Các bệnh thường gặp khi thường xuyên hút thuốc lá (Đồ họa: TS.Lê Đức Dũng cung cấp)
Thuốc lá điện tử "lôi cuốn" giới trẻ
Theo ông Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, kết quả cuộc điều tra mới nhất cho thấy, Việt Nam có tới 100.000 người dùng thuốc lá điện tử (TLĐT) và con số này đang gia tăng, kể cả ở nhóm 13-15 tuổi. Mặc dù ban đầu, TLĐT được xem là sự thay thế ít có hại hơn cho người lớn hút thuốc lá nhưng hóa ra nó lại hấp dẫn giới trẻ tập tành.
Các thiết kế TLĐT tạo vẻ sành điệu, thiết bị chế tạo cả dạng đóng và dạng mở để pha trộn các loại tinh dầu nhằm làm TLĐT hấp dẫn hơn. TLĐT dạng làm nóng có nhiệt độ đốt nóng thấp hơn thuốc lá điếu, thông thường từ 40-350oC. Nhà sản xuất cho rằng, đây là lý do giảm được tác hại với người dùng. Tuy nhiên, đây là sản phẩm mới, chưa rõ tác hại lâu dài.Về bản chất, TLĐT vẫn gây nghiện như thuốc lá thông thường, sẽ ảnh hưởng xấu tới thanh, thiếu niên và làm gia tăng người hút thuốc lá.
Nhiều chuyên gia về sức khỏe thanh, thiếu niên và cai nghiện nhận định, nhiều người hiểu về nghiện nicotine do thuốc lá ở giới trẻ nhưng lại chưa biết rõ về TLĐT và hóa chất trong thiết bị này. Không ai nghĩ đây là một sản phẩm có chứa nicotine, trong khi thực tế là vậy.
Khoa học đã phát hiện những người hút thuốc lá khi còn trẻ dễ phụ thuộc vào thuốc hơn.Não của trẻ vị thành niên có thể dễ tổn thương với các ảnh hưởng gây nghiện của nicotine. Nicotine là một hóa chất mạnh có thể thay đổi não của chúng ta và khó cai với giới trẻ. Khi nicotine vào não, kết hợp những phân tử tạo ra ảnh hưởng đến tâm trạng và các yếu tố khác trong não.Thanh, thiếu niên chưa quen với cơ chế này như người lớn đã từng hút thuốc.Những bạn trẻ nghiện TLĐT có những triệu chứng tâm thần ít phổ biến ở người nghiện thuốc lá truyền thống hoặc ở người lớn như lo lắng và không thể tập trung.Các chuyên gia về sức khỏe lo ngại “dính” vào nicotine sớm sẽ mở đường cho việc hút thuốc hoặc sử dụng ma túy ở người trẻ.
Điều khiến người trẻ dễ sử dụng TLĐT không chỉ đơn thuần về sinh học mà còn do tâm lý xã hội, áp lực từ bạn bè hoặc căng thẳng có thể làm tăng khả năng thực hiện hành vi gây nghiện. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh và các bạn trẻ lại chưa hiểu đầy đủ về những nguy hiểm của hút TLĐT.
Tác hại đến sức khỏe
Nhiều bạn trẻ nghĩ TLĐT không gây hại nên lượng người trẻ hút ngày càng tăng. Hơn nữa, nhiều người vì muốn bỏ thuốc lá truyền thống nên chuyển sang hút TLĐT mà không biết rằng, đó là “kẻ sát nhân” đáng sợ.
Theo kết luận của các nhà khoa học Mỹ trong công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa New England, những người thường xuyên sử dụng TLĐT có nguy cơ mắc các bệnh ung thư cao gấp 15 lần so với những người hút các loại thuốc lá thông thường. Các nhà khoa học thuộc Bộ Y tế Nhật Bản cũng kết luận, TLĐT chứa lượng chất gây ung thư cao gấp 10 lần so với các loại thuốc hút thông thường.
Nicotine trong khói TLĐT - một chất gây nghiện mạnh, giống như ma túy, rất khó từ bỏ, nguy hiểm chẳng kém gì thuốc lá thông thường. Bên cạnh đó, chất tạo mùi thơm là chất hóa học độc hại có khả năng gây ung thư, thường được sử dụng trong chế tạo vật liệu xây dựng và bảo quản thi hài.
Ngoài ra, nếu nhà sản xuất sử dụng vitamin E trong TLĐT thì sẽ rất nguy hiểm cho người sử dụng. Khi dùng vitamin E ở dạng viên uống hay bôi trên da thì an toàn, song khi hít vào ở dạng giọt nhỏ có dầu, chất này lại trở nên nguy hiểm chết người. Vitamin E được dùng làm đặc trong dung dịch TLĐT, được dùng để pha trộn vào các loại TLĐT có chứa THC, thành phần trong cần sa gây ảo giác cho người dùng.
