịu trách nhiệm về khoản này. Đây là một thay đổi lớn để giảm bội chi ngân sách," TS Doanh nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận định, thực tế thu ngân sách không quá khó khăn, mà là do chi quá nhiều so với khả năng ngân sách. Yêu cầu thắt chặt chi tiêu công là cấp thiết nhất là trong bối cảnh bội chi cao và nợ công sát mức trần 65% GDP. Bởi vậy bên cạnh tăng cường quản lý thu, chống thất thu, nợ đọng phải kiên quyết chi ngân sách theo đúng dự toán đã được thông qua, không chi ngoài dự toán, trừ trường hợp phát sinh cấp bách cần chi để đảm bảo đời sống dân sinh. Đồng thời cắt giảm khoản chi chưa cần thiết và quản lý hiệu quả tài sản công.
Để khắc phục bội chi, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, cần phải quản lý chi tiêu tuyệt đối theo dự toán, không ban hành chính sách khi chưa chuẩn bị và cân đối được nguồn ngân sách.
"Điều hành theo mức bội chi mà Quốc hội thông qua, từ đó quản lý nợ công trong trần cho phép của Quốc hội. Đòi hỏi sự vào cuộc giám sát của các ngành cấp, gắn với đó là công khai minh bạch các khoản thu chi. Đây là những giải pháp trươc mắt và căn cơ lâu dài để đảm bảo quản lý chi ngân sách tiết kiệm và hiệu quả," Bộ trưởng nói.
Ngân sách nhà nước phản ánh rõ nét thực trạng “sức khỏe” nền kinh tế. Với khả năng thu ngân sách như hiện nay sẽ khó đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên và trả nợ. Do đó, toàn bộ chi đầu tư sẽ phải dựa vào vốn vay của Chính phủ. Bởi vậy, kỷ luật ngân sách cần đặt lên hàng đầu để giảm áp lực nợ công. Đặc biệt phải làm rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương, cơ quan trong việc chi tiêu công.
Trong hội nghị ngành tài chính mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh: "Tới đây, chi ngân sách chỉ trong khả năng cho phép. Địa phương nào khả năng không đạt thu năm nay thì phải giảm chỉ tiêu chi tương ứng, không thể để tình trạng bội chi tăng, rồi lại về xin trung ương hỗ trợ, ngân sách nhà nước không thể bù đắp mãi được"./.
Việt Hà/VOV-Trung tâm Tin