Ma túy tẩm trong thuốc lá điện tử, thuốc lào, ...
Mới đây, Trung tâm Giám định ma túy, Viện Khoa học hình sự vừa nhận được mẫu thuốc lào do một phụ huynh mang đến.Kết quả giám định cho thấy mẫu thuốc có chất hướng thần.
Trong danh mục các loại ma túy kiểu mới, như lá khát, cỏ Mỹ, các loại ma túy tổng hợp..., các chuyên gia về ma túy lo ngại hơn hẳn là loại ma túy mới, được tẩm vào sợi thuốc lào thông thường hay pha trong dung dịch sử dụng cho TLĐT. Các loại ma túy kiểu mới này đang xuất hiện ngay tại các thành phố lớn, được các bạn trẻ sử dụng.
Mới đây, Viện Khoa học hình sự cũng đã giám định một số mẫu chai, lọ theo yêu cầu của một số nhà trường ở Hà Nội đề nghị phân tích các mẫu nghi là ma túy thu được của học sinh. Các trường mô tả sau khi sử dụng chất chứa trong các chai, lọ này thì học sinh có dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, thậm chí có em bị ngất.
Kết quả giám định các chất có trong các chai, lọ kể trên cũng có chất hướng thần 5F-MDMB-PICA như chất phun, tẩm trong sợi thuốc lào. Chất hướng thần này đã được hòa tan trong dung dịch sử dụng cho người dùng TLĐT mà vẫn giữ nguyên màu sắc, mùi vị, chuyên gia cũng khó phát hiện.
Chuyên gia của Viện Khoa học hình sự cũng cho biết, trước đây, chất này chỉ có trong cỏ Mỹ nhưng gần đây đã được tẩm trong nhiều sản phẩm thông dụng như thuốc lào, TLĐT, thảo mộc. Thủ đoạn tinh vi này khiến giới trẻ dễ sa vào sử dụng ma túy mà không biết.
Thương tích do nổ thiết bị thuốc lá điện tử
Một nam thiếu niên 17 tuổi sống tại bang Nevada (Mỹ) đã bị vỡ hàm dưới và mất nhiều răng sau khi thiết bị hút TLĐT phát nổ lúc đang sử dụng. Bà Kailani Burton - mẹ của thiếu niên Austin, nạn nhân trong vụ việc, cho biết, đã mua thiết bị hút TLĐT với hy vọng con trai bà sẽ bỏ thuốc lá. Tuy nhiên, khi bà Kailani cùng chồng đang ngồi trong phòng khách, chợt nghe thấy tiếng nổ khá lớn.Sau đó, Austin chạy vào với phần hàm dưới đẫm máu.Điếu TLĐT đã phát nổ ngay trên miệng của Austin.
TLĐT trên thực tế không hề an toàn như lời quảng cáo. Chúng có thể làm người sử dụng bị phỏng, có thể phát nổ khi để trong túi, phát nổ trên mặt. Trên cơ sở dữ liệu của nhiều cơ quan liên bang, có khoảng 2.035 vụ nổ TLĐT và các thương tích gây bỏng cho người dùng tại Mỹ trong giai đoạn từ 2015-2017. Các tác giả của nghiên cứu do bác sĩ Matthew E Rossheim thuộc Đại học George Mason chủ trì, cho biết, con số này trên thực tế chắc chắn cao hơn nhiều vì nhìn chung, các vụ tai nạn liên quan đến TLĐT chưa được theo dõi sát.
Không dùng thuốc là điện tử để cai thuốc lá
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là một vấn đề toàn cầu. Theo WHO (2015), cứ mỗi 10 giây, có 1 người tử vong do COPD và là nguyên nhân tử vong thứ 3 thế giới. WHO dự đoán, năm 2020, COPD sẽ là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau đột quỵ và bệnh tim thiếu máu cục bộ. Bệnh này gây ra hơn 25.000 ca tử vong mỗi năm, nhiều hơn số người chết vì tai nạn giao thông. Con số này vẫn đang gia tăng.
Theo Tổ chức GOLD, TLĐT là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến COPD.Những người hút TLĐT có đến 98% có triệu chứng hô hấp. Tính đến tháng 9-2019, tại Việt Nam, 850 trường hợp hút TLĐT bị bệnh lý hô hấp và 13 trường hợp tử vong. Theo đó, Hội đồng khoa học của GOLD quyết định không khuyến cáo dùng TLĐT trong việc cai thuốc lá.
Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, hiện nay, chi phí điều trị trực tiếp COPD nếu nhẹ trên 400.000 đồng/ngày nhưng nặng sẽ là 60-90 triệu đồng/15 ngày. Ngoài ra, chi phí gián tiếp như ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc, có thể khiến ít nhất 2 người nghỉ việc khi chăm bệnh,... quan trọng hơn cả chi phí điều trị trực tiếp./.
Thanh Bình